Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII: Xem xét dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ Tư, 21/05/2014, 15:21 [GMT+7]

(BNCTW) - Chiều 20-5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Trong Kỳ họp lần này, Quốc hội sẽ cho ý kiến lần đầu và dự kiến Dự thảo Luật sẽ được thông qua tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII.

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Tòa án nhân dân đã từng bước được kiện toàn về tổ chức và ngày càng nâng cao chất lượng hoạt động; đội ngũ Thẩm phán, Hội thẩm, cán bộ, công chức Tòa án được củng cố, tăng cường cả về số lượng và chất lượng; cơ sở vật chất của các Tòa án đã có bước cải thiện nhất định tạo điều kiện để các Tòa án hoàn thành nhiệm vụ được giao, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu và nhiệm vụ chính trị đặt ra đối với công tác Tòa án. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành cho thấy tổ chức và hoạt động của các Tòa án nhân dân ở nước ta đang chứa đựng, bộc lộ những khiếm khuyết và bất cập, chưa theo kịp với sự phát triển và đòi hỏi của đời sống chính trị, kinh tế và xã hội. Chất lượng xét xử của các Tòa án chưa thực sự đáp ứng được yêu cầu, đòi hỏi ngày càng cao của xã hội.

 đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)
Đồng chí Trương Hòa Bình, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) gồm 11 chương, 80 điều. Theo Tờ trình, các vấn đề xin ý kiến Quốc hội lần này gồm các vấn đề sau: Quyền tư pháp; Tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm trong Tòa án nhân dân; Vấn đề án lệ; Thành lập Tòa giản lược trong cơ cấu tổ chức của Tòa án nhân dân; Ngạch thẩm phán; Nhiệm kỳ của thẩm phán; Tuổi nghỉ hưu của thẩm phán; Quản lý hội thẩm nhân dân.

Ủy ban Tư pháp của Quốc hội - cơ quan thẩm tra đánh giá dự án Luật có nhiều quy định mới, bước đầu đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013, thể hiện được một số định hướng cải cách tư pháp của Đảng liên quan đến tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân. Ủy ban cơ bản tán thành với nhiều nội dung được nêu trong các quan điểm chỉ đạo việc soạn thảo dự án Luật, nhất là phải thể chế hóa đầy đủ các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; làm rõ hệ thống, cơ cấu, tổ chức bộ máy trong từng Tòa án nhân dân cũng như cơ chế quản lý Tòa án nhân dân về tổ chức để đảm bảo tính độc lập của hoạt động xét xử, đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.

Đức Minh

;
.