Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng: Hoạt động thanh tra hướng vào phát hiện, chấn chỉnh, xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật

Thứ Tư, 08/01/2014, 15:42 [GMT+7]
Ngày 8-1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến triển khai nhiệm vụ ngành thanh tra năm 2014.
Theo Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh, năm 2013, Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã đạt nhiều kết quả trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành, trong đó công tác thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, phát hiện nhiều vi phạm và xử lý sau thanh tra đạt kết quả cao hơn; công tác tiếp dân, xử lý đơn thư, giải quyết khiếu nại, tố cáo được tập trung quyết liệt và nâng cao trách nhiệm nên đã giải quyết nhiều vụ việc tồn đọng, phức tạp, kéo dài; công tác phòng, chống tham nhũng được tăng cường.
Trong năm, toàn ngành đã triển khai 8.921 cuộc thanh tra hành chính và 197.690 cuộc thanh tra, kiểm tra chuyên ngành; phát hiện vi phạm 326.552 tỷ đồng, 4.520 ha đất, trong đó kiến nghị thu hồi về ngân sách nhà nước 25.225 tỷ đồng, 3.653 ha đất; xuất toán, loại khỏi giá trị quyết toán và đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý 301.327 tỷ đồng, 428 ha đất; xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 3.095 tỷ đồng; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính đối với 1.586 tập thể, 2.675 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra xử lý 72 vụ việc, 75 người.
Ngành Thanh tra cũng đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.990 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi và xử lý khác 9.428/14.231 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 66,3%). Trong đó, Thanh tra Chính phủ đã kiểm tra, đôn đốc 20 kết luận, thu hồi và xử lý khác là 9.158 tỷ đồng/13.821 tỷ đồng (đạt tỷ lệ 66,26 %); xử lý, thu hồi 1.450 ha/10.941 ha đất (đạt tỷ lệ 13%). Thanh tra các bộ, ngành, địa phương đã đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện 3.970 kết luận và quyết định xử lý sau thanh tra, thu hồi 270/410 tỷ đồng (đạt 66%) và 263/326 ha đất.
Tuy nhiên, công tác thanh tra năm 2013 vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập như: hiệu quả thanh tra chưa cao, giải quyết khiếu nại, tố cáo còn chậm, hiện, xử lý tham nhũng còn hạn chế; tổ chức, bộ máy của cơ quan thanh tra chưa phù hợp, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng thực hiện còn hình thức, kết quả chưa cao...
Hội nghị đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của ngành thanh tra trong năm 2014 là: Thực hiện có hiệu quả công tác thanh tra theo chương trình, kế hoạch gắn với thanh tra đột xuất, tăng cường công tác xử lý sau thanh tra. Ngành thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Nghị quyết của Quốc hội, chỉ đạo Thủ tướng Chính phủ về công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo, tập trung giải quyết có chất lượng các vụ việc khiếu nại, tố cáo, phấn đấu đạt tỉ lệ trên 85% đối với các vụ việc mới phát sinh; chú trọng việc tổ chức thi hành quyết định giải quyết khiếu nại, quyết định xử lý tố cáo đã có hiệu lực pháp luật, phấn đấu đạt tỷ lệ trên 80%; triển khai có hiệu quả Chương trình hành động của Chính phủ về phòng, chống tham nhũng và các lĩnh vực công tác khác.
Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương, đánh giá cao sự nỗ lực, vượt khó và những kết quả ngành thanh tra đạt được trong năm qua; khẳng định công tác thanh tra đã đóng góp thiết thực vào thành tựu chung của đất nước. Năm 2013, mặc dù có nhiều khó khăn, thách thức nhưng tình hình kinh tế-xã hội tiếp tục đạt được những chuyển biến tích cực, văn hóa, xã hội, y tế, giáo dục có nhiều tiến bộ, chính trị xã hội ổn định... Những thành tựu đạt được đó là nhờ công sức chung của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, trong đó có ngành Thanh tra - một lĩnh vực quan trọng trong quản lý nhà nước của Chính phủ và hệ thống hành chính nhà nước.
Chỉ rõ những tồn tại, hạn chế mà ngành cần khắc phục trong thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ: Thanh tra Chính phủ và ngành thanh tra cần chủ động xây dựng kế hoạch thanh tra khoa học, hiệu quả, thiết thực. Nội dung thanh tra phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các lĩnh vực quan trọng. Hoạt động thanh tra, kiểm tra hướng vào việc phát hiện, chấn chỉnh và xử lý kịp thời các vi phạm pháp luật, đồng thời kiến nghị Chính phủ sửa đổi những sơ hở, bất cập trong công tác quản lý và cơ chế, chính sách, tăng cường hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước. Theo đó, năm 2014, Thanh tra Chính phủ cần tập trung thanh tra trách nhiệm của Bộ trưởng, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong việc thực hiện chức năng quản lý nhà nước, chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực quản lý đất đai; đầu tư xây dựng cơ bản; khối doanh nghiệp nhà nước trong chức năng quản lý Nhà nước và quản lý chủ sở hữu nhà nước; các chương trình, mục tiêu quốc gia gắn với thanh tra việc thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập...
 
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu trong năm 2014, Thanh tra Chính phủ cần phối hợp tốt với các bộ ngành, địa phương tập trung giải quyết dứt điểm 62/528 vụ việc khiếu nại, tố cáo tồn đọng, phức tạp, kéo dài. Các bộ, ngành, các cấp chính quyền địa phương cần tăng cường đối thoại trực tiếp, thẳng thắn với người dân, giải thích rõ cho người dân, bảo vệ lợi ích cho dân. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần giải quyết tốt ngay tại cơ sở, tránh để tình trạng người dân khiếu nại vượt cấp, hạn chế tối đa việc phát sinh "điểm nóng", gây mất trật tự, an ninh.
Nhấn mạnh một trong những lĩnh vực ngành thanh tra cần tiếp tục đẩy mạnh trong năm 2014 là phòng, chống tham nhũng, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý Thanh tra Chính phủ cần nâng cao chất lượng hiệu quả trong việc nắm bắt tình hình, phát hiện tham nhũng, tập trung vào các lĩnh vực có nguy cơ tham nhũng cao như: đầu tư xây dựng, đất đai, thu ngân sách, mua sắm công... Nếu phát hiện sai phạm cần chuyển ngay cơ quan điều tra xử lý; tiếp tục kiến nghị các cơ chế chính sách nhằm công khai minh bạch trên tất cả các lĩnh vực, phát huy quyền kiểm soát của nhân dân. Các bộ, ngành, địa phương tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, lãng phí, gắn với việc học tập và làm theo tấm gương, đạo đức Hồ Chí Minh.
Thủ tướng đề nghị ngành thanh tra cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo, điều hành, xây dựng và hoàn thiện thể chế; kiện toàn chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức, bộ máy cơ quan thanh tra; hoàn thiện quy trình, quy chế hoạt động của ngành thanh tra; đào tạo đội ngũ cán bộ thanh tra tận tụy, trung thành, có năng lực, phẩm chất đạo đức tốt; xây dựng ngành thanh tra trong sạch, vững mạnh để xứng đáng với nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
(Theo TTXVN)
;
.