Khai mạc Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII

Thứ Hai, 11/08/2014, 15:52 [GMT+7]

Sáng 11-8, trong buổi làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 30, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về một số vấn đề lớn còn có ý kiến khác nhau của dự án Luật Đầu tư (sửa đổi).

Nhận được sự quan tâm đặc biệt tại các lần bàn thảo trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) hướng đến xây dựng môi trường đầu tư bình đẳng, thuận lợi và minh bạch hơn. Đặc biệt, sửa đổi Luật Đầu tư còn nhằm tạo bước chuyển biến mới về cải cách thủ tục hành chính trong thực hiện hoạt động đầu tư gắn liền với việc đổi mới, nâng cao hiệu lực, hiệu qủa công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư; đồng thời góp phần tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện để các nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư với thủ tục đơn giản hơn và chi phí thấp hơn.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng chủ trì Phiên họp

Trong những lần thảo luận trước đây, một số ý kiến còn đề nghị dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) phải được bổ sung, hoàn thiện cơ chế khuyến khích và bảo hộ đầu tư phù hợp với cam kết của Việt Nam về mở cửa thị trường và tự do hóa đầu tư theo các điều ước quốc tế đã, đang và sẽ thỏa thuận trong thời gian tới.

Tại phiên họp lần này, nội dung nhận được nhiều ý kiến góp ý nhất đối với Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) là việc thực hiện và đảm bảo nguyên tắc công dân được quyền tự do kinh doanh trong những ngành, nghề mà pháp luật không cấm.

Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Luật Đầu tư (sửa đổi) cần quy định rõ những lĩnh vực cấm kinh doanh trên tinh thần đảm bảo nguyên tắc công dân có quyền kinh doanh những lĩnh vực mà pháp luật không cấm. Để làm được điều này, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị cần tổ chức học tập kinh nghiệm quốc tế, nhất là đối với những ngành nghề kinh doanh có điều kiện trên cơ sở đối chiếu những luật chuyên ngành ví dụ như: Chứng khoán, ngân hàng, khám chữa bệnh….; trong quá trình rà soát nếu những ngành nghề hạn chế này không còn phù hợp với điều kiện thực tế thì phải sửa đổi, thậm chí bãi bỏ.

Cũng quan tâm đến ngành nghề kinh doanh có điều kiện, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện tiếp tục nhấn mạnh đến tinh thần của Hiến pháp trong việc đảm bảo công dân có quyền kinh doanh những lĩnh vực và pháp luật không cấm. "Quy định rõ những lĩnh vực cấm kinh doanh nhưng cần có quy định mở trong điều kiện nhất định sẽ cấm kinh doanh một ngành nghề nhất định bởi rất khó lường trước tất cả những lĩnh vực cấm kinh doanh do tình hình kinh tế xã hội đang biến đổi rất nhanh chóng". Tuy nhiên, ông Hiện cũng đề xuất, trong trường hợp đó, có thể cấm kinh doanh một lĩnh vực nhất định nhưng phải được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho phép và phải báo cáo Quốc hội ngay tại Kỳ họp gần nhất.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý cho rằng, Dự án Luật Đầu tư (sửa đổi) liên quan đến hàng loạt các luật chuyên ngành nên rất cần được rà soát kỹ đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất. Đối với quy định các ngành nghề cấm đầu tư, kinh doanh, ông Lý cho rằng Luật Đầu tư (sửa đổi) cần thống nhất với Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) cũng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến trong buổi làm việc sáng nay.

Cho ý kiến đối với hai dự án Luật Đấu thầu (sửa đổi) và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, đây là hai dự án luật khó, có tầm phổ quát lớn, song có ý nghĩa rất quan trọng, cần phải được thực hiện tốt nhằm đổi mới toàn diện, thúc đẩy, giải phóng sức sản xuất của đất nước. Hai dự án Luật hướng đến việc mở rộng dân chủ trong hoạt động sản xuất, kinh doanh trên cơ sở tôn trọng kỷ cương, pháp luật. Chủ tịch Quốc hội lưu ý, hành vi buôn gian bán lận thường diễn ra trong quá trình đầu tư và kinh doanh, vì vậy đề ngăn chặn tình trạng này, Cơ quan soạn thảo cần gắn các nội dung của dự án Luật với việc chống hành vi gian lận thương mại. “Cần quy định vấn đề đạo đức kinh doanh trong dự án Luật”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cũng đề nghị gắn chặt mối tương quan giữa hoạt động đầu tư kinh doanh với doanh nghiệp.

Tháo nút thắt trong phiên thảo luận, nhấn mạnh đến Danh mục những ngành nghề kinh doanh bị cấm, kinh doanh có điều kiện - vấn đề trọng tâm của hai dự án Luật, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị tổ chức hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách, sau đó trình Quốc hội cho ý kiến, thống nhất, mới có thể hoàn thiện hai dự án luật.

Giải trình tại buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết, mặc dù Bộ đã đề nghị và nhắc nhở nhiều lần, tuy nhiên, đến tận giờ phút này, Bộ vẫn mới chỉ nhận được danh sách ngành, nghề, lĩnh vực cấm kinh doanh, kinh doanh có điều kiện của vài bộ dẫn đến Cơ quan soạn thảo chưa có cơ sở để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

(TTXVN)

;
.