Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường: Tích cực triển khai Hiến pháp 2013 vào cuộc sống
Thứ Hai, 10/03/2014, 12:04 [GMT+7]
Hiến pháp 1992 sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua tại Kỳ họp thứ 6. Để Hiến pháp sớm đi vào thực tế cuộc sống, cần có một hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, đúng tinh thần của Hiến pháp. Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường nêu rõ: Hiến pháp 2013 là bước tiến lớn về nhận thức và tư duy lý luận trong việc công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm quyền con người, quyền công dân. Nhận thức đó phù hợp với tư tưởng chung của nhân loại, xu thế của thời đại. Bằng việc Quốc hội thông qua Hiến pháp sửa đổi - văn bản pháp luật cao nhất, thông qua đó, một mặt nhân dân khẳng định quyền lực của mình, giao cho Nhà nước thực hiện một phần quyền lực đó và mặt khác dành cho mình các quyền con người, quyền công dân mà Nhà nước phải công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm thực hiện.
Bộ trưởng Bộ Tư pháp, Hà Hùng Cường |
Trong Chương trình “Dân hỏi - Bộ trưởng trả lời” ngày 9-3, Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh: Tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân là mục tiêu xuyên suốt trong các bản Hiến pháp của nước ta. Hiến pháp 1992 có bước tiến lớn trong lịch sử lập pháp nước ta khi lần đầu tiên ghi nhận quyền con người dù phần lớn được lồng ghép trong quy định về quyền công dân. Hiến pháp 2013 đã có những điểm mới tiến bộ, tích cực được coi là điểm sáng liên quan đến chế định quan trọng này. Đó là đổi tên chương “Quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” thành “Quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản công dân”, chuyển từ vị trí Chương V (Hiến pháp 1992) lên Chương II, ngay sau chương về chế độ chính trị, thể hiện tầm quan trọng của vấn đề quyền con người, quyền công dân. Ngay điều đầu tiên của Chương này, lần đầu tiên đã ghi nhận các nguyên tắc cơ bản trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân là các quyền con người, quyền công dân được “công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Đặc biệt, Hiến pháp cũng khẳng định rõ quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế bằng luật và trong 4 trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia; bảo đảm an toàn, trật tự công cộng; bảo vệ sức khỏe cộng đồng; đạo đức xã hội.
Hiến pháp 2013 cũng phân biệt rõ quyền con người và quyền công dân trong 26 điều được kế thừa, phát triển, làm sâu sắc những qui định của Hiến pháp 1992 và còn mở rộng, phát triển, bổ sung nhiều quyền khác… Đó là những điểm sáng thể hiện sự nhất quán trong chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước ta là tôn trọng và bảo vệ quyền con người, quyền công dân.
Bộ trưởng nêu rõ, để đảm bảo các quy định của Hiến pháp 2013, nhất là các quy định về quyền con người, quyền công dân, sớm đi vào cuộc sống, sẽ có một khối lượng lớn công việc phải làm. Trên cơ sở Nghị quyết của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp và kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp, Chính phủ đã ban hành kế hoạch thi hành Nghị quyết của Quốc hội, kế hoạch của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, với dự kiến các đầu luật cần được sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới, phân công cụ thể cơ quan chủ trì soạn thảo, lộ trình thực hiện cụ thể trong thời gian tới. Trong đó, các luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân sẽ được ưu tiên trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng đã yêu cầu Bộ Tư pháp rà soát, chỉ đạo, đôn đốc thực hiện kế hoạch này, thành lập Hội đồng tư vấn để thẩm định xem xét, đảm bảo các luật được ban hành đúng quy định, tinh thần của Hiến pháp.
Theo dự kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chính phủ, sắp tới sẽ có 28 đạo luật, bộ luật được bổ sung, ban hành mới nhằm cụ thể hóa và triển khai các quy định của Hiến pháp về quyền con người, quyền công dân. Về cơ bản, hầu hết các đạo luật, luật liên quan đến quyền con người, quyền công dân đều được ưu tiên xây dựng, trình Quốc hội trong năm 2015-2016, có những luật sẽ được ban hành ngay trong năm 2014.
Liên quan đến một số vụ việc mà quyền bào chữa, quyền tự bảo vệ của người dân trong quá trình tố tụng chưa được đảm bảo, như vụ ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang, Bộ trưởng Hà Hùng Cường cho biết: Hiến pháp khẳng định nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được bảo đảm, mở rộng phạm vi cho những người được bảo đảm quyền bào chữa, gồm cả người bị bắt, tạm giữ, tạm giam, điều tra (theo qui định của Hiến pháp 1992, quyền này chỉ được thực hiện từ khi bị khởi tố), nhằm tránh oan, sai. Hiến pháp sửa đổi lần này làm rõ hơn nguyên tắc suy đoán vô tội theo hướng một người được coi là không có tội cho đến khi việc buộc tội phải được chứng minh theo đúng trình tự luật định. Đây là điều kiện mới so với trước đây chỉ cần bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật... Theo Bộ trưởng đây là không gian rộng lớn cho các đạo luật, bộ luật sắp tới có những quy định để mở rộng và phát huy dân chủ, tôn trọng, bảo đảm quyền con người, quyền công dân, bảo vệ những người không may rơi vào vòng lao lý, khắc phục oan sai như trường hợp ông Nguyễn Thanh Chấn. Dự thảo Bộ luật tố tụng hình sự đang được nghiên cứu và dự kiến thông qua vào năm 2015 với một trong những sửa đổi quan trọng là quy định quyền của luật sư theo hướng thực hiện đầy đủ quy định của Hiến pháp về tranh tụng, về nguyên tắc có luật sư của người bị bắt… như tinh thần của Hiến pháp. Dự thảo Luật tạm giữ, tạm giam cũng đã được đưa vào kế hoạch ban hành năm 2016, nhằm thực hiện quy định của Hiến pháp “việc bắt, giam giữ người do luật định”.
(Theo TTXVN)
;