Phiên họp thứ ba góp ý Ban soạn thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi)
Ngày 10-12, Viện kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức phiên họp thứ ba, góp ý cho Ban soạn thảo Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì phiên họp. Cùng dự có các đồng chí lãnh đạo Viện kiểm sát nhân dân tối cao; đại biểu Ủy ban tư pháp của Quốc hội, Ủy ban Trung ương mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Hội luật gia Việt Nam, Bộ Công an, Viện khoa học xét xử Tòa án nhân dân tối cao, Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Vụ Pháp chế Bộ Nội vụ, Viện kiểm sát quân sự trung ương và thành viên tổ biên tập Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Phát biểu khai mạc phiên họp, đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao nhấn mạnh, việc xây dựng Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) là mục tiêu nhằm cụ thể hóa các quy định về Viện kiểm sát nhân dân trong Hiến pháp 1992 (sửa đổi, bổ sung); tạo cơ sở pháp lý cho tổ chức hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo yêu cầu cải cách tư pháp; bảo đảm thiết chế Viện kiểm sát nhân dân có đủ năng lực, đáp ứng yêu cầu đấu tranh có hiệu quả với tội phạm và vi phạm pháp luật trong tình hình mới.
Đồng chí Nguyễn Hòa Bình, Ủy viên Trung ương Đảng, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao phát biểu khai mạc phiên họp. |
Theo đồng chí Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, yêu cầu sửa đổi, bổ sung, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân là xuất phát từ đặc điểm cụ thể về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hóa của nước ta, bảo đảm lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự giám sát chặt chẽ của các cơ quan dân cử và nhân dân; đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của pháp luật, trên cơ sở phù hợp Hiến pháp, với các luật, pháp lệnh của Quốc hội; phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam ký kết hoặc tham gia liên quan đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát; tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố, kiểm sát của các nước trên thế giới và trong khu vực, phù hợp với truyền thống văn hóa, điều kiện chính trị, kinh tế, xã hội của nước ta.
Phiên họp đã thông qua nội dung cơ bản Tờ trình Dự thảo thứ 3 Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) và những vấn đề còn có ý kiến khác nhau trong Dự thảo. Dự thảo gồm 7 chương, 14 mục, 112 điều. So với Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002, Dự thảo giảm 4 chương, nhưng tăng thêm 62 điều luật (trong đó, sửa đổi 78 điều, bổ sung 34 điều mới, không có điều nào được giữ nguyên gồm: Những Quy định chung; Tổ chức của Viện kiểm sát nhân dân; Công tác thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân; cán bộ, công chức, viên chức Viện kiểm sát nhân dân; Viện kiểm sát quân sự; bảo đảm hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân; điều khoản thi hành. Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) lần này đã quán triệt được các Nghị quyết, văn kiện của Đảng, đặc biệt là Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 02/01/2002 của Bộ Chính trị “Về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp trong thời gian tới”, Nghị quyết số 48-NQ/TW ngày 24/5/2005 của Bộ Chính trị “Về chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật ở Việt Nam đến năm 2010, định hướng đến năm 2020”, Nghị quyết số 49-NQ/TW ngày 02/6/2005 của Bộ Chính trị “Về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020”; Kết luật số 79-KL/TW ngày 28/7/2010 của Bộ Chính trị về “Đề án đổi mới tổ chức và hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát và Cơ quan điều tra theo Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020” và văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng.
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Phiên họp thống nhất về Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) phải dựa trên cơ sở tổng kết những vấn đề lý luận và thực tiễn tổ chức và hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân theo quy định của Hiến pháp, Luật tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2002 và các văn bản khác có liên quan từ trước đến nay; bảo đảm kế thừa truyền thống, kinh nghiệm tổ chức và hoạt động của cơ quan công tố, kiểm sát của Nhà nước ta trong 60 năm qua; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thi hành luật tạo điều kiện để Viện kiểm sát nhân dân hoàn thành tốt chức năng thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp, góp phần tích cực trong đấu tranh, phòng chống tội phạm, giữ vững an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội thời gian tới.
Vân Anh
(Đài Truyền hình VN)