Hội thảo "Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về hệ thống chế tài, tập trung vào thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình"
Ngày 12 và 13-12-2013, Bộ Tư pháp phối hợp với Chương trình phát triển Liên hợp quốc tổ chức Hội thảo “Hoàn thiện quy định của Bộ luật hình sự về hệ thống chế tài, tập trung vào thu hẹp phạm vi áp dụng hình phạt tử hình”. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ kế hoạch hoạt động của Dự án tăng cường tiếp cận công lý và bảo vệ quyền tại Việt Nam.
Chủ trì Hội thảo có đại diện Bộ Tư pháp và ông Scott Ciment, Cố vấn chính sách về pháp quyền, tiếp cận công lý và xã hội dân sự, UNDP. Các đại biểu Ban Nội chính Trung ương, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Trường Đại học Luật Hà Nội, Khoa Luật Trường Đại học Quốc gia Hà Nội, Sở Tư pháp một số địa phương và một số chuyên gia quốc tế tham dự Hội thảo.
Hình phạt là biện pháp cưỡng chế nghiêm khắc nhất của Nhà nước nhằm tước bỏ hoặc hạn chế quyền, lợi ích của người phạm tội. Mục đích của hình phạt không chỉ nhằm trừng trị người phạm tội mà còn giáo dục họ trở thành người có ích cho xã hội, có ý thức tuân theo pháp luật và các quy tắc của cuộc sống xã hội chủ nghĩa, ngăn ngừa họ phạm tội mới. Tuy nhiên, thực tiễn đấu tranh phòng, chống tội phạm cho thấy hệ thống hình phạt quy định tại Bộ luật hình sự hiện hành còn nhiều bất cập: phạm vi áp dụng hình phạt tù quá rộng; phạm vi áp dụng các hình phạt không mang tính giam giữ còn hạn chế; hình phạt tử hình còn duy trì với nhiều loại tội phạm và chưa phù hợp với xu hướng loại bỏ hình phạt tử hình ra khỏi hệ thống chế tài hình sự trên thế giới... Do vậy, việc rà soát, đánh giá hệ thống hình phạt và đề xuất hoàn thiện hệ thống chế tài hình sự hiện hành, đặc biệt giảm hình phạt tử hình là cần thiết trong bối cảnh hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo |
Tại Hội thảo, ông Hoàng Anh Tuyên, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã trình bày Báo cáo đánh giá hệ thống chế tài hình sự hiện hành và một số kiến nghị hoàn thiện. Các chuyên gia quốc tế và một số chuyên gia trong nước đã trình bày tham luận và góp ý vào Báo cáo như: Pháp luật quốc tế về hệ thống chế tài hình sự và khuyến nghị đối với Việt Nam; Pháp luật quốc tế và một số nước về hình phạt tử hình, khuyến nghị đối với Việt Nam; Đánh giá pháp luật hiện hành quy định về tổng hợp hình phạt, miễn, giảm hình phạt và một số kiến nghị hoàn thiện.
Góp phần hoàn thiện pháp luật về hệ thống hình phạt, sau khi phân tích hệ thống hình phạt của Bộ luật hình sự Việt Nam và so sánh, đánh giá mức độ tương thích với Công ước quốc tế về áp dụng chế tài xử lý đối với người phạm tội, Báo cáo nghiên cứu đã đưa ra một số đề xuất, kiến nghị:
(1) Về hệ thống hình phạt: Tiếp tục duy trì hệ thống hình phạt hiện hành, đồng thời áp dụng cụ thể điều kiện áp dụng từng loại hình phạt và mở rộng cơ hội áp dụng các chế tài không giam giữ; nghiên cứu bổ sung hình phạt lao động công ích vào hệ thống hình phạt. Mở rộng khả năng áp dụng hình phạt tiền, đặc biệt đối với những tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, môi trường. Cân nhắc chỉ giữ lại hình phạt tử hình đối với một số ít loại tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Xem xét mở rộng khả năng áp dụng hình phạt cảnh cáo đối với người chưa thành niên phạm tội hoặc với người phạm tội nghiêm trọng thuộc trường hợp chưa gây hậu quả hoặc gây thiệt hại không lớn hoặc đã khắc phục phần lớn thiệt hại và được người bị hại xin giảm nhẹ. Mở rộng khả năng áp dụng hình phạt cải tạo không giam giữ đối với một số loại tội cũng như đối với một số loại chủ thể. Quy định cụ thể điều kiện áp dụng hình phạt trục xuất khi trục xuất là hình phạt chính (độ tuổi, loại tội); bổ sung quy định về xóa án tích đối với người bị kết án phạt trục xuất. Tăng mức phạt tù tối thiểu từ 3 tháng lên 6 tháng. Bổ sung quy định cụ thể về các điều kiện để được giảm nhẹ hình phạt tù chung thân tại Điều 34 Bộ luật hình sự. Thu hẹp dần phạm vi áp dụng hình phạt tử hình, chỉ nên áp dụng đối với một số ít trường hợp phạm tội đặc biệt nghiêm trọng xâm phạm tính mạng và nhân phẩm con người, xâm phạm an ninh quốc gia, đe dọa an ninh thế giới, đe dọa nghiêm trọng sự phát triển của giống nòi và an ninh trật tự (sản xuất, mua bán các chất ma túy).
(2) Về miễn, giảm, tổng hợp hình phạt: Sửa đổi, bổ sung các điều 57, 58 của Bộ luật hình sự theo hướng đối với trường hợp người bị kết án bị mắc bệnh hiểm nghèo và không còn nguy hiểm cho xã hội nữa được miễn chấp hành toàn bộ hình phạt. Còn đối với người bị kết án đã lập công thì được ưu tiên xét giảm ngay và với mức giảm cao hơn. Bổ sung chế định tha tù trước thời hạn có điều kiện. Quy định cơ chế miễn chấp hành toàn bộ hoặc giảm thời hạn chấp hành biện pháp tư pháp giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào trường giáo dưỡng đối với người chưa thành niên.
Góp ý vào Báo cáo nghiên cứu, nhiều đại biểu cho rằng Báo cáo đã được chuẩn bị công phu, chi tiết, đã phân tích và chỉ ra những hạn chế, bất cập của hệ thống chế tài hình sự hiện hành; tuy nhiên, cần có thêm cơ sở thực tiễn cho việc xây dựng Báo cáo, nhất là tổ chức thêm việc khảo sát, thu thập số liệu, phỏng vấn để ghi nhận quan điểm của người trong cuộc, nghiên cứu sâu hơn các quy định về chế tài hình sự của các nước trên thế giới, đặc biệt là những nước có điều kiện kinh tế - xã hội tương đồng với Việt Nam.
Phương Thảo
(Ban Nội chính Trung ương)