Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư Hướng dẫn quy trình tiến hành thanh tra
Thứ Sáu, 20/12/2013, 13:39 [GMT+7]
Ngày 19-12, tại thành phố Hải Phòng, Thanh tra Chính phủ đã tổ chức Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Thông tư Hướng dẫn quy trình tiến hành một cuộc thanh tra và Thông tư liên tịch Hướng dẫn phong tỏa tài khoản của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Dự Hội thảo có đại diện cán bộ các cục, vụ, đơn vị thuộc Thanh tra Chính phủ cùng đại diện thanh tra các bộ, ngành, địa phương khu vực phía Bắc.
Quang cảnh buổi Hội thảo |
Tại Hội thảo, đại diện Tổ Biên tập trình bày dự thảo Thông tư quy định Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra và Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra. Theo đó, Thông tư quy định Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra được dự thảo gồm có 3 chương, 42 điều. Cụ thể, Chương I: Những quy định chung; Chương II: Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra; Chương III: Tổ chức thực hiện. Về phần Thông tư liên tịch Hướng dẫn việc phong tỏa tài khoản của đối tượng thanh tra gồm có 3 chương, 13 điều. Cụ thể, Chương I: Quy định chung; Chương II: Thẩm quyền, căn cứ, thủ tục phong tỏa tài khoản, hủy bỏ quyết định phong tỏa tài khoản; Chương III: Tổ chức thực hiện.
Tại Điều 23, Thông tư quy định Quy trình tiến hành một cuộc thanh tra có quy định về việc tổ chức nghe ý kiến phản ánh của quần chúng và báo chí, đây là điểm mới, được nhiều đại biểu chú ý với 3 khoản. Khoản 1: Việc tổ chức lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng và báo chí được thực hiện theo quy định của Luật Khiếu nại, Luật tố cáo, Luật báo chí. Trưởng đoàn thanh tra và thành viên Đoàn thanh tra phải phát huy quyền dân chủ và thực hiện đúng thủ tục hành chính, có ghi biên bản và lấy chữ ký xác nhận của người đã tham gia ý kiến; Khoản 2: Việc tổ chức lắng nghe ý kiến phản ánh của quần chúng trong phạm vi đơn vị là đối tượng thanh tra cần tập trung vào những nội dung liên quan đến cuộc thanh tra và bảo vệ người phản ánh theo quy định của Luật tố cáo; Khoản 3: Đối với những thông tin do báo chí nêu có liên quan đến nội dung thanh tra, Trưởng đoàn thanh tra tổ chức gặp gỡ, trao đổi với báo chí nhằm làm rõ nguồn thông tin; những căn cứ để chứng minh vấn đề báo chí đã nêu.
Các ý kiến phát biểu và tham luận của đại biểu tham dự Hội thảo thống nhất việc xây dựng Thông tư và mong muốn 2 Thông tư nhanh chóng được ban hành để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn đối với công tác thanh tra hiện nay. Các ý kiến đóng góp cho nội dung dự thảo đối với 2 Thông tư chủ yếu xoay quanh một số vấn đề như: Việc bổ sung sửa đổi kế hoạch thanh tra có sự trùng nhau về nghĩa; Việc thay đổi trưởng đoàn thanh tra; Việc ghi nhật ký đoàn thanh tra; Ký các biên bản trong quá trình thanh tra không nên quy định cứng cho trưởng đoàn thanh tra, khi cần thiết có thể ủy quyền cho phó đoàn ký biên bản. Việc phong tỏa tài khoản phải căn cứ vào phạm vi thẩm quyền của người ra quyết định thanh tra hoặc trưởng đoàn thanh tra; Những căn cứ để phong tỏa tài khoản; Về đối tượng áp dụng của Thông tư; Giải thích từ ngữ về giai đoạn kết thúc cuộc thanh tra.
Hồng Hạnh
;