Hội thảo Một số nội dung cơ bản của dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi)

Thứ Ba, 24/12/2013, 15:18 [GMT+7]
Ngày 23-24.12, tại tỉnh Thanh Hóa, Ủy ban Tư pháp của Quốc hội đã tổ chức Hội thảo một số nội dung cơ bản của dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi). Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Văn Hiện chủ trì Hội thảo. 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
Luật tòa án nhân dân được Quốc hội Khóa X thông qua năm 1992 và được sửa đổi bổ sung năm 2002. Thực hiện các quy định của Luật, hệ thống Tòa án nhân dân các cấp từng bước được hoàn thiện cả về tổ chức và hoạt động, phù hợp với tình hình phát triển của đất nước. Từ năm 1960 đến nay, hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức theo địa giới hành chính, gồm Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân cấp tỉnh và Tòa án nhân dân tối cao. Bên cạnh ưu điểm là bảo đảm cho công tác xét xử bám sát nhiệm vụ chính trị của các địa phương, bổ trợ tư pháp của địa phương, thì việc tổ chức Tòa án nhân dân theo địa hạt hành chính cũng bộc lộ một số hạn chế như: chưa phát huy tính độc lập của Tòa án; quy định hiện hành về thẩm quyền Tòa án chưa hợp lý, chưa thể hiện rõ nguyên tắc hai cấp xét xử và chưa tạo điều kiện cho các Tòa án, đặc biệt là Tòa án nhân dân tối cao, thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ.
 
Các ý kiến tham luận và phát biểu tại Hội thảo thống nhất cho rằng, cần sửa đổi lại mô hình tổ chức Tòa án theo địa giới hành chính trong Luật tổ chức Tòa án nhân dân. Bởi lẽ, trong quy định hiện hành, thẩm quyền của Tòa án đang được xác định vừa theo lãnh thổ, vừa theo tính chất các vụ việc. Cụ thể, Tòa án cấp huyện có thẩm quyền xét xử sơ thẩm; các Tòa án cấp trên đều có thẩm quyền xét xử hỗn hợp, vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm như Tòa án nhân dân tối cao; hoặc có đầy đủ cả ba thẩm quyền xét xử theo trình tự giải quyết một vụ án là vừa sơ thẩm, vừa phúc thẩm, vừa giám đốc thẩm, tái thẩm như thẩm quyền tại Tòa án cấp tỉnh. Điều này chưa thể hiện đúng tính chất hoạt động, vai trò, vị trí của Tòa án. Đối với Tòa án nhân dân tối cao, khi thực hiện thẩm quyền giải quyết, xét xử phúc thẩm đối với các bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án cấp tỉnh bị kháng cáo, kháng nghị, cũng có những bản án, quyết định phúc thẩm của các Tòa phúc thẩm thuộc Tòa án nhân dân tối cao đã bị kháng nghị và bị hủy bởi chính Tòa án nhân dân tối cao. Quy định này không phù hợp với quy định Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan xét xử cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam theo Hiến pháp (sửa đổi).
                                                                                       Vũ Huệ
;
.