Mặt trận Tổ quốc Việt Nam triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội

Thứ Tư, 21/05/2014, 16:20 [GMT+7]

Để triển khai thực hiện Quy chế giám sát và phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội; Quy định về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các đoàn thể chính trị - xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền năm 2014, Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam sẽ phối hợp tổ chức một số chương trình giám sát với yêu cầu bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Cụ thể là:

Ở Trung ương, Ban Thường trực phối hợp tổ chức một số chương trình giám sát như: Tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng. Giám sát việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm đối với người lao động trong các loại hình doanh nghiệp. Giám sát việc thực hiện pháp luật về sản xuất, kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thủy sản và thức ăn gia súc. Giám sát việc thực hiện pháp luật của các cơ sở khám chữa bệnh ngoài công lập. Giám sát việc thực hiện Luật khoa học và công nghệ. Thực hiện một số hoạt động giám sát khác khi cần thiết hoặc khi có kiến nghị của các tổ chức thành viên hoặc Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Tỉnh ủy vừa tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện Quyết định 217-QĐ/TW ngày 12-12-2013 về “Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội”; Quyết định số 218-QĐ-TW ngày 12-12-2013 của Bộ Chính trị ban hành “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”.
Tỉnh ủy Sơn La tổ chức Hội nghị quán triệt, triển khai thực hiện "Quy chế giám sát và phản biện xã hội của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể chính trị xã hội”; “Quy định về việc MTTQ Việt Nam, các đoàn thể chính trị xã hội và nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền”

Ở địa phương, tất cả các địa phương triển khai tổng rà soát việc thực hiện chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng theo hướng dẫn của Bộ Lao động - Thương binh xã hội và Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Về việc thực hiện nhiệm vụ giám sát khác: căn cứ vào tình hình và điều kiện cụ thể của từng địa phương, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lựa chọn một trong bốn nội dung giám sát do Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Liên hiệp các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam, Tổng hội Y học Việt Nam chủ trì và hướng dẫn hoặc chọn một nội dung khác (bảo vệ môi trường, chính sách giải quyết việc làm, giảm nghèo, giáo dục, y tế …) đáp ứng nhu cầu của nhân dân địa phương để xây dựng kế hoạch và tổ chức giám sát (có phạm vi liên quan đến các cấp ở địa phương), phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và khả năng của Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên ở địa phương và có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước liên quan.

Mục đích của Kế hoạch giám sát nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của mỗi cá nhân, cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đối với nhiệm vụ giám sát, phản biện xã hội và việc tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Việc tổ chức triển khai thực hiện theo hướng chọn các lĩnh vực, vấn đề vừa có ý nghĩa xã hội cao, vừa phù hợp với năng lực của hệ thống Mặt trận và các tổ chức thành viên; có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước có liên quan; vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả, thiết thực.

Lê Tiến Dũng

(Ban Nội chính Trung ương)

;
.