Đề nghị Quốc hội tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 7

Thứ Sáu, 21/02/2014, 15:09 [GMT+7]
Tiếp tục phiên họp thứ 25, sáng 21/2, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam và báo cáo đánh giá, rút kinh nghiệm việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 35/2012/QH13 ngày 21/11/2012 về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn.
Tăng cường hiệu lực công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực hàng không dân dụng
Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhất trí với sự cần thiết sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật hàng không dân dụng Việt Nam là nhằm tăng cường hiệu lực của công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp hàng không, bảo đảm quyền lợi của khách hàng. Tuy nhiên, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát lại các quy định của dự án luật để bảo đảm tính hệ thống, phù hợp với quy định của các luật khác như luật về giá, năng lượng nguyên tử...
Về thẩm quyền quy định giá dịch vụ chuyên ngành hàng không, dự án Luật giao Bộ Giao thông vận tải quy định giá đối với giá dịch vụ cất cách, hạ cánh; điều hành bay đi, đến; hỗ trợ bảo đảm hoạt động bay; soi chiếu an ninh; giá phục vụ hành khách và giá dịch vụ công ích chuyên ngành hàng không khác.
Tuy nhiên, một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng với chức năng là cơ quan giúp Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước trong lĩnh vực giá, Bộ Tài chính có vai trò quan trọng trong việc quyết định đối với một số giá các loại dịch vụ này, do đó cần quy định Bộ Giao thông vận tải quyết định giá dịch vụ hàng không sau khi thống nhất với Bộ Tài chính.
Có ý kiến đề nghị cân nhắc lại quy định thẩm quyền tổ chức hiệp thương giá bởi theo quy định của Luật giá thì thẩm quyền, trách nhiệm tổ chức hiệp thương giá thuộc Bộ Tài chính hoặc Sở Tài chính. Các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu Luật giá để quy định cho phù hợp.
Đa số các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với việc bổ sung quy định về tiêu chuẩn đủ điều kiện bay đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng quy định về khai thác tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ. Bởi, thực tiễn cho thấy, tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ cần phải được quản lý chặt chẽ do đặc điểm và tính năng hoạt động của loại phương tiện, thiết bị này có liên quan mật thiết đến việc bảo đảm an toàn, an ninh hàng không cũng như bảo đảm quốc phòng, an ninh. Hiện nay, vấn đề này đang được quy định tại Nghị định 36/2008/NĐ-CP ngày 09/4/2009 của Chính phủ. Vì vậy, các thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị bên cạnh việc bổ sung các quy định nêu trên, cần rà soát thực tiễn và luật hóa một số quy định của Nghị định 36/2008/NĐ-CP để bổ sung quy định quản lý đối với tàu bay không người lái và phương tiện bay siêu nhẹ, như về điều kiện, trình tự, thủ tục cấp phép...
Một số thành viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành với quy định của dự án luật là giao thẩm quyền đóng, mở sân bay chuyên dùng cho Bộ Giao thông vận tải sau khi có ý kiến thống nhất bằng văn bản của Bộ Quốc phòng là nhằm đáp ứng các yêu cầu hoạt động của hàng không dân dụng và cũng phù hợp với thông lệ quốc tế. Các yêu cầu về quốc phòng, an ninh sẽ được bảo đảm qua sự phối hợp, thống nhất ý kiến giữa Bộ Giao thông vận tải và Bộ Quốc phòng.
Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị cân nhắc quy định này, vì các sân bay chuyên dùng chủ yếu phục vụ các hoạt động bay quốc phòng, an ninh, cứu hộ, cứu nạn… bay ngoài khu vực hàng không, ngoài đường hàng không, bay thấp và chủ yếu liên quan đến hoạt động bay quân sự; việc quản lý đối với các sân bay chuyên dùng có liên quan chặt chẽ với nhiệm vụ quốc phòng, an ninh. Hiện nay, Bộ Quốc phòng cũng đang quản lý có hiệu quả đối với nhiều sân bay chuyên dùng, cơ bản không có vướng mắc. Do đó, ý kiến này đề nghị nên giao thẩm quyền mở, đóng sân bay chuyên dùng cho Bộ Quốc phòng như hiện nay.
Đề nghị Tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 7
Cuộc họp sáng 21-2 cũng kết luận sẽ đề nghị Quốc hội tạm dừng việc lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp đầu năm 2014 đối với những người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu và phê chuẩn.
Việc tạm dừng này thực hiện theo ý kiến của Bộ Chính trị tại thông báo số 149 ngày 20-12-2013. Theo đó, Bộ Chính trị đề nghị tạm dừng tổ chức lấy phiếu tại kỳ họp đầu năm để tiến hành nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Nghị quyết 35 của Quốc hội về lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm với người giữ chức vụ do Quốc hội, HĐND bầu hoặc phê chuẩn.
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc lấy phiếu tín nhiệm là việc mới, rất quan trọng, đã được tiến hành lần đầu tiên và được nhân dân đánh giá rất cao. Nhân dân hy vọng rằng đây sẽ là một kênh hiệu quả để đánh giá cán bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy nhà nước. Nhưng vì mới thực hiện lần đầu, nên cũng có những vấn đề cần rút kinh nghiệm, đánh giá, tổng kết lại để thực hiện tốt hơn. Từ tổng kết, đánh giá này sẽ báo cáo Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị cho ý kiến hoàn thiện thêm.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng khẳng định việc lấy phiếu và bỏ phiếu là thực hiện theo Nghị quyết 35, có kết quả tốt, được nhân dân đồng tình. Lần đầu tiên lấy phiếu đã đánh giá đúng tình hình kinh tế xã hội của đất nước, các đại biểu Quốc hội đã làm việc công tâm, khách quan. Tuy vậy, trong quá trình làm lần đầu có những góp ý về phương thức làm, cách làm cần rút kinh nghiệm, thì phải tiếp tục nghiên cứu, sửa đổi Nghị quyết để thực hiện. Theo Chủ tịch Quốc hội, Kỳ họp Quốc hội thứ 7 vào tháng 5-2014 sẽ tạm dừng lấy phiếu tín nhiệm, việc lấy phiếu lần sau sẽ chờ Quốc hội chấp thuận việc bổ sung, sửa đổi Nghị quyết 35.
(Theo TTXVN, Tuổi trẻ Online)
;
.