Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp họp Phiên thứ 3
Thứ Sáu, 04/07/2014, 16:13 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 3-7, tại Hà Nội, Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp tổ chức phiên họp toàn thể lần 3 cho ý kiến đối với dự án Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (VBQPPL) (hợp nhất) để chuẩn bị cho phiên họp chuyên đề của Chính phủ về xây dựng pháp luật tháng 7-2014. Đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Phiên họp.
Quang cảnh Phiên họp |
Tại Phiên họp, đại diện Vụ các vấn đề về xây dựng pháp luật, Bộ Tư pháp trình bày Báo cáo về mục tiêu, yêu cầu, quan điểm chỉ đạo và những nội dung cơ bản của dự án Luật Ban hành VBQPPL (hợp nhất) liên quan đến Hiến pháp 2013. Theo Báo cáo, Luật Ban hành VBQPPL đã đạt được những kết quả nhất định khi triển khai trên thực tế nhưng vẫn tồn tại một số hạn chế: còn quá nhiều VBQPPL do nhiều cơ quan có thẩm quyền ban hành với các hình thức, cấp độ hiệu lực khác nhau đang làm cho hệ thống pháp luật cồng kềnh, nhiều tầng nấc, chồng chéo, thậm chí mâu thuẫn, gây khó khăn cho việc áp dụng và làm tăng gánh nặng chi phí tuân thủ; chất lượng một số VBQPPL còn hạn chế, chưa đảm bảo sự đồng bộ trong chính sách; tiến độ ban hành chưa đáp ứng; thiếu sự gắn kết giữa xây dựng pháp luật và thi hành pháp luật… Chính vì vậy, một trong những quan điểm quan trọng khi xây dựng dự thảo Luật là đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, trọng tâm là việc phân tích, đánh giá chính sách, đánh giá tác động, tạo sự chuyển biến rõ rệt về chất lượng và bảo đảm tính kịp thời trong ban hành VBQPPL; bảo đảm sự đồng bộ, thống nhất với các dự án luật về tổ chức bộ máy nhà nước triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013…
Đa số đại biểu đề nghị thu hẹp phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tập trung điều chỉnh 2 nội dung cơ bản là xây dựng và ban hành; đồng tình với dự thảo Luật khi thu hẹp phạm vi các VBQPPL, theo đó, Lệnh của Chủ tịch nước, Thông tư của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước và Thông tư liên tịch giữa cơ quan Nhà nước với tổ chức chính trị - xã hội không còn là VBQPPL nữa.
Về thẩm quyền ban hành, một số ý kiến đề nghị bỏ thẩm quyền ban hành VBQPPL của HĐND, UBND cấp huyện và cấp xã vì đây là 2 cấp chủ yếu tổ chức thi hành VBQPPL, ít khi ban hành VBQPPL. Một số ý kiến đề nghị giữ lại thẩm quyền ban hành VBQPPL của 2 cấp này để phù hợp với bối cảnh đang thực hiện phân cấp cho địa phương quản lý và quyết định những vấn đề thuộc thẩm quyền và nhiệm vụ của mình.
Về giai đoạn xây dựng chính sách trong quá trình lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, đa số ý kiến đề nghị việc nghiên cứu, xây dựng và phân tích chính sách, đánh giá tác động chi tiết cho từng chính sách chỉ dừng lại ở Chính phủ, Quốc hội không tham gia vào giai đoạn này (tương tự quy trình hiện nay).
Một số đại biểu đồng tình với việc dự thảo Luật quy định về trách nhiệm bồi thường do ban hành VBQPPL chi tiết chậm hoặc sai nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm, kỷ luật, kỷ cương trong công tác xây dựng pháp luật, thể hiện sự "sòng phẳng" của Nhà nước với nhân dân. Tuy nhiên cũng có một số đại biểu cho rằng việc quy định như vậy sẽ rất khó thực hiện, thiếu khả thi.
Nguyễn Phương Thảo
;