Phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm: Làm rõ tính hợp pháp của việc gửi tiền của nhân viên ACB

Thứ Hai, 26/05/2014, 14:28 [GMT+7]

Sáng 24-5, tại phiên tòa xét xử bị cáo Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, Hội đồng xét xử tiếp tục thẩm vấn về hành vi cố ý làm trái của nhóm bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng ACB, khi ủy thác cho 19 nhân viên đi gửi 718 tỷ đồng lãi suất vượt trần tại Ngân hàng Vietinbank.

Bị cáo Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) cho rằng việc ủy thác này không vi phạm pháp luật. Hải khẳng định: Cho đến lúc Hải bị bắt không có văn bản nào nói cấm và Ngân hàng Nhà nước hay cơ quan thanh tra giám sát cũng chưa từng kiểm tra hay xử phạt ACB gì về việc ủy thác này.

Các luật sư bào chữa đã tập trung phân tích về việc "có hay không tính hợp pháp của 19 nhân viên của Ngân hàng ACB khi gửi tiền tại Vietinbank". Trả lời nội dung này, đại diện Ngân hàng Vietinbank cho rằng đó là những hợp đồng nguyên tắc. Trên cơ sở đó, luật sư cho rằng “hợp đồng nguyên tắc” nghĩa là những bản hợp đồng hợp pháp.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước Tòa
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên trước Tòa

Giải đáp câu hỏi của luật sư về việc: "Những sai phạm xảy ra liên quan đến 32 hợp đồng gửi tiền của các nhân viên Ngân hàng ACB gửi Vietinbank, ai sẽ chịu trách nhiệm?”, đại diện Ngân hàng Vietinbank đã khẳng định: "Việc đó căn cứ vào lỗi. Nếu xác định được lỗi từ ai, sẽ biết trách nhiệm".

Liên quan đến việc khoản tiền này đã bị Huỳnh Thị Huyền Như chiếm đoạt, khi các nhân viên Ngân hàng ACB đem gửi tại Vietinbank chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Ngân hàng ACB cho biết sẽ đòi lại khoản tiền này từ phía Ngân hàng Vietinbank, thậm chí còn có thể khởi kiện ngân hàng này lên TAND huyện Nhà Bè, Thành phố Hồ Chí Minh.

Về phía mình, đại diện Vietinbank tiếp tục nói đây là trách nhiệm của Huyền Như và ngân hàng này chưa từng có chủ trương nhận tiền gửi vượt trần lãi suất. Vị đại diện này cho rằng, nhân viên ACB gửi tiền cho cá nhân Huyền Như chứ không phải gửi tiền vào Ngân hàng Vietinbank, các hợp đồng giao dịch cũng chưa được vào hệ thống Vietinbank.

Trước lập luận này của đại diện Vietinbank, các luật sư đã bào chữa liên tục hỏi phía Vietinbank về quy định trong hoạt động nhận tiền gửi, về trách nhiệm quản lý tiền sau khi người dân gửi vào. Từ những bằng chứng là các bản thông báo sao kê số dư tài khoản của nhân viên ACB mà chính Vietinbank gửi, các luật sư cho rằng điều này thể hiện các giao dịch đã có trên hệ thống. Thậm chí, bị cáo Lý Xuân Hải còn khai Vietinbank vẫn tiếp tục gửi các bản kê số dư tài khoản sau khi đã xảy ra vụ án Huyền Như. Phủ nhận điều này, đại diện Vietinbank lại cho rằng, bản sao kê này không có nhiều ý nghĩa và chỉ có giá trị thông báo cho khách hàng tiện theo dõi số dư tài khoản.

Nội dung hỏi - đáp tại phiên tòa giữa luật sư bào chữa và đại diện của Vietinbank diễn ra khá gay gắt khiến chủ tọa phiên tòa nhiều lần phải ngắt lời, phân giải. Tuy nhiên, phần lớn các câu hỏi đều bị đại diện Vietinbank từ chối trả lời vì "cho rằng liên quan đến vụ án Huyền Như" chứ không phải vụ án này.

Tương tự đại diện được ủy quyền của Vietinbank, đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư hoặc nói là “về xin ý kiến cấp trên”, “hôm qua đã trả lời Hội đồng xét xử rồi”, "không nhớ", "không nắm rõ"… khi luật sư hỏi về nghiệp vụ tiền gửi cũng như các quy định liên quan tới lĩnh vực ủy thác.

 (TTXVN)

;
.