Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ Ba, 15/07/2014, 13:57 [GMT+7]

(BNCTW) - Chiều ngày 14-7, tiếp tục Phiên họp lần thứ 29, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi).
Các đại biểu đánh giá cao việc Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) đã chỉnh lý và tiếp thu nhiều nội dung quan trọng đã được Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII và các phiên họp trước của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và cho rằng cần rà soát lại quy định về quyền tư pháp tại Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Luật, không nên mở rộng quá quyền tư pháp, một số nội dung không thực sự là quyền tư pháp bởi các quyền này cũng được một số cơ quan khác thực thi. Về sự cần thiết thành lập các tòa chuyên trách tại tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, nhiều ý kiến cho rằng không nên thành lập tòa giản lược mà chỉ nên xây dựng các thủ tục giản lược cho các vụ án đơn giản, cần giải quyết nhanh chóng.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến vào Dự án Luật Tổ chức tòa án nhân dân (sửa đổi)

Các đại biểu đồng tình với việc cần xây dựng án lệ, tuy nhiên, việc này cần phải thận trọng, không thể áp dụng máy móc, dập khuôn và việc xây dựng án lệ cần phải trải qua một quy trình tổng kết, đánh giá của TANDTC. Các ý kiến còn khác nhau trong việc xem xét quyết định giám đốc thẩm, tái thẩm của Hội đồng Thẩm phán TANDTC có phải quyết định cuối cùng, cao nhất không.
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án quân sự cần phải được cụ thể hóa hơn, quân nhân phạm tội trong trường hợp nào thì bị xét xử bởi Tòa án quân sự, chứ không nhất thiết mọi hành vi do quân nhân thực hiện cần được xét xử bởi Tòa án này.
Có ý kiến cho rằng chỉ nên quy định 2 ngạch Thẩm phán nhằm đảm bảo tính công bằng cho các thẩm phán và việc điều động điều chuyển công tác đối với các thẩm phán. Trong khi đó, một số ý kiến tán thành với quy định chức danh thẩm phán sẽ được chia theo bốn ngạch. Quy định này phù hợp với pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức và các ngạch công chức, bảo đảm phân hóa đội ngũ thẩm phán một cách rõ ràng về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác.
Về nhiệm kỳ thẩm phán, các ý kiến đồng tình với việc Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn, thẩm phán khác nhiệm kỳ đầu là 5 năm và các nhiệm kỳ tiếp theo là 10 năm. Liên quan đến tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC, một số ý kiến tán thành với việc nên quy định cụ thể trong Luật này, tuy nhiên, một số khác cho rằng nên căn cứ theo các quy định và hướng dẫn của pháp luật về lao động.

Hà Thanh

;
.