Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực
Thứ Sáu, 03/01/2014, 11:01 [GMT+7]
Ngày 2-1, tại Trụ sở Chính phủ, Văn phòng Chính phủ đã tổ chức họp về công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng dưới sự chủ trì của đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ. Cùng dự, có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và lãnh đạo một số địa phương.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp |
Theo báo cáo tại cuộc họp, thời gian qua công tác cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực đất đai, đầu tư, xây dựng được thực hiện quyết liệt, với nhiều thủ tục được cắt giảm, đơn giản hoá. Để đơn giản hóa thủ tục hành chính trong hoạt động đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tập trung đề xuất hoàn thiện cơ chế một cửa trong giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến cấp giấy chứng nhận đầu tư và triển khai dự án theo hướng quy định việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết tập trung thông qua một cơ quan đầu mối hay còn gọi là cơ quan cấp giấy chứng nhận đầu tư.
Trong lĩnh vực cấp giấy phép xây dựng, từ đầu năm đến nay, Bộ Xây dựng đã bãi bỏ 15 thủ tục hành chính về cấp phép xây dựng đã được công bố, và bãi bỏ một thủ tục hành chính “Cấp phép xây dựng công trình đường dây ngầm, đường ống ngầm, hào và cống, bể kỹ thuật”. Đồng thời ban hành Nghị định 64 và Thông tư số 10 và công bố các thủ tục hành chính về cấp giấy phép xây dựng, quy định rõ trách nhiệm của cơ quan cấp phép và trách nhiệm của cơ quan liên quan nhờ đó tỷ lệ số công trình được cấp giấy phép xây dựng đã tăng khoảng 4% so với năm 2012.
Tuy nhiên, hiện nay nhà đầu tư vẫn phải thực hiện trung bình 18 thủ tục khác nhau đối với dự án có liên quan đến đất đai, xây dựng, môi trường. Mặc dù cơ chế "một cửa" được áp dụng tại nhiều đơn vị, nhưng nhà đầu tư vẫn phải nộp hồ sơ cho nhiều cơ quan chuyên môn khác nhau để được giải quyết lần lượt thủ tục hành chính theo quy định các luật khác nhau. Ðáng chú ý, nhiều quy định liên quan đến giải quyết thủ tục hành chính tại các văn bản khác nhau có nhiều mâu thuẫn dẫn đến khó khăn trong quá trình thực hiện. Ðơn cử như Luật doanh nghiệp và Luật đầu tư có tới 100 vướng mắc do hai luật này có những quy định thiếu đồng bộ, mâu thuẫn với nhau.
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, thời gian qua, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã có nhiều nỗ lực trong công tác cải cách thủ tục hành chính và đạt được những kết quả tích cực với nhiều thủ tục hành chính được cắt giảm, đơn giản hóa, góp phần cải thiện môi trường kinh doanh và tạo thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập cần khắc phục trong thời gian tới, như nhiều quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, thiếu thống nhất, gây khó khăn cho người dân và các nhà đầu tư.
Phó Thủ tướng đề nghị, thời gian tới các bộ, ngành, địa phương thực hiện quyết liệt hơn nữa công tác cải cách thủ tục hành chính. Thực hiện công bố công khai các thủ tục và thời gian thực hiện để người dân, doanh nghiệp biết giám sát, đồng thời phân cấp mạnh và quy rõ trách nhiệm đối với từng cơ quan đơn vị và người đứng đầu trong cải cách và giải quyết thủ tục hành chính. Bố trí cán bộ có đủ năng lực, trình độ vào các vị trí nhằm giải quyết kịp thời thủ tục hành chính cho nhân dân.
Phó Thủ tướng yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương chủ động phối hợp và xây dựng kế hoạch kiểm tra, đánh giá việc triển khai cải cách thủ tục hành chính đối với các ngành; triển khai tích cực hơn nữa “một cửa” và “một cửa liên thông” và luân chuyển cán bộ làm việc ở môi trường nhạy cảm, cũng như tiến hành giám sát, xử lý nghiêm cán bộ nhũng nhiễu, tiêu cực. Đồng thời, đồng ý với đề xuất của các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu thành lập các tổ công tác để giải quyết kịp thời những vướng mắc trong giải quyết thủ tục hành chính tại các địa phương.
Tiến Dũng
(TTXVN)
;