Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng trong tình hình mới

Thứ Tư, 09/07/2014, 09:50 [GMT+7]

Ngày 8-7, Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai thực hiện Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị về “Tiếp tục đổi mới công tác thi đua, khen thưởng”. Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan chủ trì Hội nghị.

Tham dự Hội nghị có Bộ trưởng Bộ Nội vụ Nguyễn Thái Bình, Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và Xã hội Phạm Thị Hải Chuyền, Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Đặng Ngọc Tùng, Trưởng Ban Thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Nguyễn Văn Quynh, lãnh đạo các Ban, bộ, ngành Trung ương và 63 tỉnh, thành trong cả nước.

Toàn cảnh Hội nghị
Toàn cảnh Hội nghị

Phát biểu khai mạc Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, trong giai đoạn hiện nay, đất nước đang tập trung phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an sinh xã hội, cũng cố an ninh quốc phòng, và bảo vệ chủ quyền quốc gia nên việc tổ chức phong trào thi đua khen thưởng sẽ góp phần thực hiện tốt những nhiệm vụ này càng trở nên cần thiết và cấp bách.

Theo Phó Thủ tướng, Chỉ thị 34-CT/TW của Bộ Chính trị được ban hành đã động viên sức mạnh khối đại đoàn kết dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước xây dựng và bảo vệ tổ quốc.

Tuy nhiên, thực tế vừa qua, phong trào thi đua khen thưởng phát triển chưa đồng đều, liên tục, việc suy tôn, phong tặng các danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng có biểu hiện tràn lan, nhiều trường hợp được khen thưởng chưa phải là tấm gương tiêu biểu, khen thưởng cho người lao động, nông dân, công nhân còn ít.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền với công tác thi đua khen thưởng, đẩy mạnh tổ chức các phong trào thi đua gắn với tăng trưởng kinh tế và bảo vệ chủ quyền đất nước, do đó yêu cầu đổi mới toàn diện công tác thi đua, khen thưởng là nhiệm vụ càng trở nên quan trọng và cấp bách hơn. Đòi hỏi các cấp ủy, tổ chức Đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về chất lượng hiệu quả của công tác thi đua khen thưởng. Tiếp tục quán triệt, tuyên truyền đường lối, chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước về thi đua yêu nước.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó Chủ tịch Hội đồng Thi đua khen thưởng Trung ương, Trưởng Ban thi đua khen thưởng Trung ương Trần Thị Hà cho biết, công tác thi đua khen thưởng đã có nhiều nội dung mới được bổ sung đã thể hiện cơ bản các quan điểm theo định hướng đổi mới công tác thi đua khen thưởng. Theo đó nâng cao tiêu chuẩn đối với danh hiệu thi đua và các hình thức khen thương, không lấy danh hiệu thi đua làm tiêu chuẩn xét tặng các hình thức khen thưởng đối với cá nhân. Ngoài các quy định riêng, nếu công nhân, nông dân, người lao động đạt được thành tích theo quy định chung thì vẫn được khen thưởng  như các đối tượng khác. Thực hiện phân cấp về thẩm quyền và bổ sung tương đối với một số danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng.

Kết luận Hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, cần xác định rõ tầm quan trọng, vai trò của thi đua khen thưởng trong tình hình mới. Các bộ, ngành, địa phương thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Chỉ thị 34.

Các cấp ủy đảng, chính quyền cần nâng cao tinh thần trách nhiệm của mình trong quán triệt, thực hiện Chỉ thị 34, chú trọng công tác tuyên truyền Luật Thi đua khen thưởng, lãnh đạo các cơ quan thông tin tuyên truyền về đổi mới công tác thi đua khen thưởng.

Đổi mới nội dung, hình  thức, phương pháp của công tác thi đua khen thưởng; khen thưởng bảo đảm chính xác, kịp thời, công khai, đúng tiêu chuẩn, nhất là điển hình tiên tiến, chú trọng đến người lao động trực tiếp, công nhân, nông dân, đồng bào dân tộc thiểu số; đối tượng chính sách, người có công trong kháng chiến; đổi mới bộ máy tổ chức và cán bộ làm công tác thi đua khen thưởng...

Phát động phong trào thi đua sâu rộng trong bộ, ngành, địa phương mình để phong trào thi đua thực sự đi vào cuộc sống, là động lực quan trọng thúc đẩy lao động, sản xuất, học tập, góp phần phát triển đất nước.

Đăng Linh

;
.