Quốc hội nghe báo cáo dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

Thứ Sáu, 23/05/2014, 11:00 [GMT+7]

(BNCTW) - Sáng 22-5-2014, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (VKSND) tối cao đã trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Trong Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu và dự kiến Dự thảo Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)

Qua hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức VKSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên VKSND, Pháp lệnh tổ chức VKS quân sự năm 2002, VKSND đã khẳng định vai trò là một thiết chế hữu hiệu trong việc bảo vệ Hiến pháp và pháp luật, đấu tranh với các loại tội phạm, trở thành chỗ dựa đáng tin cậy của nhân dân trong việc bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Mặc dù vậy, thực tiễn thi hành Luật và các Pháp lệnh còn có một số vướng mắc, bất cập, chủ yếu là: cơ chế bảo đảm cho VKSND thực hiện quyền hạn, trách nhiệm chưa đầy đủ và hiệu quả; chế độ pháp lý của Kiểm sát viên chưa thực sự phù hợp với trách nhiệm, quyền hạn; chế độ chính sách bảo đảm hoạt động của VKSND chưa đáp ứng yêu cầu thực hiện chức năng; kỹ thuật lập pháp đã có phần lạc hậu so với yêu cầu hiện nay…

Dự thảo Luật tổ chức VKSND (sửa đổi) có kết cấu 07 chương, 13 mục, 107 điều. Việc sửa đổi lần này nhằm cụ thể hóa các quy định liên quan đến VKSND trong Hiến pháp năm 2013; tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của VKSND theo yêu cầu cải cách tư pháp; nâng cao hiệu quả đấu tranh với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới. Theo Tờ trình, các vấn đề xin ý kiến Quốc hội lần này gồm: mô hình VKSND cấp huyện; vai trò của Ủy ban kiểm sát; nhiệm vụ và nhiệm kỳ của Kiểm sát viên.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra đánh giá dự án Luật đã thể chế hóa quy định của Hiến pháp mới, một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của VKSND, VKS quân sự. Tuy nhiên, đề nghị VKSND tối cao tiếp tục rà soát, chỉnh lý, hoàn thiện các điều, khoản khác cả về nội dung và kỹ thuật lập pháp, bảo đảm chất lượng của dự thảo Luật và tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Đức Minh

;
.