Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiếp công dân

Thứ Hai, 30/12/2013, 15:13 [GMT+7]
Vừa qua, tại Quảng Ninh, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật tiếp công dân với sự tham gia của một số bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc.
Dự thảo Nghị định gồm 6 chương, 23 điều. Dự thảo quy định các điều của Luật tiếp công dân như: Việc tiếp công dân tại các cơ quan thuộc Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; nhiệm vụ quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Ban tiếp công dân, việc bố trí cơ sở vật chất của Trụ sở tiếp công dân; quy chế hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân; việc bố trí cơ sở vật chất của địa điểm tiếp công dân; chế độ, bồi dưỡng tiếp công dân và chế độ khác của người tiếp công dân. 
Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo
Theo Dự thảo, ở Trung ương, cấp tỉnh phải có Trụ sở tiếp công dân riêng; phải bố trí phòng làm việc của Ban Tiếp công dân, đại diện của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân thường xuyên tại Trụ sở. Tại cấp huyện, Trụ sở tiếp công dân phải có đủ phòng làm việc để phục vụ việc đón, tiếp công dân. Ngoài ra, Trụ sở tiếp công dân các cấp được trang bị máy ghi âm, máy ảnh và điều kiện cần thiết khác cho việc tiếp công dân.
Ban Tiếp công dân có quyền yêu cầu cơ quan, tổ chức, đơn vị có thẩm quyền giải quyết kịp thời, đúng thời hạn quy định đối với các vụ việc do Trụ sở tiếp công dân chuyển đến. Trường hợp đã yêu cầu nhưng vụ việc chậm được giải quyết hoặc không được giải quyết, thì Trưởng Ban Tiếp công dân báo cáo Tổng Thanh tra, Chủ tịch UBND cùng cấp để quyết định việc chủ trì hoặc phối hợp với cơ quan thanh tra, cơ quan có liên quan tổ chức việc kiểm tra cơ quan, tổ chức, đơn vị có trách nhiệm giải quyết vụ việc để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của người có liên quan.
Lịch tiếp công dân của cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân phải thực hiện theo quy định và được công bố công khai. Đồng thời, cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở phải bố trí người có năng lực, trình độ, sức khỏe phù hợp để làm nhiệm vụ tiếp công dân thường xuyên.
Các ý kiến phát biểu và tham luận tại Hội thảo tập trung vào các nội dung như: Quy định về tiếp công dân tại các cơ quan của Chính phủ, đơn vị sự nghiệp công lập; nhiệm vụ quyền hạn của Ban Tiếp công dân; việc phối hợp, trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức tham gia tiếp công dân tại Trụ sở; quy định về chế độ, chính sách đối với công tác tiếp công dân, xử lý đơn thư.
Quốc hội đã thông qua Luật tiếp công dân và sẽ có hiệu lực từ ngày 1-7-2014. Nhằm đưa Luật tiếp công dân vào cuộc sống, đem lại hiệu quả trong thực tiễn. Hội thảo lần này có ý nghĩa quan trọng nhằm tiếp thu ý kiến của các bộ, ngành, địa phương trước khi hoàn thiện Dự thảo lần cuối trình xem xét, ban hành theo đúng tiến độ đề ra.                                                                                            
P.V
;
.