Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội Khóa XIII: Đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, duy trì môi trường đầu tư của đất nước

Thứ Sáu, 16/05/2014, 16:50 [GMT+7]
Sáng 15-5, trong buổi làm việc đầu tiên của Phiên họp thứ 28, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2014.
Trong phần phát biểu khai mạc Phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhằm đánh giá lại lần cuối các nội dung trình Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội sẽ khai mạc trong vài ngày tới. Diễn ra trong bối cảnh tương đối căng thẳng của tình hình trong và ngoài nước, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đề nghị các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội phân tích toàn diện các mặt của tình hình kinh tế - xã hội, công tác đối ngoại của đất nước, hoàn thiện các báo cáo trình Quốc hội; đánh giá tổng thể công tác chuẩn bị đảm bảo phục vụ thật tốt Kỳ họp thứ 7 của Quốc hội. 
Toàn cảnh Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Toàn cảnh Phiên họp thứ 28 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
* 10/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch trong năm 2013
Theo Báo cáo bổ sung của Chính phủ đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách nhà nước năm 2013, trong tổng số 15 chỉ tiêu chủ yếu Quốc hội đã đề ra trong Nghị quyết phát triển kinh tế xã hội năm 2013, có 10 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 3 chỉ tiêu đạt xấp xỉ kế hoạch (tốc độ tăng trưởng GDP, tạo việc làm, tỷ lệ lao động qua đào tạo); 2 chỉ tiêu chưa đạt kế hoạch là tỷ lệ bội chi ngân sách Nhà nước so với GDP và tỷ lệ giảm hộ nghèo. Lạm phát được kiểm soát tốt nhất trong 10 năm qua, giá cả thị trường ổn định. Năm 2013 đã cơ bản chặn được đà suy giảm tăng trưởng từ 2010 với mức tăng GDP cả năm đạt 5,42%, cao hơn mức tăng của năm 2012.
Cũng theo báo cáo của Chính phủ, GDP trong nước Quý I/2014 ước tăng 4,96% so với cùng kỳ năm 2013, cao hơn mức tăng 4,76% của Quý I/2013 và 4,75% của Quý I/2012. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2014 tăng 0,88% so với tháng 12/2013; tăng 4,45% so với cùng kỳ năm trước. Tính bình quân, 4 tháng đầu năm CPI tăng 4,73% so với cùng kỳ năm 2013.
Bên cạnh đó, báo cáo cũng chỉ rõ những hạn chế trong phát triển kinh tế xã hội như: kinh tế vĩ mô ổn định nhưng chưa vững chắc; các cân đối lớn chưa bền vững; lạm phát vẫn tiềm ẩn nguy cơ tăng trở lại; chất lượng tín dụng thấp, nợ xấu còn cao. Việc triển khai gói hỗ trợ 30 ngàn tỷ đồng chưa được như kỳ vọng; thị trường bất động sản phát triển chưa bền vững, còn nhiều khó khăn. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động vẫn còn lớn.
* Cần những giải pháp căn cơ, lâu dài
Thảo luận tại buổi làm việc, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội bày tỏ quan ngại sâu sắc trước sự việc những ngày vừa qua tại một số địa phương đã xảy ra một số vụ phá hoại tài sản, cơ sở vật chất của doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2014 và môi trường đầu tư của Việt Nam.
Các ý kiến nhận định, tình hình kinh tế xã hội 4 tháng đầu năm 2014, đặc biệt là những diễn biến khó lường về an ninh quốc phòng chắc chắn sẽ tác động mạnh đến kết quả phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Trần Văn Hằng, Trưởng ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần có tính thời sự hơn; phải phân tích ảnh hưởng từ biến động về an ninh, quốc phòng đến những diễn biến nội bộ trong nước và thiệt hại của nền kinh tế. Từ đó, có phương án tháo gỡ, đảm bảo phát triển kinh tế - xã hội, duy trì môi trường đầu tư của đất nước. Có ý kiến đề nghị Chính phủ cần có những giải pháp căn cơ, lâu dài đối phó với các tình huống tương tự xảy ra, duy trì sự phát triển bền vững của đất nước.
Tán thành với đề xuất này, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho rằng, Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội phải cập nhật đầy đủ tình hình, kể cả vấn đề quốc phòng, an ninh; đánh giá đúng và phải có dự báo về tình hình đến cuối năm và những năm tiếp theo, những khó khăn trước mắt và lâu dài phải đối mặt để từ đó, xây dựng các chỉ tiêu phát triển phù hợp.
Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Đức Hiền kiến nghị thêm, Báo cáo của Chính phủ cũng cần đánh giá chi tiết hơn những khó khăn của doanh nghiệp, phân tích cụ thể, thấu đáo để có biện pháp tháo gỡ. Đồng thời, trước những diễn biến trên biển Đông, Báo cáo phải đưa ra những biện pháp giải quyết khó khăn, hỗ trợ ngư dân vùng biển duy trì và phát triển đánh bắt xa bờ, bảo vệ chủ quyền biển đảo.
Thống nhất các ý kiến tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị các cơ quan liên quan của Chính phủ khẩn trương cập nhật tình hình mới nhất trong Báo cáo kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2014 và đề xuất các giải pháp tháo gỡ, trình Quốc hội cho ý kiến.
Cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo
Chiều 15-5, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận, cho ý kiến về báo cáo giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005-2012 và việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 tại một số nước.
Theo báo cáo kết quả giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo giai đoạn 2005 - 2012” của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, kết quả giảm nghèo giai đoạn 2005-2012 đã khẳng định thành tựu giảm nghèo đạt được liên tục trong nhiều năm là nền tảng quan trọng để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn này, đó là kết quả tác động toàn diện của quá trình tăng trưởng kinh tế, các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, các chương trình mục tiêu quốc gia và các chính sách trực tiếp đối với mục tiêu giảm nghèo.
Thực tiễn thành công của chính sách giảm nghèo đã khẳng định đường lối, quan điểm xuyên suốt của Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị và là chính sách ưu tiên hàng đầu của Đảng, Nhà nước, chính quyền các cấp cùng với sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp, cộng đồng dân cư và sự nỗ lực của chính bản thân người nghèo. Kết quả giảm nghèo đã góp phần quan trọng vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống người dân, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa, đạo đức tốt đẹp của dân tộc, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, giữ vững an ninh chính trị, củng cố lòng tin của nhân dân với Đảng, Nhà nước, nâng cao hình ảnh của Việt Nam đối với thế giới.
Với vai trò chủ đạo của Nhà nước, sự nỗ lực của các ngành, các cấp, các tổ chức trong và ngoài nước, các cộng đồng dân cư, hàng triệu người nghèo đã chủ động tham gia vào mục tiêu giảm nghèo, vượt qua khó khăn để thoát nghèo, cải thiện cuộc sống và hòa nhập với xã hội, đóng góp quan trọng vào thành quả giảm nghèo của Việt Nam.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, công tác giảm nghèo vẫn còn những khó khăn, thách thức: Mức sống của hộ nghèo và hộ cận nghèo không có sự khác biệt đáng kể nên nguy cơ tái nghèo cao. Chênh lệch giàu - nghèo có xu hướng gia tăng. Tỉ lệ nghèo trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn còn cao, đồng bào dân tộc thiểu số chiếm gần 50% số người nghèo cả nước. Đối với khu vực đô thị, một bộ phận người nghèo, người có thu nhập thấp có xu hướng phát sinh do quá trình đô thị hóa, di cư nông thôn - đô thị, phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức trong cuộc sống do phải bảo đảm chi phí đắt đỏ cho các dịch vụ y tế, nhà ở, giáo dục, đi lại và sinh hoạt tối thiểu. Ngoài ra, vấn đề nghèo còn chịu ảnh hưởng, tác động của biến đổi khí hậu, nước biển dâng, thiên tai, rủi ro trong cuộc sống và tệ nạn xã hội đang gia tăng.
Đoàn giám sát kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020”, tập trung vào việc định hướng điều chỉnh chính sách giảm nghèo sau năm 2015 thông qua việc thay đổi chuẩn nghèo đa chiều; tiếp tục đưa chỉ tiêu giảm nghèo là chỉ tiêu quan trọng trong Nghị quyết phát triển kinh tế - xã hội hằng năm, 5 năm của Quốc hội; tiếp tục giám sát việc thực hiện chính sách giảm nghèo; quan tâm đến các dự án luật có chính sách liên quan đến mục tiêu giảm nghèo và chính sách phát triển nông thôn, nông nghiệp, nông dân.
Đoàn giám sát đề nghị Chính phủ khẩn trương rà soát, sửa đổi, sắp xếp hợp lý các văn bản pháp luật có liên quan đến giảm nghèo; đảm bảo cân đối nguồn lực trung hạn cho các chính sách tăng cường đầu tư cho địa bàn khó khăn, miền núi, vùng sâu, vùng xa, thúc đẩy kết nối phát triển kinh tế - xã hội giữa vùng khó khăn với các vùng phát triển... Các địa phương cần tiếp tục cụ thể hóa các mục tiêu, giải pháp giảm nghèo vào chương trình phát triển kinh tế - xã hội của địa phương; tăng cường chỉ đạo, thanh tra, kiểm tra thực hiện các chính sách, pháp luật giảm nghèo ở địa phương; chú trọng nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, phát huy sự tham gia của người dân và cộng đồng trong giảm nghèo...
Cơ bản nhất trí với báo cáo của đoàn giám sát, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá báo cáo đã nêu được các chính sách chung về giảm nghèo. Đoàn giám sát đã nghiêm túc, công phu, trách nhiệm thực hiện chương trình giám sát theo đúng kế hoạch. Báo cáo giám sát tiếp tục khẳng định chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước đã được kiên định thực hiện nhất quán, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Chỉ ra những hạn chế trong công tác giảm nghèo, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng trong thời gian tới, Đảng, Nhà nước cần tiếp tục quan tâm phát triển các vùng nghèo, đẩy mạnh phát triển giáo dục, nâng cao dân trí cho các vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; hoàn thiện chính sách đầu tư gắn với giải quyết việc làm cho vùng đồng bào dân tộc; tăng cường đại đoàn kết dân tộc; quan tâm đào tạo cán bộ làm công tác giảm nghèo… Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí kiến nghị Quốc hội ban hành Nghị quyết về “Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững giai đoạn 2015-2020”.
Chiều cùng ngày, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về việc phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về bổ nhiệm đại sứ đặc mệnh toàn quyền của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam nhiệm kỳ 2014-2017 tại một số nước.
(Theo TTXVN)
;
.