Nâng cao kiến thức luật phòng, chống tham nhũng cho người làm báo
Ngày 23-7, tại thành phố Đà Nẵng, Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Tư pháp phối hợp tổ chức Hội nghị tập huấn kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho gần 50 lãnh đạo, phóng viên, biên tập viên các cơ quan báo chí. Đồng chí Nguyễn Thành Hưng, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì Hội nghị.
Những năm qua, Đảng và Nhà nước đã đề ra nhiều chủ trương, chính sách, giải pháp phòng, chống tham nhũng và thực hiện những chủ trương, chính sách đó đã mang lại kết quả bước đầu quan trọng, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình, ủng hộ và đánh giá cao.
Đối với lĩnh vực báo chí, Đảng, Nhà nước cũng ban hành nhiều văn bản pháp luật, tạo cơ chế pháp lý để hoạt động tiếp cận thông tin, tuyên truyền, phản ánh, đấu tranh phòng, chống tham nhũng có kết quả. Tuy nhiên, để báo chí góp phần tuyên truyền, đấu tranh phòng, chống tham nhũng thực sự có hiệu quả, cần phải có cơ chế bảo hộ đối với người làm báo trong tác nghiệp, thực thi nhiệm vụ; việc lựa chọn nguồn tin có độ tin cậy cao, nên quy định về người phát ngôn, cung cấp thông tin cho báo chí về tiêu cực, tham nhũng...
Quang cảnh Hội nghị |
Báo chí cả nước đã tham gia tích cực công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan báo chí đã phản ánh nhiều vụ tiêu cực, tham nhũng lớn ở Trung ương và địa phương, như sai phạm trong trong công tác quản lý đất đai ở các địa phương. Qua đó, góp phần lành mạnh hoá hoạt động công vụ ở các cơ quan Nhà nước; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật và vai trò giám sát của người dân trong hoạt động thực thi công vụ của đội ngũ công chức và lãnh đạo bộ máy công chức, tham gia định hướng dư luận và cung cấp thông tin, chứng cứ để các cơ quan chức năng vào cuộc, điều tra xử lý.
Các đại biểu tham dự Hội nghị đã được phổ biến những nội dung cơ bản của việc sửa đổi, bổ sung Luật phòng, chống tham nhũng; Công ước của Liên Hợp quốc về chống tham nhũng; các nghị định của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập; trách nhiệm giải trình của cơ quan Nhà nước trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao; trách nhiệm xã hội trong phòng, chống tham nhũng; chuyển đổi vị trí công tác; chế độ trách nhiệm người đứng đầu; xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng...
Việc sửa đổi Luật phòng, chống tham nhũng và các nghị định có liên quan nhằm tiếp tục nâng cao chất lượng các thiết chế phòng, ngừa tham nhũng, đặc biệt là làm cho luật đi vào cuộc sống, đáp ứng yêu cầu thực tiễn đặt ra. Vì vậy, những nội dung sửa đổi, bổ sung tập trung vào các vấn đề lớn như: một số quy định về công khai, minh bạch trong tổ chức và hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị; một số quy định về minh bạch tài sản, thu nhập; về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị để xảy ra tham nhũng; giải trình của cơ quan Nhà nước; mô hình tổ chức Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng...
Hội nghị tập huấn lần này là nhằm trang bị cho các phóng viên, biên tập viên những kiến thức cơ bản về phòng chống tham nhũng; qua đó, áp dụng vào thực tiễn tại địa phương, đơn vị, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng trên báo chí.
Vũ Tiến Dũng
(TTXVN)