Diễn biến phiên tòa xét xử Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm: Làm rõ hành vi trốn thuế của Công ty B&B

Thứ Sáu, 23/05/2014, 10:47 [GMT+7]

Ngày 22-5, phiên tòa xét xử sơ thẩm Nguyễn Đức Kiên và các đồng phạm được tiếp tục với phần thẩm vấn về hành vi “kinh doanh trái phép”.

Khi được hỏi về kinh doanh vàng và kinh doanh giá vàng có phải cùng bản chất không, bị cáo Lý Xuân Hải khai: Kinh doanh vàng và kinh doanh giá vàng là hai hình thức khác nhau. Ngân hàng ACB được Ngân hàng Nhà nước cho phép kinh doanh trạng thái vàng ngoài nước trên tài khoản nước ngoài.

Bị cáo Hải cho biết: Về việc cung cấp tài khoản kinh doanh nước ngoài cho các đối tác, như Ngân hàng Vietbank, phải phụ thuộc vào uy tín, tiềm lực của từng cá nhân, doanh nghiệp, lựa chọn đối tác phải cẩn thận. Việc ký hợp đồng với Ngân hàng VietBank, Ngân hàng ACB không kiểm tra giấy phép kinh doanh, vì họ phải chịu trách nhiệm. Tiêu chuẩn đối tác kinh doanh của Ngân hàng ACB là năng lực tài chính, uy tín.

Trước những câu trả lời của bị cáo Lý Xuân Hải về việc Ngân hàng ACB không kiểm tra giấy phép kinh doanh khi ký hợp đồng với VietBank, chủ tọa phiên tòa hỏi đại diện ngân hàng ACB rồi viện dẫn, so sánh việc này với việc giao xe cho người chưa có Giấy phép lái xe.

Bị cáo Nguyễn Đức Kiên
Bị cáo Nguyễn Đức Kiên

Chuyển sang phần xét hỏi về hành vi “trốn thuế”, Nguyễn Đức Kiên được đưa khỏi phòng xử, cách ly với các bị cáo khác.

Hội đồng xét xử đã tiến hành thẩm vấn bà Đặng Ngọc Lan (vợ của bị cáo Nguyễn Đức Kiên, Tổng Giám đốc Công ty B&B). Đặng Ngọc Lan cho rằng việc làm Tổng Giám đốc là do chồng bảo, mọi hoạt động kinh doanh không nắm được mà do Nguyễn Đức Kiên nắm và quyết định. Bà Đặng Ngọc Lan cũng không biết ai soạn thảo hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính ngày 25-12-2008 với ngân hàng ACB với nội dung ủy thác cho ACB thực hiện các hoạt động đầu tư tài chính thông qua kinh doanh giá vàng ngoài lãnh thổ Việt Nam.

Bà Lan cho rằng do tin tưởng chồng, không nắm được nghiệp vụ kinh doanh, không nhớ ký hợp đồng này khi nào và ở đâu. Bà Lan cũng không nhớ hợp đồng ủy thác đầu tư tài chính giữa B&B với Nguyễn Thúy Hương (em gái Kiên, cổ đông của Công ty B&B). Hợp đồng này được cho là để chuyển lợi nhuận nhằm trốn thuế vì trước đó Quốc hội có nghị quyết về việc miễn thuế thu nhập cá nhân trong 6 tháng đầu năm 2009.

Trả lời trước Tòa, Nguyễn Thúy Hương cũng cho rằng do tin tưởng Nguyễn Đức Kiên, không hiểu rõ nội dung hợp đồng ủy thác trên, không hiểu rõ về nghiệp vụ kinh doanh. Nguyễn Thúy Hương cho rằng chỉ ủy thác đầu tư với tư cách cá nhân để B&B kinh doanh vàng ghi sổ.

Đại diện ngân hàng ACB cho rằng hợp đồng ủy thác giữa B&B và ACB là hợp pháp.

Trong khi đó, đại diện Tổng cục Thuế cho rằng với quy định của luật pháp, về hợp đồng ủy thác của Nguyễn Thúy Hương cho B&B, bà Hương phải được phép của Ngân hàng Nhà nước. Và vì bà Hương chưa có giấy phép kinh doanh vàng nên hợp đồng trên là không hợp pháp. Công ty B&B cũng không có đăng ký kinh doanh ủy thác đầu tư và kinh doanh vàng trên tài khoản ở nước ngoài.

Hội đồng xét xử thẩm vấn đại diện ACB về những khoản thuế mà B&B phải nộp khi hợp tác kinh doanh với ACB. Vị đại diện cho rằng B&B phải chịu 2 khoản thuế giá trị gia tăng và thuế thu nhập doanh nghiệp nếu phát sinh lãi. Còn đại diện Bộ Tài chính - cơ quan giám định cho biết, căn cứ vào số liệu cơ quan điều tra cung cấp, số thuế mà B&B phải nộp là hơn 25 tỷ đồng.

Nguyễn Đức Kiên khai là người soạn thảo hợp đồng ủy thác ngày 25-12-2008. Nguyễn Đức Kiên cho rằng mình là cổ đông chi phối của B&B nên quyết định mọi hoạt động của B&B. Đặng Ngọc Lan và Nguyễn Thúy Hương chỉ giúp việc. Kiên khai ký hợp đồng ủy thác với Nguyễn Thúy Hương trước rồi mới ký hợp đồng ủy thác với ACB, một hợp đồng buổi sáng, một hợp đồng buổi chiều 25-12-2008.

Nguyễn Đức Kiên đồng ý cho em gái kinh doanh vàng và giúp em đưa ra quyết định nên đã soạn thảo các hợp đồng. Từng giai đoạn của hợp đồng, Hương ký xác nhận. Vợ Kiên chỉ thay mặt ký các giấy tờ cần thiết. Nguyễn Đức Kiên khẳng định, Công ty B&B đã là đúng các quy định của luật Thuế, đã khai rõ các khoản thu với Chi cục thuế Đống Đa. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, Kiên nhận là người ra lệnh mua bán vàng. Nguyễn Thị Hương chỉ theo dõi việc đặt lệnh.

Về thẩm quyền kinh doanh vàng của Nguyễn Thúy Hương, Nguyễn Đức Kiên cho rằng Tổng cục Thuế không có quyền đánh giá thẩm quyền kinh doanh vàng của Hương cũng như đánh giá tính hợp pháp hợp đồng mà Hương ký. Kiên cũng cho rằng, giám định viên Bộ Tài chính đã căn cứ vào các tài liệu không đầy đủ mà cơ quan điều tra đưa ra nên kết luận không chính xác.

Kiên khai đã thực hiện khấu trừ tại nguồn thuế và Kiên chưa nhận được quyết định nào của Tổng cục Thuế về việc số tiền thuế phải nộp. Nguyễn Đức Kiên phân tích, nếu kiểm tra toàn bộ sổ sách năm 2009 thì B&B lỗ, vì vậy không phải nộp thuế.

Tại phiên xử buổi chiều, Hội đồng xét xử tập trung thẩm vấn các bị cáo về việc ủy thác tiền gửi ở các ngân hàng khác tại Ngân hàng ACB.

Bị cáo Lý Xuân Hải khai: Chủ trương ủy thác cho nhân viên ACB đi gửi tiền là vào khoảng tháng 3-2010. Khi đó, Hội đồng quản trị ACB gồm 11 người trong đó ông Trần Xuân Giá là Chủ tịch Hội đồng quản trị. Ngày 22-3-2010, Hội đồng quản trị đã họp bàn về cách ứng xử của ACB trong điều kiện thị trường đang cực kỳ rối loạn: Làm sao để vượt qua giai đoạn này mà không mất khả năng chi trả. Trong đó có đề cập đến việc ủy thác cho các cá nhân đi gửi tiền ở các ngân hàng.

Trước câu hỏi của chủ tọa rằng tại sao ACB không chờ có hướng dẫn của Ngân hàng Nhà nước về Luật Các tổ chức tín dụng rồi mới thực hiện các hoạt động ủy thác, bị cáo Lý Xuân Hải cho rằng: “Nếu chúng tôi chờ các cơ quan quản lý có hướng dẫn thực hiện thì hệ thống ngân hàng đã nguy kịch rồi. Từ trước đến nay, có nhiều vấn đề mà Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn chúng tôi là khi chưa có văn bản mới hướng dẫn thì vẫn làm theo văn bản cũ”.

Ngày 23-5, phiên tòa tiếp tục với phần thẩm vấn các bị cáo về hành vi “cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”.

(Theo TTXVN)

;
.