Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ làm việc tại Lai Châu
Thứ Tư, 25/12/2013, 16:04 [GMT+7]
Ngày 24-12, Đoàn công tác của Thanh tra Chính phủ do đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ làm Trưởng đoàn đã có buổi làm việc với UBND tỉnh Lai Châu.
Tại buổi làm việc, đại diện Thanh tra tỉnh Lai Châu đã báo cáo Đoàn công tác về kết quả công tác thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và phòng, chống tham nhũng năm 2013. Theo đó, năm qua, các ngành trong tỉnh đã triển khai 71 cuộc thanh tra hành chính; 144 cuộc thanh, kiểm tra chuyên ngành gần 1.200 tổ chức, cá nhân; 34 cuộc thanh tra trách nhiệm tại 57 đơn vị thuộc các lĩnh vực: Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước; kinh doanh dược, mỹ phẩm, xăng dầu; đầu tư xây dựng cơ bản; dự án phát triển cây cao su; nguồn vốn chương trình 30a; chương trình 135 giai đoạn 2 của Chính phủ....
Quang cảnh buổi làm việc |
Qua thanh tra, đã phát hiện và xử lý các tổ chức, cá nhân có hành vi sai phạm, góp phần giúp cấp ủy, chính quyền các địa phương kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những bất cập trong công tác quản lý; thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, góp phần phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Cùng với đó, các cấp, ngành tỉnh đã tiếp 1.310 lượt công dân phản ánh; tiếp nhận, phân loại trên 1.100 đơn thư các loại, giảm 305 đơn so với năm 2012. Công tác phòng chống tham nhũng, xây dựng ngành thanh tra, cải cách hành chính và hưởng ứng, tham gia các phong trào thi đua, đặc biệt là thực hiện học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh được quan tâm đẩy mạnh. Trong 2 năm (2012 – 2013), toàn ngành Thanh tra tỉnh không có cán bộ, công chức vi phạm trong thực hiện nhiệm vụ, công vụ.
Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Nguyễn Đức Hạnh, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ đề nghị công tác thanh tra phải tập trung đúng trọng tâm, trọng điểm; đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước và nhân dân; tuyên truyền, vận động gắn với giáo dục pháp luật cho người dân. Lai Châu cần tổ chức đánh giá 5 năm thực hiện các thông báo, chỉ thị của Trung ương (TW) về Tăng cường kiểm tra giám sát hoạt động của các cơ quan nhà nước; đưa Luật tiếp công dân và các Nghị định dưới Luật vào trong đời sống; quan tâm đến thanh tra trách nhiệm của thủ trưởng cơ quan hành chính liên quan đến giải quyết đơn thư, khiếu nại của công dân, hạn chế đơn thư vượt cấp. Thanh tra các vấn đề kinh tế xã hội cần phải có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào những lĩnh vực dễ xảy ra sai sót, tiêu cực, tham nhũng như: đất đai, khoáng sản, quản lý tài sản công. Đặc biệt chú trọng đến công tác phòng, chống tham nhũng.
Lương Thủy
;