Giao lưu trực tuyến Một số vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo

Thứ Hai, 23/12/2013, 14:29 [GMT+7]
Dự kiến ngày 27-12-2013, Thanh tra Chính phủ sẽ tổ chức Chương trình Giao lưu trực tuyến Một số vấn đề liên quan đến giải quyết khiếu nại, tố cáo với sự tham dự của Lãnh đạo Thanh tra Chính phủ; các Cục, Vụ, đơn vị Thanh tra Chính phủ; thanh tra một số tỉnh, thành phố…
Nội dung của buổi Giao lưu trực tuyến tập trung vào những vấn đề về khiếu nại và giải quyết khiếu nại như: các trường hợp đơn khiếu nại không được thụ lý, giải quyết; trình tự, thủ tục giải quyết khiếu nại; thẩm quyền giải quyết khiếu nại; thời hạn thụ lý giải quyết khiếu nại; vấn đề đình chỉ việc giải quyết khiếu nại; việc xử lý hành vi vi phạm pháp luật khiếu nại…; Những vấn đề về tố cáo và giải quyết tố cáo như: có xem xét tố cáo nặc danh, mạo danh; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo về bảo vệ, khen thưởng người tố cáo; việc công khai kết quả giải quyết tố cáo.
Luật khiếu nại, Luật tố cáo được Quốc hội thông qua ngày 11-11-2011 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01-7-2012. Ngay sau khi Luật  khiếu nại, Luật tố cáo có hiệu lực, cùng với các Nghị định số 75/2012/NĐ-CP, Nghị định 76/2012/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật khiếu nại, Luật tố cáo được xây dựng và ban hành, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về khiếu nại, tố cáo và giải quyết khiếu nại, tố cáo đã được hình thành thống nhất, đồng bộ, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về giải quyết khiếu nại, tố cáo nói riêng cũng như hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam theo định hướng xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa nói chung. 
Luật khiếu nại 2011 đã quy định rõ trách nhiệm của Thủ trưởng cơ quan hành chính nhà nước, các cán bộ, công chức trong quá trình giải quyết khiếu nại. Điều này góp phần quan trọng vào việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan, tổ chức. Bên cạnh đó, Luật khiếu nại quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của người khiếu nại, người bị khiếu nại, người giải quyết khiếu nại, luật sư… Các quy định này góp phần nâng cao nhận thức của xã hội, ý thức trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc giải quyết khiếu nại, việc thực hiện quyền khiếu nại, đồng thời thực hiện trách nhiệm và nghĩa vụ theo luật định nhằm góp phần giải quyết khiếu nại có hiệu quả.
Luật tố cáo cũng được xây dựng với những quy định rõ hơn về quyền, nghĩa vụ của người tố cáo, người bị tố cáo; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền trong việc tiếp nhận, giải quyết tố cáo; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm pháp luật của cán bộ, công chức trong việc thực hiện nhiệm vụ, công vụ; thẩm quyền, trình tự, thủ tục giải quyết tố cáo đối với hành vi vi phạm các quy định của pháp luật về quản lý nhà nước; vấn đề bảo vệ người tố cáo; quản lý về công tác giải quyết tố cáo; giám sát công tác giải quyết tố cáo. Việc xây dựng và ban hành Luật Tố cáo không chỉ góp phần khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác tiếp nhận, giải quyết và xử lý tố cáo mà còn từng bước nâng cao hiệu quả việc thực hiện pháp luật về tố cáo và giải quyết tố cáo, bảo đảm hiệu quả giải quyết các vụ việc tố cáo và củng cố lòng tin của nhân dân vào các cơ quan nhà nước...
Đây sẽ là diễn đàn để thanh tra các tỉnh, thành phố cùng thảo luận, trao đổi, phổ biến những kinh nghiệm, những cách làm hiệu quả và những vấn đề còn khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn triển khai thực hiện các quy định pháp luật về khiếu nại, tố cáo. 
                                                                                           Hồng Sơn
;
.