Thẩm vấn về hành vi trốn thuế của bị cáo Nguyễn Đức Kiên
Ngày 26-5, phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo và người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan về hành vi trốn thuế của bị cáo Nguyễn Đức Kiên.
Trả lời luật sư về hành vi trốn thuế, Nguyễn Đức Kiên cho rằng việc các cơ quan tố tụng sử dụng bản giám định của cơ quan thuế làm căn cứ để buộc tội là không đúng. Theo bị cáo, việc giám định thuế thu nhập phải dựa trên tất cả các hợp đồng của công ty trong năm đó và phải căn cứ vào các quy định pháp luật tại thời điểm xảy ra. Kiên viện dẫn, tại thời điểm đó, công ty B&B được miễn giảm thuế theo quy định của pháp luật. Cơ quan điều tra chỉ cung cấp 5 tài liệu cho cơ quan giám định Bộ Tài chính là không đủ căn cứ để buộc tội. Kiên còn đưa ra thêm 2 tài liệu quan trọng khác mà không được cơ quan điều tra đưa vào hồ sơ vụ án, bao gồm: Phụ lục giữa Kiên và Hương, biên bản xác nhận số lỗ của công ty B&B vào ngày 31/12/2010 là 268 tỷ đồng. Theo bị cáo Kiên 2 tài liệu này thể hiện đúng bản chất kinh doanh của công ty, nếu thiếu 2 tài liệu này thì sai bản chất sự việc. Bởi lẽ, ông Kiên cho rằng, do Công ty B&B do bị lỗ 268 tỷ đồng nên không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước Tòa |
Về nội dung này, đại diện Giám định của Bộ Tài chính cũng cho rằng, căn cứ 5 hồ sơ do cơ quan điều tra cung cấp không thể xác định chính xác số thuế thu nhập doanh nghiệp của một doanh nghiệp.
Liên quan đến vấn đề này, bà Đặng Ngọc Lan (vợ bị cáo Kiên, đồng thời là Giám đốc Công ty B&B) cho biết: Khi B&B nhận được công văn của cơ quan điều tra và Tổng cục Thuế thì kế toán B&B đã thử lập phương án xác định lại số thuế sẽ phải nộp nếu hợp đồng ủy thác giữa B&B và bà Hương vô hiệu, sau khi trích lập DPRR (dự phòng rủi ro) thì B&B lỗ 77 tỷ đồng vào năm 2009 và năm 2010 lỗ thêm 315 tỷ đồng. Bà Lan khẳng định: B&B không nhận được bất kỳ một văn bản nào hướng dẫn hay đòi truy thu thuế của Tổng cục Thuế. Ngược lại, phía B&B đã gửi văn bản đến Cục Thuế đề nghị hướng dẫn kê khai thuế nhưng vẫn chưa nhận được. Ngày 2/5/2014, B&B tiếp tục gửi văn bản nữa nhưng vẫn chưa có công văn trả lời của Cục Thuế.
Trong nội dung cáo buộc lợi dụng việc chuyển nhượng cổ phần của Công ty ACBI với Công ty Thép Hòa Phát để chiếm đoạt 264 tỷ đồng, bị cáo Nguyễn Đức Kiên tiếp tục khẳng định ban đầu không đồng ý song vì mối quan hệ thân tình với chủ tịch tập đoàn Hòa Phát Trần Đình Long mới chấp nhận. Cho đến khi bị bắt, bị cáo đã thực hiện chuyển đổi theo đúng thoả thuận và không có hành vi gian dối nào trong việc chuyển nhượng.
Về việc giám đốc Trần Ngọc Thanh và kế toán trưởng Nguyễn Thị Hải Yến của ACBI cùng bị quy kết lừa đảo trong vụ việc này, bị cáo Kiên với trách nhiệm trước đó là chủ tịch HĐQT ACBI đã nhận hết tội về mình và khẳng định: Kiên trực tiếp chịu trách nhiệm, Thanh và Yến không phải chịu bất kỳ trách nhiệm nào.
Ngay trong quá trình điều tra, truy tố, Nguyễn Đức Kiên đều có ý kiến xin miễn truy cứu trách nhiệm hình sự với các bị cáo khác và bị cáo Trần Ngọc Thanh. Kiên khẳng định rõ: “Tôi chịu trách nhiệm cá nhân với tư cách là Chủ tịch HĐQT công ty để trong các trường hợp Tập đoàn Hòa Phát hay công ty Thép Hòa Phát không chịu bất kỳ thiệt hại nào”.
Để làm rõ hơn về các nội dung liên quan đến việc bị cáo buộc phạm tội “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” này, Nguyễn Đức Kiên khai: “Cho đến khi bị bắt, tôi đã thực hiện thỏa thuận của tôi với anh Long (Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát), thực tế là thỏa thuận cung ứng dịch vụ theo điều 74 Luật Thương mại gồm các nội dung: Hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu của Bất động sản Hòa Phát do ACBI nắm giữ cho Công ty Thép Hòa Phát. Tôi là người đem 264 tỷ đồng này làm hợp đồng hoán đổi cổ phiếu và tôi thông qua em gái tôi mua cổ phiếu”. Kiên khẳng định: Kiên, Thanh và Yến không có bất kỳ hành vi gian dối nào trong việc này.
Khi luật sư hỏi về những sai sót trong quá trình ký hợp đồng, bầu Kiên trình bày: “Trong quá trình ký và thực hiện hợp đồng có sai sót xuất phát từ các lãnh đạo của Hòa Phát mang tính chất thuần túy nghiệp vụ kinh tế, không phải lừa đảo. Còn anh Thanh, chị Yến có sai sót khi thực hiện chỉ thị của tôi”.
Có mặt tại tòa, đại diện Công ty Thép Hòa Phát cũng cho rằng có sơ suất khi hai bên ký hợp đồng. Vị đại diện này đã không khẳng định được rõ ràng về việc liệu Nguyễn Đức Kiên có ý định lừa đảo 264 tỷ đồng hay không từ hợp đồng chuyển nhượng cổ phiếu này.
Ngày 27-5, phiên tòa chuyển sang phần tranh luận giữa các bị cáo, luật sư và đại diện Viện kiểm sát.
(TTXVN)