Hội đồng tư vấn, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp họp phiên thứ 4

Thứ Hai, 14/07/2014, 09:52 [GMT+7]

(BNCTW) - Ngày 12-7, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn, thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp tổ chức Phiên họp toàn thể lần thứ 4 cho ý kiến đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương. Đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Phiên họp.
Tại Phiên họp, đại diện Bộ Nội vụ trình bày Báo cáo về mục tiêu, quan điểm và những nội dung cơ bản của dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Báo cáo mục tiêu, quan điểm và những nội dung cơ bản của dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương cụ thể hóa Hiến pháp.
Theo Báo cáo, mục tiêu xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ là tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của Chính phủ, xây dựng một Chính phủ mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt, phát huy mạnh mẽ quyền dân chủ, phục vụ nhân dân, kiến tạo, phát triển đất nước. Còn mục tiêu xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương là tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả; bộ máy hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; phát huy vai trò của Nhân dân trong việc tham gia xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.

Quang cảnh Phiên họp
Quang cảnh Phiên họp

Các thành viên Hội đồng đã thảo luận, cho ý kiến về 2 dự thảo. Theo đó, tại dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị cần tập trung làm rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, nguyên tắc tổ chức và hoạt động của Chính phủ; chế định “Bộ trưởng không Bộ”, Văn phòng Chính phủ; chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.
Đồng chí Hoàng Thế Liên, nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, cần có những quy định thể hiện sự phân cấp giữa chính quyền trung ương và địa phương ngay trong dự thảo Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi, còn Luật Tổ chức chính quyền địa phương thì chỉ nên điều chỉnh vấn đề phân cấp giữa địa phương với địa phương. Đối với đề xuất thành lập “Bộ trưởng không Bộ”, không nên quy định trong Luật thành một cấp quản lý; nên chăng quy định theo hướng Chính phủ được quyền thành lập các cơ quan thuộc Chính phủ mà không cần thành lập “Bộ trưởng không Bộ”; đồng thời, cần luật hóa cơ cấu của Chính phủ ngay trong dự thảo Luật để đảm bảo cơ cấu của Chính phủ ổn định, tinh gọn, phù hợp với bối cảnh cải cách hành chính của nước ta.
Đồng chí Nguyễn Sĩ Dũng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhận định, tư tưởng kiểm soát quyền lực của Hiến pháp chưa được thể hiện rõ trong Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), nhất là việc kiểm soát quyền lực của Chính phủ đối với cơ quan lập pháp và tư pháp. Việc quy định để tách hành pháp chính trị khỏi hành chính công vụ, cơ chế chịu trách nhiệm công vụ chưa rõ, do vậy đề xuất cần thành lập chức danh như Tổng thư ký/Tổng chưởng lý Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, còn có ý kiến đề nghị cân nhắc việc tiếp tục giao Bộ trưởng nhiệm vụ đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn của doanh nghiệp để tránh làm méo mó chính sách của Nhà nước, đồng thời thể hiện rõ trách nhiệm của các doanh nghiệp. Đề nghị bổ sung nguyên tắc mệnh lệnh, quyền uy và nguyên tắc đề cao trách nhiệm của cá nhân trong dự thảo Luật; quy định rõ những chính sách nào do Quốc hội quyết định và chính sách nào Chính phủ có thẩm quyền ban hành ngay trong dự thảo Luật để bảo đảm cho Chính phủ chủ động, năng động và hoạt động hiệu quả.
Đối với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương, đến thời điểm này do chưa có kết luận cuối cùng về việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường nên Ban soạn thảo gặp nhiều khó khăn trong xây dựng dự thảo Luật. Mặc dù vậy, dự thảo Luật đã quy định, cụ thể hóa nhiều nội dung và tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Theo đó, dự thảo Luật xác định rõ tên gọi là “thành phố” đối với đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương và quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo 4 địa bàn (nông thôn, đô thị, hải đảo và đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt). Đặc biệt, dự thảo Luật đã bổ sung các nguyên tắc về phân cấp, phân quyền theo hướng bảo đảm việc nào, cấp nào giải quyết sát thực tế hơn, kịp thời và phục vụ tốt hơn các yêu cầu của tổ chức, người dân thì phân cấp hoặc giao quyền cho cấp đó thực hiện; nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền riêng của chính quyền địa phương để giải quyết các vấn đề của địa phương thì chính quyền địa phương chủ động tổ chức thực hiện và tự chịu trách nhiệm; nhiệm vụ nào thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cơ quan nhà nước cáp trên nhưng chuyển giao (ủy quyền) cho chính quyền cấp dưới thực hiện.
Phạm vi điều chỉnh của Luật Tổ chức chính quyền địa phương cũng là một nội dung lớn nhận được nhiều ý kiến. Theo đó, dự thảo Luật chỉ quy định về đơn vị hành chính của từng cấp chính quyền địa phương, mô hình tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính, phân cấp, phân quyền và nhiệm vụ, quyền hạn của từng cấp chính quyền địa phương… Đối với đơn vị hành chính – kinh tế đặc biệt và hoạt động giám sát của HĐND, dự thảo Luật chỉ quy định mang tính nguyên tắc, các nội dung cụ thể về cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ… của đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và hoạt động giám sát của HĐND sẽ do Luật về đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và Luật vê hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND điều chỉnh.
Kết luận Phiên họp, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho rằng, đây là 02 dự án luật có nhiều điểm liên quan với nhau, Ban soạn thảo cần tiếp thu ý kiến của các thành viên Hội đồng, cụ thể hóa được nhiều điểm mới trong Hiến pháp 2013 quy định về Chính phủ và chính quyền địa phương, quy định cụ thể vấn đề kiểm soát quyền lực của Chính phủ, tạo động lực cho Chính phủ là cơ quan hành pháp, kiến  tạo, thừa hành và năng động phát triển; đổi mới tư duy về việc “tản quyền”, “phân cấp” trong 2 dự thảo Luật…

Nguyễn Phương Thảo

;
.