Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương làm việc với Đảng đoàn Liên đoàn Luật sư Việt Nam

Thứ Ba, 08/04/2014, 15:33 [GMT+7]
(BNCTW) - Ngày 07-4-2014, tại Hà Nội, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương có buổi làm việc với Đảng đoàn, Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Tham dự buổi làm việc có các đồng chí: Nguyễn Doãn Khánh, Phan Đình Trạc, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban; Phạm Anh Tuấn, Phó trưởng Ban cùng một số lãnh đạo cấp vụ, đơn vị chức năng thuộc Ban Nội chính Trung ương. Về phía Liên đoàn Luật sư Việt Nam có đồng chí Lê Thúc Anh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam; các đồng chí trong Ban Thường vụ Đảng đoàn; Chủ nhiệm Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội; đại diện các đơn vị, ban chuyên môn của Liên đoàn Luật sư Việt Nam. 
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương phát biểu tại buổi làm việc
Đồng chí Lê Thúc Anh, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã báo cáo tóm tắt tình hình tổ chức và hoạt động của Liên đoàn Luật sư Việt Nam từ năm 2009 đến nay. Báo cáo nêu rõ:
Liên đoàn luật sư Việt Nam được thành lập tại Đại hội đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất ngày 12-5-2009. Hội đồng Luật sư toàn quốc gồm 93 ủy viên (trong đó có 31 ủy viên được bầu và 62 ủy viên đương nhiên là Chủ nhiệm các Đoàn luật sư). Ban Thường vụ Liên đoàn được Hội đồng luật sư toàn quốc bầu ra gồm 21 ủy viên trong đó có Chủ tịch, 04 Phó Chủ tịch và 16 ủy viên; cơ quan giúp việc gồm 05 Ủy ban, Văn phòng Liên đoàn, Cơ quan đại diện Liên đoàn tại TP. Hồ Chí Minh. Năm 2010, thành lập thêm 02 đơn vị đó là: Trung tâm bồi dưỡng nghiệp vụ luật sư và Trung tâm tư vấn pháp luật. Đầu năm 2014, Tạp chí luật sư Việt Nam, cơ quan ngôn luận của Liên đoàn luật sư Việt Nam đã chính thức ra mắt và đi vào hoạt động. Hiện nay, tại 63 tỉnh thành phố trong cả nước đã có Đoàn luật sư, cơ cấu tổ chức gồm Ban Chủ nhiệm và Hội đồng khen thưởng, kỷ luật. Một số Đoàn luật sư ở các tỉnh, thành phố lớn, ngoài Văn phòng, còn có các ban chuyên môn, như: Ban nghiên cứu học tập, Ban Tố tụng, Ban Tài chính...
Hiện nay, số lượng luật sư trong cả nước là 8.442 người (so với năm 2009 tăng gần 40%). Sự phát triển số lượng luật sư chủ yếu tập trung ở các thành phố lớn, như Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh (Hà Nội có 2.039 luật sư, TP. Hồ Chí Minh có 3.304 luật sư, chiếm hơn 2/3 tổng số luật sư trong cả nước). Ở các tỉnh miền núi, vùng sâu, vùng xa, nhiều Đoàn luật sư có số lượng luật sư ít, như: Điện Biên (12), Lào Cai (11), Quảng Trị (11), Sơn La (11), Yên Bái (11), Cao Bằng (10), Hậu Giang (10), Hòa Bình (08), Bắc Kạn (07), Hà Giang (06), Kon Tum (05), đặc biệt là Đoàn luật sư Lai Châu mới được thành lập chỉ có 03 luật sư. 
Để nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, Liên đoàn Luật sư Việt Nam quan tâm đến công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ luật sư, cùng với việc học tập quán triệt đường lối chủ trương chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, kết hợp với việc tiếp tục học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã xây dựng Bộ Quy tắc đạo đức và ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam. Trong nhiệm kỳ, Liên đoàn đã tổ chức được trên 40 lớp bồi dưỡng luật sư với hơn 2000 lượt luật sư tham dự. Nội dung được tập trung vào kỹ năng tranh tụng của luật sư trong các vụ án hình sự, kinh tế, lao động, hành chính, kỹ năng tư vấn pháp luật về kinh tế thương mại, sở hữu trí tuệ… Liên đoàn đã xây dựng Đề án thành lập Trường Đào tạo Luật sư của Liên đoàn (dự kiến đến năm 2016 trường có thể đi vào hoạt động). 
Từ tháng 5-2009 đến nay, số lượng vụ việc luật sư tham gia bào chữa, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp cho cá nhân, tổ chức trong các vụ án, vụ việc cung cấp dịch vụ pháp lý khác cho các cá nhân, tổ chức là: 51.109 vụ án hình sự (trong đó có 23.295 vụ án hình sự được mời, 27.814 vụ án hình sự theo yêu cầu của cơ quan tiến hành tố tụng); 39.690 vụ án dân sự, 5.045 vụ án kính tế, 3.286 vụ án hành chính, 621 vụ án lao động, 124.608 vụ tư vấn trong các vụ việc khác, 4.178 đại diện ngoài tố tụng, 69.634 dịch vụ pháp lý khác, 26.064 vụ việc trợ giúp pháp lý miễn phí... 
Trong nhiệm kỳ, Liên đoàn Luật sư nhận được 54 đơn yêu cầu bảo vệ quyền lợi hợp pháp của luật sư. Phần lớn các đơn này phản ảnh và đề nghị Liên đoàn can thiệp, bảo vệ quyền hành nghề hợp pháp của Luật sư bị cản trở từ cơ quan tiến hành tố tụng. Để hỗ trợ cho các luật sư hành nghề, Liên đoàn luật sư Việt Nam đã ký Quy chế phối hợp công tác (số 01 ngày 07-6-2011) với Viện KSNDTC; phối hợp với Vụ Pháp chế, Bộ Công an xây dựng, trình Bộ trưởng Bộ Công an ban hành Thông tư 70/2011/TT-BCA ngày 10-10-2011 về hướng dẫn thi hành các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự về bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra... Liên đoàn luật sư đã tặng Bằng khen cho 581 đơn vị, cá nhân; tặng Kỷ niệm chương cho 255 cá nhân và luật sư có nhiều đóng góp cho sự phát triển luật sư Việt Nam; tặng Bằng khen đột xuất cho 41 Luật sư và Đoàn luật sư thành phố Hà Nội vì đã huy động luật sư tham gia và hoàn thành tốt công tác rà soát thủ tục hành chính theo Đề án 30 của Thủ tướng Chính phủ...; nhận được 277 đơn thư có nội dung khiếu nại, tố cáo liên quan đến luật sư (trong đó: 24 trường hợp thuộc thẩm quyền giải quyết của Liên đoàn, 97 trường hợp Liên đoàn gửi văn bản hướng dẫn đương sự đến cơ quan có thẩm quyền giải quyết, 156 trường hợp chuyển về Đoàn luật sư). 
Năm 2013, Liên đoàn Luật sư Việt Nam tham gia: Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội, Hội đồng Tư vấn Cải cách thủ tục hành chính; tham gia các ban soạn thảo, như: Luật Trưng cầu dân ý, Luật sửa đổi, bổ sung Luật luật sư, Bộ luật dân sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Bộ luật hình sự, Luật hôn nhân và gia đình, dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992... Riêng Bộ Luật TTHS, được sự phân công của Ban soạn thảo, Liên đoàn đã xây dựng một chương riêng về bảo đảm thực hiện quyền bào chữa trong tố tụng hình sự... 
Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã thiết lập quan hệ với nhiều tổ chức luật sư của các nước như: Canada, Hoa Kỳ, Đan Mạch, Thụy Điển, CHLB Đức, Trung Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia... ; tham gia hoạt động trong khuôn khổ chương trình của các Hiệp hội luật Châu Á Thái Bình Dương (LawAsia), chuẩn bị gia nhập Hiệp hội Luật sư quốc tế (IBA); tham gia Chương trình đối tác tư pháp JPP, Tổ chức JICA, UNDP... 
Về công tác xây dựng Đảng: Hiện nay, Liên đoàn có 27/63 Đoàn luật sư có tổ chức đảng, trong đó có 21 đảng bộ, chi bộ trực thuộc Đảng bộ khối các cơ quan tỉnh, thành phố (riêng Đoàn Luật sư TP. HCM đã có Đảng đoàn); số chi bộ còn lại trực thuộc Đảng bộ Sở Tư pháp hoặc sinh hoạt ghép với Hội Luật gia tỉnh... Tổng  số đảng viên tính đến 31-12-2013 là 1.127 đảng viên (trong đó: trên 551 đảng viên đang sinh hoạt tại tổ chức Đảng ở Đoàn luật sư, gần 576 đảng viên đang sinh hoạt tại tổ chức Đảng nơi cư trú và các nơi khác).
Bên cạnh những kết quả đã đạt được, Báo cáo cũng nêu lên một số khó khăn vướng mắc trong quá trình hoạt động và đề xuất một số kiến nghị với Ban Nội chính Trung ương, đó là: (1) Nêu cao vai trò của luật sư, tạo thuận lợi khi luật sư tham gia trong quá trình tố tụng (theo Nghị quyết 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về cải cách tư pháp đến năm 2020; Quyết định 1072/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược phát triển nghề luật sự đến năm 2020; (2) Trong năm 2014, tiến hành sơ kết chỉ thị 33-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tổ chức và hoạt động của luật sư; (3) Đề nghị Ban Bí thư kết luận về tính đặc thù của tổ chức xã hội nghề nghiệp luật sư (theo Thông báo 141-TB/TW của Ban Bí thư; (4) Ban Nội chính các tỉnh ủy, thành ủy theo dõi về tổ chức và hoạt động của luật sư; phối hợp với các sở, ban ngành, Đoàn luật sư tạo điều kiện cho hoạt động hành nghề của luật sự và phát triển đội ngũ luật sư tại địa phương về số lượng và chất lượng; (5) Ban Nội chính Trung ương quan tâm hơn nữa trong việc tham mưu cho Ban Bí thư lãnh đạo Đại hội Đại biểu luật sư toàn quốc lần thứ II thành công. 
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính Trung ương đánh giá cao những kết quả mà Liên đoàn Luật sư Việt Nam đã đạt được từ năm 2009 đến nay. Về phương hướng nhiệm vụ, Đồng chí yêu cầu: Liên đoàn Luật sư Việt Nam cần tăng cường sự đoàn kết, nhất trí; từng bước tháo gỡ khó khăn, tiếp tục hoàn thiện và phát triển tổ chức bộ máy, chủ động trong hoạt động của mình; làm tốt vai trò tập hợp, thu hút những luật sư giỏi để đưa Liên đoàn Luật sư Việt Nam phát triển mạnh mẽ, góp phần tạo niềm tin của nhân dân vào đội ngũ luật sư Việt Nam; phối hợp với Đoàn luật sư các địa phương để nắm bắt tình hình trong quá trình hoạt động.
Số lượng luật sư cả nước hiện nay hơn 8.400 người là dấu hiệu đáng mừng, nhưng so với yêu cầu thực tiễn cuộc sống vẫn chưa được bao nhiêu. Trong thực tế vẫn còn những luật sư yếu về phẩm chất, năng lực, thậm chí còn có sự lệch lạc về chính trị, bị kẻ sấu lợi dụng.... Đồng chí lưu ý: thời gian tới, Liên đoàn Luật sư cần tiếp tục phát triển về số lượng cũng như chất lượng, tập hợp, đoàn kết giới luật sư Việt Nam, để Liên đoàn mạnh về tổ chức, nâng cao chất lượng đội ngũ luật sư, tham gia tích cực vào sự nghiệp chung của đất nước; chủ động hội nhập quốc tế; chú trọng đến vấn đề tào tạo, bồi dưỡng luật sư trẻ tài năng, giỏi về chuyên môn, nghiệp vụ. 
Về những kiến nghị, đồng chí Trưởng Ban Nội chính đề nghị: Đảng đoàn Liên đoàn luật sư Việt Nam tổng hợp các ý kiến để Ban Nội chính cũng như các cấp, các ngành liên quan có cơ sở để xem xét.
Văn Anh
;
.