Phòng, chống tham nhũng, cần nỗ lực của toàn xã hội

Thứ Hai, 24/02/2014, 09:46 [GMT+7]
Với sự nỗ lực của hệ thống chính trị và toàn xã hội, những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng tại Việt Nam tiếp tục được tăng cường, đạt được nhiều tiến bộ tích cực. Tuy nhiên, tình hình tham nhũng vẫn chưa có dấu hiệu giảm, tiếp tục diễn biến phức tạp. Công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng cần sự nỗ lực của các cơ quan chức năng và sự chung tay của cả cộng đồng.  
Một Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng
Một Hội nghị biểu dương cá nhân có thành tích phòng, chống tham nhũng
* Hoàn thiện thể chế, chính sách về phòng, chống tham nhũng 
Năm 2013, quy định của pháp luật về các biện pháp phòng, chống tham nhũng được Thanh tra Chính phủ phối hợp với các cấp, các ngành tiếp tục cụ thể hóa, rà soát, điều chỉnh, bổ sung để nâng cao hiệu quả hoạt động. Ngay sau khi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, Chính phủ đã ban hành 4 nghị định, Thanh tra Chính phủ ban hành 4 thông tư quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành, tập trung vào những khâu yếu, những biện pháp còn hạn chế trong công tác phòng, chống tham nhũng như kiểm soát việc kê khai tài sản, thu nhập, chuyển đổi vị trí công tác, trách nhiệm giải trình của cơ quan nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ, thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện Luật phòng, chống tham nhũng, chế độ thông tin, báo cáo... Việc hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng được quan tâm thực hiện, tiến độ xây dựng, chất lượng các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng có tiến bộ rõ rệt. 
Bên cạnh đó, việc thực thi Công ước về phòng, chống tham nhũng tiếp tục được đẩy mạnh. Hội nghị các quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng đã đánh giá cao những nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện và tham gia cơ chế đánh giá việc thực thi Công ước. Các cơ quan chức năng tổ chức nhiều hoạt động phối hợp trong điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng có yếu tố nước ngoài, chia sẻ kinh nghiệm về phòng, chống tham nhũng… qua đó đã tiếp tục củng cố niềm tin của cộng đồng quốc tế, các nhà đầu tư, đồng bào Việt Nam trong và ngoài nước về quyết tâm chính trị, hành động thực tế của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị trong công tác phòng, chống tham nhũng. 
* Tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao 
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng đánh giá hiệu lực thanh tra tăng lên với việc xử lý sau thanh tra đạt 66,3%. Việc thanh tra bảo đảm trọng tâm, trọng điểm, nhất là ở lĩnh vực nóng - tín dụng ngân hàng, phát hiện số tiền sai phạm rất lớn, tác động đến sự phát triển kinh tế - xã hội, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Thông qua hoạt động thanh tra, ngành thanh tra đã phát hiện các hành vi tham nhũng và kiến nghị các cơ quan chức năng xử lý theo quy định của pháp luật. Công tác thanh tra tiếp tục được đẩy mạnh, có hiệu lực, hiệu quả hơn, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những khâu của quản lý có nguy cơ tham nhũng cao, phát hiện, kiến nghị khắc phục. 
Số liệu thống kê cho thấy, năm 2013 ngành thanh tra đã phát hiện 45 vụ, 99 đối tượng có hành vi liên quan đến tham nhũng, kiến nghị thu hồi 354 tỷ đồng; đã thu 299,6 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 10 tập thể, 104 cá nhân, chuyển cơ quan điều tra 26 vụ, 39 đối tượng. Một số địa phương tích cực phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng như: Bến Tre, Bình Phước, Đắk Nông, Hậu Giang, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Ngãi… nhiều sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách; phát hiện, xử lý nhiều sai phạm; tỷ lệ thu hồi tiền, tài sản cho Nhà nước, cho tập thể cao hơn nhiều so với những năm trước. 
Một số vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp được dư luận xã hội quan tâm đã được đưa ra xét xử kịp thời. Việc áp dụng pháp luật và xử lý đúng người, đúng tội, đúng pháp luật, mức hình phạt tương xứng với tính chất, mức độ, hậu quả phạm tội, thể hiện tính nghiêm minh của pháp luật và tạo được sự đồng thuận trong xã hội. 
* Đẩy mạnh các biện pháp phòng ngừa tham nhũng 
Trong năm qua, việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng được ngành thanh tra tiếp tục đẩy mạnh. Kết quả kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, xử lý tố cáo, phòng chống tham nhũng được công bố, công khai theo đúng quy định của pháp luật. Việc công khai, minh bạch trong hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị đã được tăng cường; việc cung cấp thông tin, trách nhiệm giải trình trên các lĩnh vực, nhất là lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao, dư luận xã hội quan tâm, được cải thiện. 
 
Kết quả khảo sát chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công - PAPI do Chương trình phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố năm 2013 cho thấy, điểm số “công khai, minh bạch” trên phạm vi cả nước có mức độ cải thiện đáng kể, tăng 2,54% so với năm trước; điểm số về trách nhiệm giải trình với người dân tăng 1,41%, chất lượng cung ứng dịch vụ công tăng 2,29% so với năm trước. Công tác kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về công khai, minh bạch cũng được các bộ, ngành, địa phương tổ chức thực hiện nghiêm túc. Qua kiểm tra 6.312 tổ chức, đơn vị, ngành thanh tra đã phát hiện 85 tổ chức, đơn vị có vi phạm quy định về công khai, minh bạch hoạt động. 
Ông Ngô Mạnh Hùng, Phó Cục trưởng Cục chống tham nhũng (Thanh tra Chính phủ) nhận định: Thời gian qua, các giải pháp phòng ngừa đã được tăng cường triển khai; trong đó tích cực đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, công khai, minh bạch hoạt động của cơ quan, tổ chức, đơn vị. Việc đổi mới phương thức thanh toán, kiểm tra thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, chuyển đổi vị trí công tác, xử lý trách nhiệm người đứng đầu để xảy ra tham nhũng được tăng cường. Các bộ, ngành, địa phương đã ban hành, tổ chức thực hiện quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức trong thi hành nhiệm vụ, công vụ và trong quan hệ xã hội; tiến hành 4.713 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy tắc ứng xử, quy tắc đạo đức nghề nghiệp, đã xử lý 118 công chức, viên chức vi phạm, kịp thời phát hiện, chấn chỉnh các sai phạm. Đồng thời, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác 16.542 cán bộ, công chức. Trong năm 2013, đã có 41 trường hợp người đứng đầu bị xử lý do thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng, trong đó có 4 người đã bị xử lý hình sự, 33 người đã bị xử lý kỷ luật hành chính, 4 trường hợp khác đang được các cơ quan có thẩm quyền xem xét, xử lý (giảm 14% so với cùng kỳ năm 2012). 
* Khuyến khích người dân tham gia phòng, chống tham nhũng 
Khẳng định có tích cực hơn trong công tác phòng ngừa, xử lý tham thũng nhưng kết quả vẫn chưa đạt được như mong muốn, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho rằng tình hình tham nhũng tiếp tục diễn biến phức tạp, nhất là ở một số ngành, lĩnh vực như: Đất đai, tài nguyên khoáng sản, đầu tư xây dựng, tài chính, ngân hàng... và xảy ra ở nhiều cấp, nhiều ngành, gây bức xúc, bất bình trong xã hội. Nguyên nhân là do một số cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa thực sự quán triệt đầy đủ và chưa quan tâm tới công tác phòng, chống tham nhũng; việc tự kiểm tra, phát hiện, xử lý tham nhũng của cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc phát hiện tham nhũng qua hoạt động của ngành thanh tra kết quả còn hạn chế... 
Theo Tổng Thanh tra Huỳnh Phong Tranh, để khắc phục những hạn chế, yếu kém, tạo sự chuyển biến rõ nét, căn bản trong công tác phòng, chống tham nhũng, trong năm 2014 và thời gian tiếp theo, Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành cần tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng, phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Thông qua hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, điều tra, truy tố, xét xử để phát hiện, xử lý tham nhũng, tập trung vào những ngành, lĩnh vực, những khâu của quản lý có nguy cơ xảy ra tham nhũng lớn, thu hồi triệt để tài sản của Nhà nước, tập thể, cá nhân bị chiếm đoạt và thất thoát do tham nhũng. 
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phối hợp, trao đổi, cung cấp thông tin về tham nhũng; nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra, kiểm tra trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ công vụ; xử lý nghiêm những công chức, viên chức nhũng nhiễu, vô cảm, tiêu cực; chấn chỉnh, nâng cao kỷ cương, kỷ luật hành chính, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật. Mặt trận Tổ quốc các cấp, các đoàn thể, cơ quan truyền thông và nhân dân cần tăng cường giám sát việc thực hiện nhiệm vụ công vụ nhằm phòng ngừa, phát hiện tham nhũng; khuyến khích sự tham gia của nhân dân đối với công tác phòng, chống tham nhũng bằng cách tăng cường hiệu quả của các cơ chế khiếu nại, tố cáo, giám sát của cộng đồng, bảo vệ, khen thưởng người tố cáo tham nhũng.../. 
Theo TTXVN
;
.