Lễ ký Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự
Thứ Tư, 08/01/2014, 10:13 [GMT+7]
Ngày 06-01, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức Lễ ký Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ luật tố tụng dân sự. Dự Lễ ký có đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao; đồng chí Đinh Trung Tụng, Thứ trưởng Bộ Tư pháp; đồng chí Nguyễn Thị Thủy Khiêm, Phó Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao. Thành viên Tổ soạn thảo; Tổ giúp việc; đại diện Lãnh đạo một số đơn vị trực thuộc Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tham dự buổi lễ.
Các đồng chí Lãnh đạo ba ngành: Tư pháp - Tòa án - Kiểm sát dự Lễ ký Thông tư liên tịch |
Thực hiện kế hoạch soạn thảo văn bản Hướng dẫn thi hành Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2001, Tòa án nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp cùng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch.
Trong quá trình xây dựng Thông tư liên tịch đã nhận được sự đóng góp tích cực của tất cả các thành viên Tổ soạn thảo, đặc biệt là các đồng chí công tác tại Viện khoa học kiểm sát Viện kiểm sát nhân dân tối cao; Vụ Pháp luật dân sự, kinh tế Bộ Tư pháp; Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao. Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong quá trình xây dựng Dự thảo Thông tư liên tịch, Ban soạn thảo tổ chức nhiều công việc như: Nghiên cứu, xây dựng Dự thảo 01 Thông tư liên tịch; tổ chức các cuộc họp xin ý kiến góp ý của thành viên Tổ soạn thảo, tiếp thu ý kiến góp ý xây dựng Dự thảo 02 Thông tư liên tịch; tổ chức nhiều hội thảo đóng góp ý kiến vào Thông tư liên tịch; tổ chức nhiều cuộc họp lãnh đạo liên ngành nhằm thống nhất một số vấn đề của Dự thảo Thông tư liên tịch còn có ý kiến khác nhau.
Dự thảo 04 Thông tư liên tịch gồm 11 Điều, cụ thể: “Điều 1. Phạm vi điều chỉnh; Điều 2. Xác định quyết định các biệt rõ ràng trái pháp luật; Điều 3. Hình thức và nội dung yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của đương sự; Điều 4. Giải quyết yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật của đương sự tại phiên tòa; Điều 5. Thời hiệu; Điều 6. Tạm ứng án phí, án phí; Điều 7. Xác định thẩm quyền của Tòa án hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật; Điều 8. Xác định thẩm quyền trong trường hợp đương sự vừa có yêu cầu hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, vừa có đơn khiếu nại hoặc đơn khởi kiện vụ án hành chính; Điều 9. Quyền và nghĩa vụ tham gia tố tụng của cơ quan, tổ chức, người có thẩm quyền của cơ quan, tổ chức ban hành quyết định cá biệt bị xem xét hủy; Điều 10. Hiệu lực thi hành; Điều 11. Việc giải thích, hướng dẫn bổ sung”.
Phát biểu tại Lễ ký, đồng chí Tống Anh Hào, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đánh giá cao tinh thần trách nhiệm của Tổ soạn thảo Thông tư liên tịch; sự quan tâm, chỉ đạo của Lãnh đạo Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ Tư pháp giúp Lễ ký diễn ra đúng tiến độ. Đồng chí khẳng định, Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự được ban hành có vai trò quan trọng trong việc góp phần hoàn thiện hệ thống các quy định của pháp luật tố tụng dân sự. Đặc biệt, cùng với quy định tại Điều 32a Bộ luật tố tụng dân sự, đây là cơ sở pháp lý để Tòa án tiến hành xem xét hủy quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật, giải quyết khó khăn, vướng mắc của các vụ án có liên quan quyết định cá biệt rõ ràng trái pháp luật mà Tòa án đang có nhiệm vụ giải quyết; từ đó, đảm bảo quyền, lợi ích hợp pháp của các đương sự, nâng cao chất lượng giải quyết các vụ án dân sự của Tòa án.
Tại Lễ ký, Lãnh đạo 03 ngành: Tòa án - Tư pháp - Kiểm sát ký, chính thức ban hành Thông tư liên tịch Hướng dẫn thi hành Điều 32a của Bộ luật tố tụng dân sự đã được sửa đổi, bổ sung theo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật tố tụng dân sự.
Trường Giang
(Viện KSND tối cao)
;