Văn phòng Chủ tịch Nước công bố 6 luật
Thứ Sáu, 11/07/2014, 14:41 [GMT+7]
Sáng 10-7 tại Hà Nội, Văn phòng Chủ tịch Nước tổ chức họp báo công bố Lệnh của Chủ tịch Nước đối với 6 luật vừa được Kỳ họp thứ 7, Quốc hội Khóa XIII thông qua. Tham dự phiên họp có Chủ nhiệm Văn phòng Chủ tịch Nước Đào Việt Trung, lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành Trung ương.
6 luật được Văn phòng Chủ tịch Nước công bố gồm: Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), Luật nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam, Luật Công chứng, Luật Xây dựng, Luật Hôn nhân & gia đình và Luật Quốc tịch Việt Nam.
Theo Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, điểm mới quan trọng đột phá mạnh mẽ là sửa đổi quy định các đối tượng “có trách nhiệm tham gia BHYT” thành “BHYT là hình thức bảo hiểm bắt buộc” nhằm khẳng định mọi đối tượng bắt buộc phải tham gia BHYT để thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân.
Luật này cũng bổ sung khái niệm “Hộ gia đình tham gia BHYT” và “Gói dịch vụ y tế cơ bản do ũy BHYT chi trả” để thực hiện hình thức tham gia BHYT theo hộ gia đình đối với một số nhóm đối tượng và những dịch vụ y tế thiết yếu để chăm sóc sức khỏe phù hợp với khả năng chi trả của quỹ BHYT. Bổ sung quyền lợi, nâng mức hưởng bảo hiểm y tế và mở thông tuyến khám chữa bệnh BHYT. Theo đó, bỏ quy định chi trả 5% đối với người nghèo, bảo trợ xã hội, người dân tộc thiểu số sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, bỏ quy định cùng chi trả 20% đối với thân nhân của người có công với cách mạng là cha đẻ, mẹ đẻ, vợ hoặc chồng, con liệt sỹ, người có công nuôi dưỡng liệt sỹ, giảm mức cùng chi trả từ 20% xuống còn 5% với thân nhân khác của người có công và người thuộc hộ gia đình cận nghèo, quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh khi người bệnh có thời giant ham gia BHYT từ 5 năm liên tục trở lên và có số tiền cùng chi trả chi phí khám chữa bệnh trong năm lớn 6 tháng lương cơ sở.
Đây là Luật được dư luận xã hội đặc biệt quan tâm vì có nhiều nội dung liên quan trực tiếp đến cơ chế tài chính cho chăm sóc sức khỏe và an sinh xã hội, nhiều điểm mới trong luật mang tính đột phá, hội nhập quốc tế, được thay đổi theo chiều hướng mở rộng quyền lợi, tạo thuận lợi và thu hút người dân tham gia BHYT, tiến tới BHYT toàn dân.
Văn phòng Chủ tịch Nước công bố 6 luật |
Thứ trưởng Bộ Công an Bùi Văn Nam cho biết, nhìn chung Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam đã tạo nhiều thuận lợi cho người nước ngoài xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của tại Việt Nam tham quan, du lịch, tìm hiểu thị trường, hợp tác đầu tư, kinh doanh, học tập …đồng thời đáp ứng yêu cầu bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội.
Theo đó, Luật xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam quy định người nước ngoài sau khi nhập cảnh nếu có nhu cầu sẽ được xét cho chuyển đổi mục đích nhập cảnh, quy định thị thực Việt Nam có thời hạn không quá 12 tháng, trong khi Luật Đầu tư năm 2005 quy định cấp thị thực cho người nước ngoài vào đầu tư tại Việt Nam tối đa là 05 năm, quy định thị thực không được chuyển đổi mục đích nhằm đảm bảo công tác quản lý, khắc phục tình trạng người nước ngoài xin vào Việt Nam du lịch sau đó lại làm việc tại các công trình, dự án như thời gian qua.
Theo lãnh đạo Bộ Công an, so sánh với Pháp lệnh xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam năm 2000 và và các văn bản hướng dẫn Luật hiện hành, Luật Xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam có nhiều điểm mới quy định cụ thể về trình tự, thủ tục liên quan xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam.
Về Luật Xây dựng, theo lãnh đạo Bộ Xây dựng, nguyên tắc cơ bản và cũng là nội dung cốt lõi của Luật Xây dựng là đổi mới phương thức và nội dung quản lý dự án nhằm quản lý chặt chẽ đối với các dự án sử dụng vốn nhà nước, nhằm khắc phục thất thoát và lãng phí, nâng cao chất lượng các công trình xây dựng, đồng thời cũng tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân thuộc các thành phần kinh tế khác tham gia đầu tư xây dựng, sửa đổi, bổ sung quy định về quy hoạch xây dựng để góp phần nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng đảm bảo xây dựng theo quy hoạch và có kế hoạch nhằm khắc phục tình trạng đầu tư tự phát, đầu tư theo phong trào dẫn đến thất thoát lãng phí các nguồn nguồn lực.
Đổi mới việc kiểm soát, quản lý chất lượng xây dựng ở tất cả các khâu ở quá trình đầu tư xây dựng, trong đó yêu cầu cơ quan chuyên môn về xây dựng phải tăng cường kiểm soát quá trình xây dựng từ khâu lập dự án đầu tư xây dựng, thiết kế cơ sở, thiết kế kỹ thuật, nghiệm thu bàn giao… nhằm tránh thất thoát, lãng phí công trình xây dựng. Đổi mới cơ chế quản lý chi phí nhằm quản lý chặt chẽ chi phí đầu tư xây dựng từ nguồn vốn nhà nước, đảm bảo quyền bình đẳng và nghĩa vụ của các chủ thể tham gia thông qua hợp đồng xây dựng, thống nhất quản lý nhà nước về trật tự xây dựng thông qua việc cấp giấy phép xây dựng, đảm bảo công khai, minh bạch về quy trình cấp giấy phép xây dựng, đồng thời xác định rõ trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hoạt động đầu tư xây dựng và phân công, phân cấp hợp lý giữa các Bộ, ngành, địa phương.
Luật Xây dựng 2014 với nhiều điểm mới sẽ khắc phục được trình trạng quy hoạch chồng lấn, quy hoạch treo, đảm bảo dự án đầu tư xây dựng đúng mục tiêu, chất lượng, hiệu quả nâng cao vai trò quản lý của nhà nước về xây dựng trong việc kiểm soát hoạt độngđầu tư xây dựng của chủ đầu tư, đặc biệt là đối với dự án đầu tư xây dựng sử dụng vốn nhà nước nhằm đảm bảo chất lượng, nâng cao hiệu quả đầu tư xây dựng.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng, Luật Quốc tịch so với Luật Quốc tịch năm 2008 có một số sửa đổi bổ sung quan trọng như: không quy định về thời hạn đăng ký giữ quốc tịch Việt Nam và bổ sung quy định người Việt Nam định cư ở nước ngoài chưa mất quốc tịch Việt Nam mà không có giấy tờ chứng minh quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điều 11 của Luật này thì đăng ký với cơ quan đại diện để được cấp quốc tịch và hộ chiếu Việt Nam.
Người Việt Nam định cư ở nước ngoài mà chưa mất quốc tịch Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam trước ngày Luật này có hiệu lực thì vẫn còn quốc tịch Việt Nam và trong thời hạn 5 năm, kể từ ngày luật này có hiệu lực, phải đăng ký với có quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài để giữ quốc tịch.
Theo đại diện Bộ Tư pháp, Luật Công chứng có những nội dung cơ bản quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, thủ tục công chứng và quản lý nhà nước về công chứng, phạm vi công chứng được mở rộng hơn, theo đó nhiệm vụ công chứng bản dịch được giao lại cho công chứng viên, công chứng viên chịu trách nhiệm về nội dung bản dịch mà mình công chứng.
Một trong những điểm mới đáng chú ý của Luật Công chứng năm 2014 là quy định trong luật về tổ chức xã hội – nghề nghiệp của công chứng viên, đồng thời quy định công chứng viên có nghĩa vụ tham gia tổ chức này, phù hợp với tính đặc thù và thông lệ quốc tế về nghề công chứng.
Luật công chứng (sửa đổi) tập trung quy định về công chứng viên, tổ chức hành nghề công chứng, nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ công chứng, phát triển các tổ chức hành nghề công chứng quy mô lớn, hoạt động ổn định, nâng cao chất lượng của hoạt động công chứng.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Đinh Trung Tụng nhấn mạnh: Luật Hôn nhân và gia đình có những điểm mới sửa đổi bổ sung như: sửa đổi các quy định về kết hôn, theo đó độ tuổi kết hôn với nam là 20 tuổi và nữ là 18 tuổi mới đủ điều kiện kết hôn, Luật cũng bỏ quy định cấm kết hôn giữa những người cùng giới tính nhằm tránh phân biệt, kỳ thị với người đồng tính. Tuy nhiên, thể hiện quan điểm hôn nhân phải là sự liên kết giữa 2 người khác giới tính, khoản 2 điều 8 quy định “ Nhà nước không thừa nhận hôn nhân giữa những người cùng giới tính”.
Ngoài ra Luật cũng quy định bổ sung quy định về mang thai hộ vì mục đích nhân đạo, việc bổ sung này nhằm mục đích đáp ứng nhu cầu của các cặp vợ chồng muốn có con nhưng người vợ hoặc chồng không thể mang thai.
Đăng Linh
;