Bộ Tư pháp: Hội thảo Thẩm quyền và quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật

Thứ Năm, 05/06/2014, 09:07 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 4-5/6/2014, tại Hà Nội, nhằm phục vụ cho việc xây dựng dự án Luật văn bản quy phạm pháp luật. Bộ Tư pháp tổ chức Hội thảo “Thẩm quyền và quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật”. Hội thảo là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam” do Chính phủ Canada tài trợ.
Chủ trì hội thảo, ông Nguyễn Hồng Tuyến – Vụ trưởng Vụ các vấn đề chung về xây dựng pháp luật và ông Isabeau Vilandre, Giám đốc Văn phòng dự án Phát triển lập pháp quốc gia tại Việt Nam. Ban Nội chính Trung ương, Văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Văn phòng Quốc hội, Bộ Tư pháp, Viện nghiên cứu lập pháp, Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Đại học Quốc gia Hà Nội, Hội luật gia Việt Nam và đại diện đến từ các Sở Tư pháp Hà Nội, Hải Phòng, Thanh Hóa, Vĩnh Phúc, Ninh Bình, Hà Nam… tham dự hội thảo.
Hiện nay pháp luật về ban hành VBQPPL ở nước ta đang được phân thành hai cấp, bị cắt khúc theo quy định của Luật ban hành VBQPPL năm 2008 và Luật ban hành VBQPPL của HĐND, UBND năm 2004. Việc hai Luật song song cùng điều chỉnh hoạt động xây dựng và ban hành VBQPPL đã dẫn đến những hạn chế, bất cập, gây khó khăn cho công tác xây dựng và thi hành pháp luật. Thẩm quyền ban hành VBQPPL vẫn còn một số điểm chưa rõ ràng, đặc biệt là việc phân định thẩm quyền giữa Chính phủ và Quốc hội, giữa Chính phủ với Thủ tướng Chính phủ và các bộ. Quy định việc phân cấp, phân quyền giữa Trung ương và địa phương trong ban hành VBQPPL chưa rõ, thậm chí chồng chéo, mâu thuẫn, gây khó khăn cho người dân và doanh nghiệp và cả cơ quan nhà nước trong quá trình thi hành. Quy trình ban hành VBQPPL có nhiều điểm chưa hợp lý, chưa đề cao được vai trò quan trọng của hoạt động hoạch định và phân tích chính sách dẫn đến nhiều VBQPPL khi triển khai trên thực tế không khả thi. Chính vì vậy, tại dự thảo Luật VBQPPL lần này, Ban soạn thảo đã đưa ra một số điểm mới cơ bản về thẩm quyền và quy trình ban hành VBQPPL, cụ thể:
- Một là, phân biệt rõ thẩm quyền lập pháp, lập quy. Tinh gọn hơn nữa hệ thống VBQPPL và hạn chế việc ban hành VBQPPL của chính quyền địa phương. Theo đó, Ban soạn thảo đưa ra 2 phương án. Phương án 1 quy định mỗi cơ quan chỉ ban hành VBQPPL dưới một hình thức văn bản nhất định và bỏ thẩm quyền ban hành văn bản của một số chủ thể nhất định (VD: bỏ thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Quốc hội, UBTVQH; không quy định thẩm quyền ban hành VBQPPL của Chủ tịch nước, Quyết định của Tổng Kiểm toán Nhà nước…). Phương án 2 giữ nguyên hệ thống VBQPPL như hiện nay chỉ bỏ hình thức VBQPPL của cấp huyện và cấp xã. Ngoài ra, dự thảo Luật cũng có nhiều sửa đổi quy định về thẩm quyền về mặt nội dung giữa các chủ thể khi ban hành VBQPPL, nhất là xác định cụ thể nội dung nào được ban hành dưới dạng VBQPPL.
- Hai là, đổi mới cơ bản, toàn diện quy trình xây dựng, ban hành VBQPPL, trọng tâm là việc phân tích, đánh giá chính sách ngay khi thực hiện đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh. Quốc hội sẽ xem xét thông qua đề nghị xây dựng luật, pháp lệnh với những chính sách cho từng dự án luật, pháp lệnh thay vì chỉ thông qua Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh như hiện nay. Điều này sẽ giúp Quốc hội tham gia vào xây dựng chính sách ngay từ đầu, khắc phục tình trạng văn bản phải soạn thảo, sửa đổi nhiều lần, không khả thi trên thực tế…
Phản biện và đóng góp ý kiến tại Hội thảo, nhiều đại biểu đánh giá cao những đột phá mới, nhất là quy trình ban hành VBQPPL trong dự thảo Luật, đồng thời, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc về việc bỏ thẩm quyền ban hành Nghị quyết của Quốc hội; giải mã cụ thể hơn thế nào là "phân tích chính sách" ngay trong dự thảo Luật; thành lập Hội đồng thẩm định trong trường hợp các dự án luật không do Chính phủ trình…
Phương Thảo
 
;
.