Bộ Công thương giải trình về chống buôn lậu và gian lận thương mại
Thứ Tư, 08/01/2014, 08:33 [GMT+7]
Sáng ngày 7/1, tại Hà Nội, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Phiên họp giải trình về “Thực trạng, giải pháp phòng, chống buôn lậu qua biên giới góp phần ngăn chặn, xử lý hàng giả, hàng kém chất lượng, hàng không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm”.
Tham dự và điều hành Phiên giải trình có Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Văn Giàu; Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng; cùng lãnh đạo bộ Ban, ngành Trung ương và đại biểu các Ủy ban của Quốc hội.
Quang cảnh Phiên họpị |
Theo Bộ trưởng Bộ Công thương Vũ Huy Hoàng, cùng với sự phát triển của thương mại biên giới là sự lớn mạnh không ngừng về số lượng và chất lượng của thương nhân tham gia hoạt động thương mại biên giới, cơ cấu hàng hóa ngày càng phong phú và đa dạng, dịch vụ thương mại biên giới không ngừng phát triển, số lượng người và phương tiện xuất cảnh qua các khu kinh tế cửa khẩu đều tăng qua các năm (năm 2012 có 9 triệu lượt người và 700 nghìn lượt phương tiện, tăng gấp 3 lần so với năm 2005).
Tuy nhiên, cùng với sự phát triển đó thì tình hình buôn lậu cũng diễn biến phức tạp, chủng loại hàng hóa nhập lậu rất đa dạng từ loại hàng hóa có giá chênh lệch lớn, có mức thuế nhập khẩu cao hoặc bị áp dụng hạn ngạch, đến các nhóm hàng hóa bị cấm nhập khẩu, hàng giả hàng nhái, hàng kém chất lượng có giá trị thấp.
Từ năm 2010 đến nay, các lực lượng chức năng đã xử lý 828.488 vụ vi phạm về buôn lậu hàng giả và gian lận thương mại, trong đó có 117.714 vụ buôn lậu, chiếm 14,2% tổng số vụ vi phạm bị bắt giữ, xử lý. Các mặt hàng nhập lậu chủ yếu là pháo các loại 86,245 kg, 170,789 quả; động vật hoang dã: 1932kg ngà voi, 35.892 con; gỗ các loại 2.483.457m3; rượu 315.159 chai; bia, nước giải khát 3.008.473 chai; thuốc là điếu ngoại 16.560.644 bao; đồ chơi trẻ em có tính bạo lực 1.030.388 sản phẩm; nội tạng động vật 289.601kg; gia cầm 2.117.671 kg, 4.464.331 con…
Đặc biệt một số chuyên đề phối hợp giữa các lực lượng chức năng đã được thực hiện thành công như chuyên đề đấu tranh phòng ngừa vận chuyển, kinh doanh gia cầm, sản phẩm gia cầm nhập khẩu; về kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu từ năm 2010 đến nay lực lượng chức năng đã thu giữ 7.548.378 lít xăng dầu; về việc kiểm tra, xử lý vi phạm mũ bảo hiểm, các lực lượng chức năng đã thu giữ 147.169 chiếc mũ bảo hiểm giả kém chất lượng tính từ năm 2010 đến nay; về việc kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh phân bón, từ năm 2101 đến nay đã bắt giữ 53.111 tấn phân bón nhập lậu kém chất lượng.
Chất vấn tại phiên giải trình, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương (Ủy ban Pháp luật), cho rằng cần quyết liệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng chống buôn lậu, các lực lượng chức năng cần làm tốt hơn nữa công tác phòng chống buôn lậu, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan phòng chống buôn lậu đặc biệt là quản lý thị trường. Đồng thời, đại biểu Cương cũng đặt vấn đề về tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu hiện nay ra sao và hiệu quả hoạt động của lực lượng quản lý thị trường so với ngân sách nhà nước chi phí cho lực lượng này như thế nào?
Bộ trưởng Bộ Công thương, Vũ Huy Hoàng |
Chất vấn tại phiên giải trình, TS. Trần Du Lịch (Ủy ban Kinh tế) nhấn mạnh, cần phải đánh giá hết hậu quả của buôn lậu đó là phá hoại nền kinh tế Việt Nam và mất niềm tin của các doanh nghiệp làm ăn chân chính, vấn đề chính trong phòng chống buôn lậu đó là phải đánh vào gốc, đánh vào các đường dây buôn lậu và đầu nậu, đặt quyết tâm cao tập trung điều tra, đầu tư lực lượng, phương tiện đánh vào công tác phòng chống buôn lậu. Đặc biệt, nhìn nhận rõ xem có tiêu cực trong lực lượng chống buôn lậu?
Ủy viên Ủy ban Tư pháp Đỗ Văn Đương thẳng thắn cho biết nhận được nhiều phản ánh, tố cáo của người dân về tiêu cực trong lực lượng quản lý thị trường. Vậy hiệu quả của lực lượng này như thế nào?
Trả lời chất vấn Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, đánh giá về năng lực cũng như trách nhiệm của lưc lượng chức năng, không thể không có tiêu cực trong các lực lượng chức năng. Tuy nhiên, hiện tượng tiêu cực cũng chỉ là số ít và đây cũng là một hạn chế và nguyên nhân làm cho công tác phòng chống buôn lậu giảm hiệu quả, Bộ trưởng cũng đề nghị tăng thêm lực lượng quản lý thị trường khoảng 1.000 người cho các địa phương trọng điểm về buôn lậu, nhằm nâng cao hơn nữa công tác phòng chống buôn lậu.
Theo đó, từ năm 2012 đến hết 6 tháng 2013, lực lượng quản lý thị trường đã kỷ luật 45 cán bộ sai phạm, trong đó có một số trường hợp kỷ luật buộc thôi việc. Nhằm hạn chế các tiêu cực, lực lượng này đã tổ chức luân chuyển hàng ngàn cán bộ trong tổng số hơn 5.200 cán bộ quản lý thị trường, nhất là ở vị trí và khu vực nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực.
Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng đưa ra một số giải pháp và kiến nghị nhằm góp phần nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác phòng chống buôn lậu đó là, giải pháp chung về kinh tế - xã hội, nâng cao hơn nữa vai trò của các hiệp hội ngành, góp phần tự bảo vệ thương hiệu của thành viên, hình thành diễn đàn trao đổi công – tư về chống buôn lậu giữa các lực lượng chức năng và các doanh nghiệp.
Tạo được công ăn việc làm, nâng cao đời sống của người dân ở khu vực biên giới để người dân không tham gia, tiếp tay cho buôn bán, vận chuyển hàng lậu, xây dựng chương trình phát triển thương mại miền núi, vùng sâu, vùng xa và hải đảo.
Hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao năng lực thực thi công vụ cho các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu, rà soát sửa đổi bổ sung cơ chế chính sách không phù hợp để các đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng kẽ hở của pháp luật để buôn lậu, làm tốt công tác xây dựng lực lượng, tổ chức đào tạo cán bộ, tăng cường kiểm tra nội bộ, chống hiện tượng tiêu cực.
Đồng thời, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cũng kiến nghị với Quốc hội cho phép lực lượng chức năng làm công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu, hàng giả, gian lận thương mại được trích một phần kinh phí từ nguồn thu phạt hành chính và tịch thu hàng hóa để hỗ trợ các chi phí hợp lý, hợp lệ cho các lực lượng chống buôn lậu nhằm đem lại kết quả cao hơn nữa trong hoạt động chống buôn lậu. Trong khi Luật Xử lý vi phạm hành chính có hiệu lực từ 1.7.2013 quy định thì số tiền xử phạt này phải thu về ngân sách nhà nước chứ không để lại một phần cho các lực lượng này làm chi phí hành chính.
Phát biểu kết luận Phiên giải trình, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh, để công tác phòng chống buôn lậu và gian lận thương mại đạt kết quả cao cần có sự vào cuộc, chỉ đạo sát sao hơn nữa từ Trung ương đến địa phương, tiếp tục hoàn thiện chính sách pháp luật củng cố, kiện toàn các lực lượng chống buôn lậu, gian lận thương mại, chống tiêu cực ngay trong lực lượng chống buôn lậu, nâng cao chất lượng và thị hiếu tiêu dùng hàng hóa trong nước, có chính sách xây dựng thương hiệu hàng hóa Việt Nam, đẩy mạnh chính sách phát triển kinh tế miền núi và khu vực biên giới, tăng cường công tác quản lý của nhà nước, đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tăng cường cơ sở vật chất trang thiết bị cho lực lượng chức năng chống buôn lậu.
Cũng theo Phó Chủ tịch Quốc hội, một số văn bản pháp luật về phòng chống buôn lậu còn chưa đầy đủ, chồng chéo, sự khác nhau giữa các địa phương các loại mặt hàng buôn lậu cũng khác nhau, từng lực lượng ở những địa bàn trọng điểm còn mỏng, kinh phí và phương tiện cho các lực lượng còn hạn chế, sự tinh vi của tội phạm buôn lậu, đã gây không ít khó khăn cho công tác phòng chống buôn lậu. Tuy nhiên Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đánh giá cao kết quả đạt được của các lực lượng chức năng trong công tác phòng chống buôn lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng và gian lận thương mại trong thời gian qua.
Đăng Linh
;