Thông cáo phiên họp thứ 23 Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII
Trong 2 ngày 23 và ngày 24/12, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII đã họp phiên thứ 23 tại Hà Nội dưới sự chủ tọa của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng.
Tham dự phiên họp có Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan, đại diện Thường trực Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại diện lãnh đạo Văn phòng Quốc hội và một số bộ, ngành, cơ quan, tổ chức hữu quan.
1. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, đánh giá kết quả kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII; cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII
Trên cơ sở ý kiến của các Đoàn đại biểu Quốc hội, các vị đại biểu Quốc hội, của cử tri, dư luận xã hội, thực tế diễn biến kỳ họp và ý kiến của các cơ quan, tổ chức hữu quan tham dự phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thảo luận và nhất trí cho rằng: Với công tác chuẩn bị nghiêm túc, chu đáo, tinh thần làm việc tích cực, khẩn trương, dân chủ và trách nhiệm cao, kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII đã thành công tốt đẹp, hoàn thành toàn bộ nội dung chương trình đề ra. Đây là kỳ họp có khối lượng công việc lớn, nhiều nội dung quan trọng, nhất là việc Quốc hội thông qua Hiến pháp (sửa đổi) với đa số phiếu tuyệt đối, Luật đất đai (sửa đổi), các nội dung về kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước và các vấn đề về nhân sự…đảm bảo chất lượng, hiệu quả, thu hút sự quan tâm, theo dõi, tạo dấu ấn tốt đẹp, sự tin tưởng, phấn khởi của nhân dân và cử tri cả nước. Ủy ban Thường vụ Quốc hội hoan nghênh các ngành, các cấp, các địa phương và nhân dân cả nước đã góp phần quan trọng để kỳ họp thành công; đồng thời, đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan hữu quan thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả Hiến pháp, các luật, Nghị quyết của Quốc hội vừa được thông qua; tiếp thu, xử lý những vấn đề thuộc trách nhiệm của mình, rút kinh nghiệm, tích cực chuẩn bị tổ chức phục vụ tốt hơn kỳ họp thứ 7 sẽ diễn ra vào trung tuần tháng 5 năm 2014.
Quang cảnh Phiên họp |
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản nhất trí với dự kiến sơ bộ về nội dung, chương trình kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII; đề nghị Văn phòng Quốc hội tiếp thu ý kiến đóng góp tại phiên họp để hoàn chỉnh dự kiến nội dung, chương trình trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp sau.
2. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
Thực hiện Nghị quyết số 64/2013/QH13 của Quốc hội quy định một số điểm thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về Kế hoạch triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và ban hành Nghị quyết ban hành Kế hoạch tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hiện thực hóa các quy định của Hiến pháp vào mọi lĩnh vực của đời sống xã hội; đồng thời, xác định trách nhiệm cụ thể của Quốc hội, Chính phủ, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức trong toàn hệ thống chính trị trong việc tổ chức thi hành Hiến pháp; tuyên truyền, phổ biến sâu rộng nội dung của Hiến pháp đến toàn dân, góp phần nâng cao nhận thức của nhân dân về Hiến pháp, tôn trọng, chấp hành và có ý thức trách nhiệm bảo vệ Hiến pháp và pháp luật. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan, tổ chức hữu quan đã được quy định trong Kế hoạch chủ động xác định cụ thể trách nhiệm của mình và các nội dung, công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành nhằm bảo đảm việc tổ chức triển khai thi hành Hiến pháp được tiến hành kịp thời, đồng bộ, toàn diện, thống nhất và hiệu quả.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã xem xét, thông qua Chương trình công tác năm 2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Ủy ban Thường vụ Quốc hội xác định công tác trọng tâm trong năm 2014 là việc triển khai thi hành Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, ưu tiên chuẩn bị trình Quốc hội sửa đổi, bổ sung những dự án luật quan trọng liên quan đến tổ chức và hoạt động của bộ máy Nhà nước và các luật liên quan trực tiếp đến các nội dung mới của Hiến pháp; chỉ đạo công tác giám sát, đôn đốc việc triển khai thực hiện nghiêm túc các luật, nghị quyết vừa được Quốc hội thông qua; chỉ đạo công tác chuẩn bị để đăng cai tổ chức Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 132 (IPU-132) tại Hà Nội;… Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các vị đại biểu Quốc hội trên cơ sở Chương trình công tác năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã được thông qua chủ động triển khai các công việc thuộc chức năng, nhiệm vụ của mình góp phần triển khai thực hiện nhiệm vụ năm 2014 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội được kịp thời, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả cao.
4. Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổng kết việc thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001
Luật tổ chức Quốc hội được Quốc hội khóa X ban hành ngày 25 tháng 12 năm 2001, được Quốc hội khóa XI sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 02 tháng 4 năm 2007. Sau gần 12 năm thi hành, Luật tổ chức Quốc hội đã có đóng góp quan trọng đối với tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Quốc hội hoạt động ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn, góp phần đưa hoạt động của các cơ quan nhà nước ngày càng gần dân, công khai, minh bạch hơn. Tuy nhiên, thực tiễn thi hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 cũng bộc lộ những hạn chế, bất cập cần sớm nghiên cứu sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp mới và thực tiễn đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội. Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến tập trung về những ưu điểm, hạn chế, bất cập và đề xuất sửa đổi các quy định về các nội dung: tổ chức và hoạt động của Quốc hội; tổ chức và hoạt động của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; tổ chức và hoạt động của các cơ quan của Quốc hội; kỳ họp Quốc hội; đại biểu Quốc hội; bộ máy giúp việc; …
Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Văn phòng Quốc hội tiếp thu, hoàn chỉnh Báo cáo để gửi Ban soạn thảo Luật tổ chức Quốc hội khẩn trương hoàn thiện Báo cáo tổng kết chung về Luật tổ chức Quốc hội và sửa đổi, bổ sung Luật này.
5. Cũng tại phiên họp này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh cảnh sát cơ động. Đồng thời, cho ý kiến về Báo cáo kết quả thực hiện hoạt động hợp tác quốc tế năm 2013, phương hướng và dự kiến chương trình hợp tác quốc năm 2014 của các cơ quan của Quốc hội, các Ban, Viện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Văn phòng Quốc hội.
(Theo TTXVN)