Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp họp Phiên thứ 2

Thứ Năm, 03/07/2014, 10:18 [GMT+7]
Ngày 2-7, Hội đồng tư vấn thẩm định các dự án luật, pháp lệnh triển khai thi hành Hiến pháp đã họp Phiên thứ 2 cho ý kiến đối với Dự án Bộ luật Dân sự ( sửa đổi). Đồng chí Hà Hùng Cường, Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Chủ tịch Hội đồng chủ trì Phiên họp. 
Báo cáo tại Phiên họp ghi nhận sự cần thiết sửa đổi Bộ luật Dân sự năm 2005, nhất là trong bối cảnh Hiến pháp năm 2013 ghi nhận rất nhiều quyền tài sản và nhân thân của công dân. Một nội dung đáng chú ý là Dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi quy định mọi quyền dân sự được ghi nhận trong Hiến pháp, Bộ luật này, các luật khác có liên quan đều được Nhà nước tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. 
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Các đại biểu tham dự Phiên họp
Cùng với đó, tại khoản 3 Điều 102 Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân” và để bảo đảm thực hiện tốt hơn quyền con người, quyền công dân về dân sự, Dự thảo bổ sung quy định: “Thẩm phán không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự với lý do chưa có điều luật để áp dụng”.
Đa số các thành viên Hội đồng đồng tình việc bổ sung nguyên tắc tôn trọng và bảo vệ quyền dân sự và nhận định đây là ý tưởng hay, đúng, phù hợp Hiến pháp, mở rộng quyền dân sự cho công dân nhiều hơn nữa. Tuy nhiên, một số ý kiến cũng nhận định tư tưởng “thẩm phán bảo vệ công lý” phổ biến ở nhiều nước trên thế giới song không hợp lý với điều kiện hiện nay của Việt Nam khi trách nhiệm và quyền lợi của thẩm phán thực sự chưa đi liền với nhau…
Dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chỉ quy định 3 hình thức sở hữu trong Bộ luật Dân sự gồm sở hữu toàn dân, sở hữu riêng và sở hữu chung. Lý giải về việc “thu gọn” các hình thức sở hữu so với Bộ luật Dân sự năm 2005, ông Dương Đăng Huệ nêu rõ là để phù hợp với chế độ sở hữu, hình thức sở hữu trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và cũng để phù hợp với nguyên tắc xác định hình thức sở hữu.
Theo một số đại biểu tham dự Phiên họp, Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định hình thức sở hữu toàn dân. Vì vậy, Dự thảo sửa đổi phải làm rõ được những loại tài sản nào thuộc sở hữu toàn dân, như đất đai thì đã được nêu trong Luật đất đai. Tuy nhiên, dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi) chưa đề cập đến hình thức sở hữu tư nhân vốn là một điểm mới mà Hiến pháp năm 2013 đã ghi nhận.
                                                                               Hoàng Thùy Linh
                                                                                   (Đài TNVN)
;
.