Quốc hội thảo luận Dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Thứ Tư, 04/06/2014, 10:36 [GMT+7]
(BNCTW) - Chiều ngày 03-6, Quốc hội họp phiên toàn thể, thảo luận về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi), các đại biểu Quốc hội đã tập trung góp ý, trao đổi về tổ chức Tòa án các cấp, quyền tư pháp của tòa án, vấn đề phát triển án lệ, ngạch, nhiệm kỳ và tuổi nghỉ hưu của thẩm phán, tòa giản lược,...
Đa số các ý kiến phát biểu của đại biểu Quốc hội đồng tình với việc thành lập 4 cấp tòa án, tuy nhiên, một vài ý kiến băn khoăn về việc thành lập Tòa án cấp cao; bởi đây là cấp tòa án mới, chưa có điều kiện thí điểm và Dự thảo Luật không quy định rõ có bao nhiêu Tòa án cấp cao. Về việc thành lập Tòa án nhân dân (TAND) sơ thẩm khu vực vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau, ý kiến đồng tình cho rằng việc thành lập này sẽ đảm bảo sự độc lập trong xét xử cho Tòa án sơ thẩm và khắc phục được những hạn chế, bất cập của tòa án sơ thẩm cấp huyện hiện nay; ngược lại, ý kiến không đồng ý cho rằng thành lập TAND sơ thẩm khu vực sẽ không đảm bảo sự gần dân, sự lãnh đạo của Đảng và giám sát của cơ quan dân cử.
Về quyền tư pháp của Tòa án, một số ý kiến đồng tình với việc cụ thể hóa quyền tư pháp như Khoản 2, Điều 2 của Dự thảo Luật. Tuy nhiên, các ý kiến khác cho rằng không nên cụ thể hóa quyền tư pháp của Tòa án trong thời điểm hiện nay, cần phải tiếp tục nghiên cứu để làm rõ quyền tư pháp là gì, nội hàm của quyền tư pháp, phạm vi quyền tư pháp trong điều kiện cụ thể của Việt Nam. Đồng thời, có ý kiến cho rằng không nhất thiết phải cụ thể hóa quyền tư pháp là gì, bởi thực tế các quyền lập pháp và quyền hành pháp cũng không đòi hỏi phải cụ thể hóa.
Một nội dung quan trọng khác là vấn đề phát triển án lệ của Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC), các ý kiến phát biểu thống nhất về sự cần thiết phải chính thức luật hóa vấn đề này, việc này phù hợp với định hướng cải cách tư pháp của Đảng và Hiến pháp, tháo gỡ những vướng mắc trong thực tiễn xét xử, trước thực trạng pháp luật vẫn còn những mảng thiếu, chồng chéo và chưa rõ ràng. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng án lệ là vấn đề mới, còn nhiều ý kiến khác nhau cần được cân nhắc kỹ, làm rõ nội hàm của khái niệm “án lệ”; các bản án mẫu mực được lựa chọn làm án lệ có giá trị pháp lý như nguồn của pháp luật hay không, nếu chỉ có giá trị tham khảo thì không nên quy định trong luật.
Về quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán, cơ bản các ý kiến đồng tình với việc nên kéo dài thời hạn nhiệm kỳ của thẩm phán, nhưng cũng có ý kiến không tán thành việc Thẩm phán TANDTC được bổ nhiệm không kỳ hạn và nên giữ nguyên thời hạn nhiệm kỳ là 5 năm như luật hiện hành nhằm bảo đảm thận trọng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, tạo động lực phấn đấu rèn luyện, nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của Thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ. Liên quan đến tuổi nghỉ hưu của Thẩm phán TANDTC, một số ý kiến không tán thành quy định của dự thảo Luật về tuổi nghỉ hưu là 65 tuổi mà cần được thực hiện theo quy định chung, thống nhất như quy định của pháp luật lao động và công chức.
Nhiều đại biểu đề nghị chỉ nên quy định 2 ngạch Thẩm phán là Thẩm phán TANDTC và thẩm phán, chứ không nên để theo các ngạch sơ cấp, trung cấp và cao cấp nhằm đảm bảo tính công bằng cho các thẩm phán và việc điều động điều chuyển công tác đối với các thẩm phán. Trong khi đó, một số ý kiến tán thành với quy định chức danh thẩm phán sẽ được chia theo bốn ngạch, gồm Thẩm phán TANDTC, thẩm phán cao cấp, thẩm phán trung cấp, thẩm phán sơ cấp. Quy định này phù hợp với pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức và các ngạch công chức. Đồng thời, bảo đảm phân hóa đội ngũ thẩm phán một cách rõ ràng về tiêu chuẩn, phẩm chất đạo đức, trình độ chuyên môn, năng lực nghiệp vụ, kinh nghiệm công tác.
Ngoài ra, đa số các ý kiến phát biểu không đồng tình với việc thành lập tòa giản lược để thực hiện nhiệm vụ xem xét, quyết định áp dụng các biện pháp xử lý hành chính đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc. Loại việc này nên giao cho Tòa hành chính giải quyết là phù hợp, bảo đảm tập trung đầu mối, không làm cồng kềnh tổ chức bộ máy, phát sinh thêm biên chế.
Chủ trì phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá các ý kiến đại biểu đều đề cập tới những vấn đề hệ trọng, cốt yếu của dự thảo Luật. Vì vậy, Ban soạn thảo, cơ quan thẩm tra cần tiếp thu đầy đủ, chặt chẽ, để hoàn thiện dự thảo, đưa dự Luật ra thông qua tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII. Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu thăm dò đại biểu quốc hội về các vấn đề có các phương án khác nhau được nêu trong dự thảo Luật.
Hà Thanh
;