Diễn tiến vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm: Xem xét khả năng xét xử vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá

Thứ Sáu, 02/05/2014, 19:40 [GMT+7]

Ngày 1/5, Chánh án Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội Nguyễn Đức Bình cho biết: Trong thời gian luật định mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm, nếu bị cáo Trần Xuân Giá (nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) vẫn không thể đến phiên tòa vì lý do sức khỏe, Tòa sẽ cân nhắc, xem xét đến khả năng xét xử vắng mặt bị cáo Trần Xuân Giá.
Ngoài ra, theo luật định, dựa trên cơ sở tình trạng sức khỏe thực tế của bị cáo Trần Xuân Giá, Tòa cũng có thể giải quyết theo hướng trả lại hồ sơ cho cơ quan truy tố hoặc tách vụ án, tách bị can ra khỏi vụ án này để tiếp tục xét xử những người khác.
Theo quy định tại Điều 194 - Bộ luật Tố tụng Hình sự, thời hạn hoãn phiên tòa sơ thẩm không được quá ba mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định hoãn phiên tòa. Tuy nhiên, trong trường hợp ông Giá vắng mặt có lý do chính đáng, Tòa cũng có thể gia hạn thêm thời gian hoãn phiên tòa. Hiện ông Giá đang được điều trị bệnh tại Bệnh viện Hữu nghị với thể trạng cao huyết áp và u tiền liệt tuyến, đang chờ mổ.
Ông Nguyễn Đức Bình cũng cho biết, Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội vừa ra quyết định bắt tạm giam đối với các bị cáo nguyên là lãnh đạo của Ngân hàng ACB đang được tại ngoại trong vụ án này để đảm bảo cho việc xét xử. Quyết định này đã được giao cho Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (C46, Bộ Công an) để thực hiện. Cụ thể, 4 bị cáo: Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang (nguyên Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB), Huỳnh Quang Tuấn (nguyên Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB) bị chuyển từ hình thức tại ngoại sang biện pháp tạm giam để phục vụ công tác xét xử.
Như vậy, 8 trong tổng số 9 bị cáo trong vụ án này bị tạm giam. Riêng ông Trần Xuân Giá do tuổi cao và đang điều trị bệnh nên được Tòa tiếp tục cho phép tại ngoại.
Trong vụ án này, ông Trần Xuân Giá (nguyên Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng ACB) bị truy tố về tội “cố ý làm trái quy định nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” cùng với 6 bị cáo khác gồm: Nguyễn Đức Kiên (nguyên Phó Chủ tịch Hội đồng sáng lập Ngân hàng ACB), Lê Vũ Kỳ, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Huỳnh Quang Tuấn, Lý Xuân Hải (nguyên Tổng Giám đốc Ngân hàng ACB).
Theo cáo trạng, ngày 22/3/2010, thường trực HĐQT ACB gồm các ông: Trần Xuân Giá (Chủ tịch HĐQT), Lê Vũ Kỳ, Phạm Trung Cang, Trịnh Kim Quang (3 Phó Chủ tịch), Lý Xuân Hải (Tổng Giám đốc), Huỳnh Quang Tuấn (Phó Tổng Giám đốc) cùng Nguyễn Đức Kiên ra quyết định về việc ủy thác cho các cá nhân gửi tiền, ngoại tệ ở những tổ chức tín dụng. Từ ngày 27/6/2011 đến ngày 5/9/2011, ông Hải đã ủy quyền cho kế toán trưởng ủy thác gần 720 tỷ đồng cho 19 nhân viên ngân hàng gửi tiết kiệm vào Vietinbank chi nhánh Nhà Bè và Vietinbank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh. Lãi suất ghi trong hợp đồng là 14% một năm, lãi suất thỏa thuận ngoài hợp đồng từ 3,7% đến 13% một năm. Tuy nhiên, toàn bộ số tiền đã bị Huỳnh Thị Huyền Như (nguyên Trưởng phòng giao dịch Điên Biên Phủ thuộc Vietinbank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh) sử dụng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt, gây thiệt hại cho Ngân hàng ACB.
Cơ quan công tố còn nhận định, trong thời gian nắm giữ vai trò quan trọng tại ngân hàng ACB, ông Kiên cùng các ông Trần Xuân Giá, Trịnh Kim Quang, Phạm Trung Cang, Lê Vũ Kỳ, Lý Xuân Hải đã thống nhất ban hành chủ trương mua cổ phiếu trên thị trường chứng khoán và đầu tư cổ phiếu ACB gây thiệt hại gần 690 tỷ đồng. Các ông này bị cáo buộc phải chịu trách nhiệm hình sự vì gây thiệt hại cho ngân hàng ACB hơn 1.400 tỷ đồng./.

Kim Anh

;
.