Thanh tra Chính phủ: Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm 2014
Thứ Sáu, 11/07/2014, 15:11 [GMT+7]
Ngày 11-7, Thanh tra Chính phủ tổ chức Hội nghị trực tuyến sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai công tác nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2014. Đồng chí Huỳnh Phong Tranh, Tổng Thanh tra Chính phủ chủ trì Hội nghị.
Theo Báo cáo tại Hội nghị, 6 tháng đầu năm 2014, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đạt được những kết quả khả quan trong công tác; hoạt động thanh tra được tiến hành theo đúng định hướng và đã có sự đổi mới trong chỉ đạo, điều hành, triển khai công tác.
Cụ thể, toàn ngành đã triển khai 3.399 cuộc thanh tra hành chính; thanh tra các Bộ, ngành, địa phương triển khai 85.036 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành tại 391.108 tổ chức, cá nhân. Thanh tra Chính phủ và thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã tiến hành 606 cuộc thanh tra về trách nhiệm thực hiện pháp luật về giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng; tiến hành đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 1.100 kết luận và quyết định xử lý về thanh tra.
Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh yêu cầu cán bộ ngành Thanh tra tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm |
Qua thanh tra phát hiện vi phạm 9.853,7 tỷ đồng, 1.082,4 ha đất; kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 6.818,7 tỷ đồng và 409,4 ha đất (đã thu hồi 3.789,9 tỷ đồng); xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét xử lý 3.035 tỷ đồng, 673 ha đất; đã kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 548 tập thể, 1.160 cá nhân; ban hành 103.360 quyết định xử phạt vi phạm hành chính tổ chức, cá nhân với số tiền 1.173 tỷ đồng; chuyển cơ quan điều tra xử lý hình sự 18 vụ, 24 đối tượng.
Thanh tra Chính phủ đang tập trung hướng dẫn, đôn đốc các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, lập danh sách và tập trung giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo phức tạp, tồn đọng theo Kế hoạch 2100.
Bên cạnh đó, ngành Thanh tra tiếp tục hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng: tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; cải cách chế độ công vụ, công chức; thực hiện các quy định về công khai, minh bạch của các cơ quan, tổ chức, đơn vị; chế độ, định mức, tiêu chuẩn; quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức được tăng cường. Chuyển đổi vị trí công tác 3.903 cán bộ, công chức, viên chức. Xử lý trách nhiệm 5 người đứng đầu để xảy ra tham nhũng. Tích cực triển khai thực hiện việc kê khai tài sản và công khai bản kê khai của cán bộ, công chức.
Trong 6 tháng đầu năm 2014, thanh tra phát hiện 05 vụ, 13 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng với số tiền 2.327 triệu đồng; đã thu 630 triệu đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 20 tập thể, 15 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra hình sự 01 vụ, 05 đối tượng. Qua giải quyết khiếu nại, tố cáo đã chuyển cơ quan điều tra xử lý 16 vụ, 16 đối tượng.
Ngành Thanh tra đã thực hiện cơ bản tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; xây dựng và hoàn thiện thể chế về phòng, chống tham nhũng; triển khai hướng dẫn việc thực hiện các giải pháp; kiểm tra, đôn đốc, tổng hợp thông tin, đánh giá tình hình tham nhũng.
Tuy nhiên, công tác thanh tra vẫn còn hạn chế một số tồn tại: việc ban hành kế hoạch và triển khai một số cuộc thanh tra chậm so với kế hoạch, chất lượng thanh tra thấp. Một số Bộ, ngành, địa phương triển khai thanh tra chuyên đề diện rộng không theo đúng hướng dẫn của Thanh tra Chính phủ; chưa chú trọng thanh tra trách nhiệm trong thực hiện pháp luật về thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng.
Công tác phòng, chống tham nhũng còn thiếu quyết liệt, một số giải pháp phòng ngừa tham nhũng triển khai chưa tích cực và chưa phát huy hiệu quả trên thực tế...
Kết luận Hội nghị, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh yêu cầu, 6 tháng cuối năm 2014, cán bộ ngành Thanh tra tiếp tục đoàn kết, nỗ lực hoàn thành các nhiệm vụ trọng tâm đã đề ra. Đồng chí nhấn mạnh, về công tác thanh tra, triển khai thanh tra theo kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm, cần tập trung vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng; tập trung thanh tra chuyên đề diện rộng về tăng cường quản lý đầu tư và xử lý nợ đọng từ nguồn vốn ngân sách Nhà nước, trái phiếu Chính phủ.
Đẩy mạnh công tác giám sát, thẩm định và xử lý sau thanh tra, bảo đảm các cuộc thanh tra có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ; thực hiện công khai kết luận thanh tra; tăng cường kiểm tra, đôn đốc thực hiện kết luận, kiến nghị và quyết định xử lý về thanh tra.
Việc xây dựng kế hoạch thanh tra năm 2015 cần bảo đảm tính kịp thời nhưng phải có trọng tâm, trọng điểm, hạn chế tình trạng chồng chéo.
Tập trung giải quyết dứt điểm các vụ việc phức tạp, tồn đọng; xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo và tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Về công tác phòng, chống tham nhũng, kiểm tra đôn đốc thực hiện Chỉ thị số 33-CT/TW của Bộ Chính trị về kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập; tổ chức Đối thoại lần thứ 13 về phòng, chống tham nhũng; nghiên cứu đề nghị sửa đổi, bổ sung hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách liên quan đến phòng, chống tham nhũng; phối hợp với Bộ Tư pháp triển khai chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về Đề án Kiểm soát thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn. Phối hợp với các cơ quan chức năng trong việc cung cấp thông tin và phát hiện, xử lý tham nhũng…
Nhã Lan
(Thanh tra Chính phủ)
;