Ngày đầu tiên xét xử phúc thẩm vụ án Dương Tự Trọng và các đồng phạm
Tiếp tục phiên tòa phúc thẩm, xét xử công khai vụ án Dương Tự Trong và các bị cáo khác bị Tòa án cấp sơ thẩm xét xử về tội "Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài", trong ngày xét xử đầu tiên 22-5, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tiến hành thẩm tra lý lịch và xét hỏi các bị cáo.
Trả lời các câu hỏi của Hội đồng xét xử, các bị cáo: Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh đã khai báo thành khẩn, thừa nhận hành vi phạm tội của mình và đều mong muốn xin giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Phạm Minh Tuấn không nhận tội, giữ nguyên kháng cáo kêu oan.
Bị cáo Dương Tự Trọng |
Bị cáo Sơn khai, việc giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn là bởi tình cảm anh em đồng nghiệp với Dương Tự Trọng, dẫn đến vi phạm pháp luật. Bị cáo Phong cho rằng động cơ phạm tội cũng do tình cảm anh em với Dương Tự Trọng, chứ không hề có vụ lợi trong việc giúp Dương Chí Dũng bỏ trốn ra nước ngoài.
Trả lời những câu hỏi của Hội đồng xét xử, Dương Tự Trọng thừa nhận việc các bị cáo khác phạm tội đều xuất phát từ tình cảm thân tình với bị cáo, trừ Trần Văn Dũng; bị cáo là người trực tiếp chỉ đạo việc đưa anh trai trốn đi nước ngoài. Tuy nhiên, bị cáo Trọng cho rằng bị truy tố ở khoản 3 Điều 275 về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài” hoặc ở lại nước ngoài trái phép là không đúng.
Tại phiên tòa phúc thẩm, Dương Chí Dũng là người làm chứng khai rằng toàn bộ quyết định bỏ trốn là do mình, tự quyết định và hành vi bỏ trốn là sai lầm; không có động cơ, mục đích gì, sau khi biết mình sẽ bị bắt nên tạm lánh đi thôi.
Hội đồng xét xử đã hỏi những người làm chứng để làm rõ hành vi phạm tội của các bị cáo; đồng thời dành thời gian để đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao và luật sư hỏi các bị cáo, người làm chứng, để làm rõ các tình tiết liên quan đến quá trình các bị cáo tổ chức cho Dương Chí Dũng trốn ra nước ngoài.
Trong phần xét xử chiều 22-5, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao giữ quyền công tố tại phiên tòa trình bày quan điểm kết luận vụ án: Đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng là người chủ mưu, cầm đầu. Vũ Tiến Sơn là người tổ chức thực hiện theo chỉ đạo của Dương Tự Trọng bằng nhiều thủ đoạn tinh vi như sử dụng sim rác, thường xuyên thay đổi số điện thoại để liên lạc, thay đổi địa điểm trốn, phương tiện đưa đón, cung cấp tiền, giao cho các đối tượng thực hiện từng phần việc khác nhau trong quá trình Dương Chí Dũng bỏ trốn… Hành vi của các bị cáo đã làm cản trở, gây khó khăn lớn đến quá trình điều tra vụ án tiêu cực xảy ra tại Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), tạo dư luận xã hội không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Tuy nhiên, xét thấy các bị cáo Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh đã thành khẩn khai báo, thừa nhận hành vi phạm tội của mình, có thành tích trong công tác, nhân thân tốt, nên đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo, giảm nhẹ hình phạt cho 5 bị cáo này; đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm bác kháng cáo kêu oan của bị cáo Phạm Minh Tuấn.
Tranh luận với đại diện Viện kiểm sát tại phiên tòa, các luật sư cho rằng các bị cáo chỉ phạm tội theo khoản 1 Điều 275 Bộ luật hình sự về tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. Luật sư bào chữa cho bị cáo Phạm Minh Tuấn cho rằng thân chủ của mình không phạm tội danh này.
Nói lời sau cùng trước khi Hội đồng xét xử nghị án, các bị cáo Dương Tự Trọng, Vũ Tiến Sơn, Đồng Xuân Phong, Trần Văn Dũng, Nguyễn Trọng Ánh, mong muốn được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Riêng bị cáo Phạm Minh Tuấn xin Hội đồng xét xử khoan hồng cho các bị cáo khác.
Chiều 23-5, Hội đồng xét xử phúc thẩm sẽ tuyên án.
(Theo TTXVN)