Tọa đàm bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo Hiến pháp

Thứ Ba, 10/12/2013, 11:10 [GMT+7]

Sáng 9-12-2013, tại Hà Nội, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo nhân quyền của Chính phủ phối hợp với Báo Quân đội nhân dân tổ chức Tọa đàm “Bảo đảm và thúc đẩy quyền con người theo Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.
Mục đích của buổi Tọa đàm nhằm phân tích rõ vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; qua đó, khẳng định chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước ta về vấn đề quyền con người, thành tựu bảo đảm quyền con người ở Việt Nam trên thực tế; góp phần phản bác những quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc về tình hình nhân quyền ở Việt Nam; đồng thời, đấu tranh với những thế lực muốn lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam.

Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới
Đại biểu Quốc hội nhấn nút biểu quyết thông qua bản Hiến pháp mới

Theo các ý kiến phát biểu của đại biểu, các chuyên gia, các nhà nghiên cứu tại buổi Tọa đàm: Hiến pháp mới đã quy định đầy đủ, đúng đắn hơn về quyền con người, quyền công dân. Dẫn chứng Hiến pháp 1992 chỉ quy định “Các quyền con người… được tôn trọng”, nhưng trong Hiến pháp 2013 đã nêu rõ: “Các quyền con người, quyền công dân… được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”. Trong Hiến pháp năm 1992, mặc dù ghi nhận quyền con người, nhưng các quyền con người lại được thể hiện thông qua các quyền công dân. Điều này dẫn đến rất khó khăn khi cần xác định rõ đâu là quyền con người để thế chế hóa quy định của Hiến pháp cũng như có những biện pháp nhằm bảo đảm để người dân thực hiện quyền của mình. Do đó, để ghi nhận, bảo đảm việc thực hiện quyền con người, quyền công dân cho tương xứng với phạm vi của quyền này, Hiến pháp (sửa đổi) đã quy định rõ đâu là quyền con người, đâu là quyền công dân. Lần đầu tiên quyền con người đã được khẳng định một cách mạnh mẽ, tương đối hoàn thiện về măt nội dung và kỹ thuật lập pháp. So sánh với Hiến pháp năm 1992 sửa đổi, bổ sung năm 2001, quyền con người chỉ được ghi trong Điều 50. Nhưng về mặt kỹ thuật lập pháp, quyền con người đặt ở chương V và quyền con người được đưa vào quyền công dân là không hợp lý vì quyền con người rộng hơn quyền công dân. Đến bản Hiến pháp sửa đổi lần này, tại Chương II đã liệt kê đầy đủ quyền con người về dân sự, chính trị, văn hóa... trong các công ước quốc tế về quyền con người. Trong đó có lưu ý quyền của nhóm người dễ bị tổn thương, người già, phụ nữ, trẻ em… thể hiện hướng phát triển và sự hoàn thiện của Hiến pháp.
Với quy định ở Chương II này, Hiến pháp hoàn toàn phù hợp với luật quốc tế về quyền con người, hoàn toàn phù hợp với quan điểm chính trị của cộng đồng quốc tế.
Liên quan đến quy định quyền con người, quyền công dân chỉ có thể bị hạn chế theo quy định của luật trong trường hợp cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng (khoản 2, Điều 14), các ý kiến phát biểu cho rằng, điều này hoàn toàn phù hợp, tương thích với luật quốc tế về quyền con người.
Thông qua Hiến pháp này đã tạo được môi trường từ thế bị động sang chủ động, thể hiện nhận thức rất cơ bản về nhân quyền mà nhân dân Việt Nam hoàn toàn được hưởng, thể hiện bước chuyển tư duy và hành động và thể hiện đây là giá trị tốt đẹp mà nhân dân ta được hưởng.
Khi sửa đổi Hiến pháp đã đặt vấn đề phải đổi mới tư duy, xem Hiến pháp là một văn bản pháp luật, do đó phải có giá trị thực hiện chứ không phải là một tuyên ngôn. Song, vấn đề quan trọng là cần tuyên truyền để nhân dân nắm được điểm mới, tư duy mới, quyền của mình để giám sát nhà nước thực hiện thông qua cơ chế dân chủ trực tiếp, dân chủ gián tiếp và cán bộ thực thi pháp luật.
Tại buổi Tọa đàm, các diễn giả khác đến từ Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, Viện Khoa học xã hội và nhân văn quân sự, Viện Nghiên cứu quyền con người... đều cho rằng, việc ghi nhận những quyền cơ bản của con người và công dân trong Hiến pháp là việc làm cần thiết, phù hợp với thông lệ quốc tế và thực tiễn lập hiến của Việt Nam; thể chế hóa được chủ trương tôn trọng, bảo vệ quyền con người, quyền công dân của Đảng và Nhà nước ta. Hiến pháp năm 2013 bên cạnh việc kế thừa, đã xác định chính xác, đầy đủ hơn một số quyền con người, quyền công dân; đồng thời cũng đưa ra các quy định nhằm bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền này.
Cùng với việc bổ sung, quy định rõ các quyền con người, quyền công dân như: Quyền sống; quyền được bảo đảm an sinh xã hội; quyền sở hữu tư nhân; quyền xác định dân tộc của mình, sử dụng ngôn ngữ mẹ đẻ, tự do lựa chọn ngôn ngữ giao tiếp,... Hiến pháp lần này đã xác định rõ trách nhiệm của cá nhân, công dân trong việc thực hiện quyền con người, quyền công dân là phải có nghĩa vụ tôn trọng quyền của người khác; không được xâm phạm lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác...

P.V

;
.