Tọa đàm về quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Thứ Sáu, 20/12/2013, 14:47 [GMT+7]
Ngày 17-12, Cục Bồi thường nhà nước đã phối hợp với Vụ Hợp tác quốc tế và tổ chức JICA - Nhật Bản tổ chức Toạ đàm về những hạn chế, vướng mắc trong các quy định của Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và kiến nghị các giải pháp sửa đổi, bổ sung.
Các đại biểu tham dự buổi Tọa đàm đã thống nhất đánh giá tình hình triển khai thi hành Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong gần 04 năm ở Bộ, ngành, địa phương đã đạt được những mục tiêu cơ bản của Luật là tạo cơ chế thuận lợi giúp cho người bị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu bồi thường do hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây ra; bằng sự tác động của Luật, đội ngũ cán bộ, công chức đã từng bước nâng cao ý thức, trách nhiệm trong thi hành công vụ, nhiệm vụ, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của bộ máy nhà nước. 
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Quang cảnh buổi Tọa đàm
Bên cạnh những kết quả đạt được, các đại biểu cũng trao đổi, thảo luận, phân tích sâu sắc nhiều nội dung về những hạn chế, vướng mắc trong các quy định của pháp luật về trách nhiệm bồi thường của Nhà nước đã bộc lộ trong quá trình triển khai thi hành. Các ý kiến của đại biểu tham dự tập trung vào các nhóm nội dung sau:
Thứ nhất, về phạm vi trách nhiệm bồi thường: Việc quy định phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính tại Điều 13 Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với sự phát triển của các quan hệ xã hội và đồng bộ với sự thay đổi của hệ thống pháp luật có liên quan đến trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thứ hai, về thời hiệu yêu cầu bồi thường, cần phải sửa đổi quy định về thời hiệu yêu cầu bồi thường cho thống nhất với quy định của pháp luật có liên quan.
Thứ ba, về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường: cần xem xét, nghiên cứu để sửa đổi quy định về căn cứ phát sinh trách nhiệm bồi thường của Nhà nước, nhằm tạo điều kiện cho người thị thiệt hại thực hiện quyền yêu cầu của mình cũng là nhằm bảo đảm nguyên tắc bình đẳng trong quan hệ giữa nhà nước và công dân.
Thứ tư, về thiệt hại được bồi thường, cần nghiên cứu làm rõ các thiệt hại để quy định, tránh bỏ sót thiệt hại chính đáng cho cá nhân, tổ chức bị thiệt hại.
Thứ năm, về mô hình cơ quan giải quyết bồi thường: phải có một cơ quan chuyên trách có đủ trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ  thay mặt Nhà nước để giải quyết bồi thường, đảm bảo việc giải quyết bồi thường được kịp thời, đúng pháp luật, bảo đảm lợi ích của Nhà nước.
Thứ sáu, về mô hình quản lý và cấp phát kinh phí: cần phải sửa đổi, bổ sung quy định này theo hướng giao nhiệm vụ lập dự toán ngân sách và cấp kinh phí thực hiện trách nhiệm bồi thường của nhà nước cho từng Bộ, ngành quản lý (ở Trung ương) và cho Sở Tài chính (cấp tỉnh) và Phòng Tài chính – Kế hoạch (cấp huyện) quản lý.
Thứ bảy, quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ: cần phải sửa đổi quy định về trách nhiệm hoàn trả trong Luật trách nhiệm bồi thường của Nhà nước.
Thứ tám, về thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường: nghiên cứu bổ sung quy định về thanh tra, kiểm tra công tác bồi thường nhà nước.
                                                                           Hoàng Thùy Linh
;
.