Kết quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và trợ giúp pháp lý năm 2013
Để đưa Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật vào cuộc sống, Bộ Tư pháp đã trình Chính phủ ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 04/4/2013 về quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 27/2013/QĐ-TTg ngày 19/5/2013 quy định về thành phần và nhiệm vụ, quyền hạn của Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật và Quyết định số 1060/QĐ-TTg ngày 05/7/2013 thành lập Hội đồng phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật ở Trung ương; xây dựng cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các bộ, ngành, đoàn thể trong công tác PBGDPL.
Đến nay 60/63 tỉnh, thành phố đã chỉ đạo ban hành và tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật; 14 bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương và 58 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành và tổ chức triển khai Kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật năm 2013. Việc tổ chức thành công “Ngày Pháp luật” năm 2013 đánh dấu bước chuyển hướng chiến lược từ xây dựng, hoàn thiện pháp luật sang tổ chức thi hành pháp luật.
Hội đồng phối hợp PBGDPL các cấp đã và đang được kiện toàn. Công tác PBGDPL đã tập trung vào các sự kiện lớn của đất nước, như việc lấy ý kiến nhân dân về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, Luật Đất đai (sửa đổi), Ngày Pháp luật năm 2013 thực sự trở thành những đợt sinh hoạt chính trị - pháp lý rộng lớn. Việc triển khai các chương trình, đề án về PBGDPL với nhiều hình thức đa dạng, đưa công tác giảng dạy pháp luật vào chương trình đào tạo các cấp học, góp phần nâng cao ý thức pháp luật cho cán bộ, người dân.
Triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở, Bộ trưởng Bộ Tư pháp đã ban hành Quyết định số 1932/QĐ-BTP ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg và gần 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã ban hành văn bản của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh tổ chức thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg.
Công tác trợ giúp pháp lý (TGPL) được nâng cao về chất lượng, từng bước thu hút sự tham gia của các ngành, các cấp. Công tác phối hợp TGPL trong hoạt động tố tụng tại các địa phương từng bước được nâng cao, góp phần bảo đảm quyền của đối tượng được TGPL khi tham gia tố tụng. Các Trung tâm TGPL nhà nước tại 21 tỉnh có huyện nghèo đã thực hiện 535 đợt TGPL lưu động tại 560 xã nghèo, tổ chức 5.087 đợt sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL với 131.274 người tham dự; phát hành 8.455 cuốn kỹ năng hòa giải cơ sở cho 8.432 Tổ hòa giải ở các huyện nghèo...
Tuy nhiên, việc hướng dẫn triển khai và ban hành các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hoà giải ở cơ sở còn chậm; chất lượng phổ biến, giáo dục pháp luật chưa đồng đều, hiệu quả còn thấp, mới chú trọng về hình thức, quy mô mà chưa đổi mới triệt để. Một số hình thức PBGDPL hiệu quả chưa cao như hoạt động của câu lạc bộ pháp luật, công tác xây dựng, quản lý, khai thác tủ sách pháp luật. Chưa có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở cả Trung ương và địa phương.
Chiến lược trợ giúp pháp lý ở Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 trong quá trình triển khai thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập, một số chỉ tiêu chưa phù hợp với thực tiễn. Chất lượng và hiệu quả của một số hoạt động TGPL còn hạn chế như chất lượng tham gia tố tụng, hiệu quả sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL chưa thật sự đáp ứng kịp thời được nhu cầu TGPL của người dân. Việc tiến hành xã hội hóa trong lĩnh vực TGPL còn chậm và không đồng đều ở các địa phương.
Nhiều địa phương chưa chủ động ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở. Một số địa phương đã ban hành Kế hoạch nhưng nội dung, nhiệm vụ chưa thực sự bám sát nhiệm vụ của Ủy ban nhân dân.
Năm 2014, ngành Tư pháp đề ra các nhiệm vụ trọng tâm của công tác PBGDPL và trợ giúp pháp lý như sau:
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các văn bản pháp luật mới, Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa các hoạt động PBGDPL, TGPL theo Chiến lược Cải cách tư pháp đến năm 2020.
Tiếp tục đổi mới phương thức tổ chức thực hiện phổ biến, giáo dục pháp luật; bảo đảm sự kết hợp hài hòa giữa hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật truyền thống và hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật mới đang được áp dụng có hiệu quả trên thực tế. Tập trung PBGDPL Hiến pháp năm 2013 và các đạo luật quan trọng được Quốc hội thông qua hoặc bắt đầu triển khai trong năm 2014; phối hợp với các Bộ, cơ quan, địa phương đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong xã hội, nâng cao ý thức pháp luật và ý thức, trách nhiệm cộng đồng của người dân, tổ chức trong sự nghiệp xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.
Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật năm 2014; phối hợp với các cấp, các ngành thực hiện có kết quả các chương trình phối hợp phổ biến, giáo dục pháp luật đã ký kết, tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm đưa pháp luật đến với đông đảo người dân; tập trung tuyên truyền những văn bản pháp luật có liên quan đến những lĩnh vực bức xúc, nhạy cảm với đời sống xã hội, nhất là những văn bản quy phạm pháp luật mới được ban hành.
Tiếp tục phát huy mở rộng mô hình tuyên truyền, đối thoại pháp luật với người dân, doanh nghiệp, thanh niên, học sinh - sinh viên; đặc biệt là tổ chức đối thoại phát trên Đài Phát thanh - Truyền hình để tạo sức lan tỏa và quan tâm của toàn xã hội. Tổ chức thực hiện tốt các chương trình, kế hoạch phối hợp giữa Sở Tư pháp với các ban, ngành, đoàn thể, tổ chức chính trị - xã hội; tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên trên theo Quyết định số 2160/QĐ-TTg ngày 26/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án tăng cường công tác phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao ý thức pháp luật cho thanh thiếu niên giai đoạn 2011-2015.
Kiện toàn tổ chức bộ máy Trung tâm trợ giúp pháp lý, nâng cao chất lượng chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ làm công tác trợ giúp pháp lý; đảm bảo thụ lý và thực hiện trợ giúp pháp lý cho 100% vụ việc khi có yêu cầu; tăng cường trợ giúp pháp lý lưu động phấn đấu 100% vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, các ấp đặc biệt khó khăn được tổ chức lưu động 1 năm/lần. Chú trọng nâng cao chất lượng trợ giúp pháp lý nói chung và trợ giúp pháp lý trong hoạt động tố tụng để bảo đảm chính sách an sinh xã hội cho các đối tượng chính sách. Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Quyết định số 09/2013/QĐ-TTg, ngày 24/01/2013 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy định về chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở.
P.V