Đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự

Thứ Sáu, 14/03/2014, 15:58 [GMT+7]

Ngày 13-3, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Hội thảo khoa học đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”. Đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo chủ trì Hội thảo. Tham dự hội thảo có các chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và đại diện các cơ quan, bộ, ban ngành liên quan.

Hội thảo đã thông qua nội dung sửa đổi, bổ sung một số quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử” gồm: Sự có mặt của bị báo tại phiên toà; sự có mặt của Kiểm sát viên tại phiên toà; sự có mặt của người bào chữa tại phiên toà; quyền của Kiểm sát viên và người tham gia tố tụng yêu cầu triệu tập những người khác tham gia phiên toà; quyền của bị cáo hỏi những người tham gia tố tụng khác; nội dung của bản án; sự gặp mặt, trao đổi giữa người bào chữa và bị can, bị cáo…

Các tham luận và ý kiến phát biểu của chuyên gia, nhà khoa học, nhà nghiên cứu, học giả, luật sư và đại diện một số bộ, ban, ngành Trung ương tại Hội thảo tập trung phân tích làm rõ một số nguyên tắc tiến bộ được quy định trong Bộ luật tố tụng hình sự hiện nay gồm: Triệu tập Điều tra viên đến phiên toà; Kiểm sát viên rút quyết định truy tố tại phiên toà; giới hạn của việc xét xử. Nhiều ý kiến cũng đã đi sâu và làm rõ bản chất của nguyên tắc tranh tụng trong xét xử, và mối quan hệ giữa nguyên tắc tranh tụng với các nguyên tắc khác, trong đó có nguyên tắc bảo đảm quyền con người của công dân, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định trong Hiến pháp.

Phát biểu Kết luận hội thảo, đồng chí Hoàng Nghĩa Mai, Ủy viên Thường trực Ban soạn thảo ghi nhận và đánh giá cao ý kiến đóng góp của các chuyên gia, các nhà khoa học về những nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Bộ luật tố tụng hình sự nhằm cụ thể hóa quy định của Hiến pháp năm 2013 “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”. Đồng chí lưu ý, tranh tụng trong xét xử là hiến định trong hoạt động tố tụng và xuyên suốt trong quá trình giải quyết vụ án; mô hình của chúng ta là thẩm vấn và tranh tụng. Nhưng trong một số vụ án, trường hợp xét xử không nhất thiết phải tranh tụng.

Một trong những yêu cầu quan trọng của quá trình cải cách tư pháp nói chung và cải cách tư pháp hình sự nói riêng được đặt ra cần phải nghiên cứu theo quy định mới của Hiến pháp năm 2013, Ban soạn thảo cũng đã đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định mới của Bộ luật tố tụng hình sự theo hướng “Bảo đảm nguyên tắc tranh tụng trong xét xử”.

                                                                                      Vũ Tiến Dũng

                                                                                  

;
.