Quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng dịch vụ an sinh
Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, ngày 31-10, các đại biểu Quốc hội thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2013, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2014; kết quả thực hiện Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm (2011-2015): kết quả thực hiện từ năm 2011 đến nay và phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế-xã hội đến hết năm 2015.
* Tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát
Qua thảo luận, nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với nhận định trong Báo cáo của Chính phủ cũng như Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội. Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng với sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và c ơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội”. Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy giảm, kinh tế trong nước gặp nhiều khó khăn và phải tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội và quốc phòng an ninh, đạt được kết quả nêu trên là cố gắng lớn của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến |
Bên cạnh việc nhấn mạnh các kết quả đã được, nhiều đại biểu Quốc hội đã đi sâu phân tích về những mặt còn hạn chế, yếu kém. Đó là kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát nhưng chưa vững chắc. Sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn. Nợ xấu còn cao; số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn; tăng trưởng GDP chưa đạt kế hoạch (5,4% so với kế hoạch 5,5%). Tái cơ cấu kinh tế, chuyển đổi mô hình tăng trưởng còn chậm so với yêu cầu. Triển khai thực hiện 3 đột phá chiến lược còn chậm. Cải cách thể chế chưa đồng bộ, chưa có cơ chế chính sách đột phá thúc đẩy phát triển. Nhiều ý kiến cũng đánh giá lĩnh vực văn hoá, xã hội còn nhiều hạn chế, yếu kém. Giải quyết việc làm chưa đạt kế hoạch. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn cao, nhất là vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Khoảng cách giàu - nghèo còn lớn. Chăm sóc và bảo vệ sức khỏe nhân dân nhiều mặt còn hạn chế, một số vụ việc gây bức xúc trong xã hội. Việc khắc phục tình trạng quá tải bệnh viện còn chậm....
Các ý kiến cơ bản tán thành với mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp phát triển kinh tế xã hội năm 2014-2015, trong đó tiếp tục thực hiện ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; phục hồi tăng trưởng và nâng cao chất lượng hiệu quả sức cạnh tranh; đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược, tái cơ cấu nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng. Bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội, cải thiện đời sống nhân dân...
* Làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước trong thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội
Đại biểu Trần Du Lịch (TP Hồ Chí Minh) đánh giá thành công nổi bật nhất của năm 2013 là kinh tế đang có dấu hiệu phục hồi, kiểm soát được lạm phát… Tuy nhiên đại biểu cũng nêu sự lo lắng vì nền kinh tế có phục hồi tuy chậm và kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng niềm tin thị trường chưa phục hồi. Thể hiện cụ thể là nhiều doanh nghiệp chưa mặn mà vay vốn để đầu tư sản xuất kinh doanh, tâm lý làm ăn cầm chừng, trông ngóng; thâm hụt ngân sách và nợ phải trả bị dồn toa do nhiều năm gần đây vay trung hạn…
Thể hiện sự tán thành cao với phương hướng, nhiệm vụ Chính phủ đề ra trong năm 2014, đặc biệt là hai chỉ số quan trọng: tăng trưởng GDP khoảng 6% và lạm phát mục tiêu là khoảng 7%, đại biểu Trần Du Lịch nhấn mạnh sự đồng tình với việc chuyển từ kiềm chế lạm phát sang kiểm soát lạm phát mục tiêu. Thống nhất với quan điểm không nóng vội thúc đẩy tăng trưởng để gây lại lạm phát không cần thiết, đại biểu Trần Du Lịch cho rằng, cần thực hiện hai nhóm vấn đề: về chính sách tiền tệ cố gắng xử lý chính sách linh hoạt, mức tăng tín dụng ở khoảng 14%, 18% trong năm 2014, 2015 và tiếp tục nâng lĩnh vực ưu tiên như ngân hàng đã làm. Đại biểu kiến nghị tạo điều kiền để doanh nghiệp vướng nợ nhưng có điều kiện làm ăn trả nợ được vay vốn để tiếp tục sản xuất. Về chính sách tài khóa, trên cơ sở tán thành với các chính sách đang được áp dụng, đại biểu nhấn mạnh tới việc sử dụng nguồn vốn hiệu quả…
Trên cơ sở thống nhất với mục tiêu và giải pháp năm 2014-2015, đại biểu Phạm Quang Khải (Bà Rịa- Vũng Tàu) cho rằng Chính phủ và Quốc hội cần có những giải pháp mạnh mẽ và quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo điều hành. Tán thành mức bội chi ngân sách 2013 là 5,3%, tuy nhiên đại biểu nhấn mạnh tới việc tìm ra các giải pháp khắc phục bội chi trong những năm tiếp theo. Theo đại biểu việc đầu tư cho các công trình trọng điểm cần trình Quốc hội và quá trình triển khai phải có sự giám sát của Thường vụ Quốc hội để đầu tư thực sự đúng mục đích và chống đầu tư dàn trải.
Để đánh giá đúng thực trạng hiện nay, theo đại biểu Trương Văn Vở (Đồng Nai), Chính phủ cần quan tâm bổ sung làm rõ trách nhiệm quản lý Nhà nước của bộ, ngành Trung ương và chính quyền địa phương trong tổ chức thực hiện nhiệm vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn vừa qua. Đại biểu cho rằng, để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong việc thực hiện mục tiêu giải pháp thời gian tới cần nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác lập và thực hiện theo quy hoạch, kế hoạch. Theo đó, Chính phủ phải chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, có lộ trình rõ ràng, hợp lý, khả thi trong tổ chức lập, quản lý theo quy hoạch 3 vùng kinh tế trọng điểm phục vụ yêu cầu tái cơ cấu ngành đến từng địa phương; coi trọng quy hoạch kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế gắn với quy hoạch ngành trong từng địa phương và từng địa phương trong mối liên kết vùng.
* Quan tâm đầu tư nông nghiệp, nông dân, nông thôn
Đại biểu Hoàng Đăng Quang (Quảng Bình) cho rằng tình hình nông nghiệp, nông dân, nông thôn nước ta đang đứng trước thách thức lớn, làm ảnh hưởng đến an ninh nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng giảm từ 3,3% năm 2010 xuống còn 2,8% năm 2013. Thực tế hiện nay khả năng tái sản xuất của nông dân giảm, giá nông sản tăng cao, sức mua thấp, nông dân bỏ hoang đất canh tác xảy ra nhiều… Đại biểu đề nghị Chính phủ, Quốc hội quan tâm tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn; có chính sách khuyến khích nông dân tâm huyết với đồng ruộng, đồng thời đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp, tập trung vào các chính sách, cơ chế tiêu thụ nông sản, kích thích sản xuất, đảm bảo chính sách giá cả hợp lý…
Cùng quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Hùng (Đồng Tháp) nhấn mạnh Đảng, Nhà nước quan tâm đặc biệt đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kịp thời đề ra những chủ trương, chính sách hỗ trợ, chỉ đạo sâu sát và đã đạt nhiều kết quả đáng mừng trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, hai năm qua, đặc biệt trong năm 2013, lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn xuất hiện nhiều khó khăn, đó là tốc độ tăng trưởng giảm dần và đạt thấp; giá cả mặt hàng nông sản chủ lực giảm, tiêu thụ sụt giảm, giá bán thấp hơn giá thành sản xuất… dẫn tới đời sống nông dân ngày càng khó khăn thêm. Trên cơ sở phân tích thực trạng, đại biểu cho rằng tái cơ cấu nông nghiệp là yêu cầu cấp thiết vì nó không chỉ giúp nông nghiệp Việt Nam phát triển bền vững mà còn là động lực nâng cao thu nhập đời sống nông dân.
Để tái cơ cấu nông nghiệp đạt mục tiêu đề ra, đại biểu cho rằng, Chính phủ cần rà soát, điều chỉnh, bổ sung, hoàn thiện cơ chế chính sách đối với nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó, cần tập trung tháo gỡ điểm nghẽn hiện nay là chất lượng các hợp tác xã nông nghiệp và chính sách thu hút đầu tư doanh nghiệp vào nông nghiệp. Theo đại biểu tái cơ cấu nông nghiệp cần dựa vào hợp tác xã và đơn vị tiêu thụ nông sản. Do vậy, Nhà nước nên chuyển dần từ hỗ trợ cho nông dân sang hỗ trợ cho các hợp tác xã để nâng cao hiệu quả sản xuất của hợp tác xã và đa dạng hóa dịch vụ nông nghiệp.
Đối với Hợp tác xã, đại biểu kiến nghị Chính phủ cần ban hành Nghị định riêng về hợp tác xã nông nghiệp trong việc hướng dẫn thi hành Luật Hợp tác xã sửa đổi năm 2012. Trong đó, nhấn mạnh ưu đãi đối với hợp tác xã nông nghiệp; Chính phủ sớm có chính sách hỗ trợ sản xuất gắn với tiêu thụ thông qua xây dựng cánh đồng mẫu lớn; có chính sách hỗ trợ chuyển đổi cây trồng phát triển công nghiệp phụ trợ để từng bước thay thế nhập khẩu...
Nội dung được nhiều đại biểu đề cập trong phiên thảo luận chiều ngày 31-10 là kết quả tái cơ cấu nền kinh tế, đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp và nâng cao chất lượng các dịch vụ an sinh, xã hội, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Cũng tại buổi làm việc chiều nay, một số bộ trưởng, trưởng ngành đã giải trình thêm với đại biểu về những vấn đề xây dựng chính sách, điều hành nền kinh tế.
Đánh giá của các đại biểu trong buổi thảo luận đều ghi nhận: Trong điều kiện kinh tế thế giới và trong nước còn khó khăn nhưng dưới sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2013 là “tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô, lạm phát thấp hơn, tăng trưởng cao hơn năm 2012” và “bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội” với 12/15 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến băn khoăn cho rằng, các chỉ tiêu kinh tế, xã hội đạt thấp. Nền kinh tế nước ta vẫn đang trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục phải đối mặt với áp lực lớn trong ngắn hạn và chưa thể trở lại quỹ đạo tăng trưởng nhanh trong 1-2 năm tới. Tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp so với chỉ tiêu tăng trưởng bình quân theo kế hoạch, trong khi tốc độ tăng trưởng kinh tế của nước ta chậm lại thì một số nước trong khu vực ASEAN đã có sự cải thiện rõ rệt. Một số ý kiến lo lắng trước việc sản xuất nông nghiệp được đánh giá là trụ đỡ của nền kinh tế trong lúc khó khăn, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần từ 3,3% giai đoạn 2006-2010, dự báo chỉ còn 2,81% trong năm 2013.
* Tổng kiểm tra “sức khỏe” doanh nghiệp để kê “thuốc đặc trị”
Nhất trí với báo cáo đánh giá của Chính phủ, song đại biểu Nguyễn Thị Khá (Trà Vinh) chỉ ra một số hạn chế như: Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế còn chậm so với yêu cầu; việc triển khai tái cơ cấu các tổ chức tín dụng chưa đạt yêu cầu đề ra, công tác cải cách hành chính (CCHC) còn hạn chế. Thế mạnh sản xuất nông nghiệp chưa được tận dụng triệt để, tình trạng bị động trong tiêu thụ nông sản vẫn tái diễn, việc áp dụng khoa học công nghệ (KHCN) chưa được đầu tư đồng bộ… đang là những trở ngại của nền kinh tế đất nước. Đại biểu Khá đề nghị, Chính phủ cần huy động mạnh mẽ trí tuệ và sự vào cuộc của các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế và toàn dân trong việc triển khai đề án tái cơ cấu kinh tế. Cần mạnh dạn thực hiện đề án thi tuyển đối với những chức danh Giám đốc, Tổng Giám đốc Tập đoàn, Tổng Công ty thuộc các doanh nghiệp Nhà nước để lựa chọn người có khả năng, xứng đáng và tiến hành ký hợp đồng lao động, ràng buộc trách nhiệm trước pháp luật nếu để xảy ra thất thoát hoặc thua lỗ nhằm đảm bảo công khai, minh bạch, hạn chế tiêu cực, tham nhũng.
Ghi nhận những thành tích trong điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng của Chính phủ, nhưng đại biểu Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) vẫn băn khoăn về kết quả giải quyết nợ xấu. Viện dẫn chỉ có 5 ngân hàng giảm được nợ xấu, các ngân hàng khác vẫn tăng, đặc biệt là nhóm nợ không có khả năng hoàn vốn, đại biểu Đỗ Mạnh Hùng đề nghị Chính phủ báo cáo về kết quả xử lý nợ xấu của Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) mới được thành lập để có cái nhìn toàn diện, thực chất về vấn đề này.
Tán thành mục tiêu tổng quát phát triển kinh tế - xã hội năm 2014 và đề xuất của Chính phủ về việc phát hành trái phiếu Chính phủ (TPCP) song đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh), Bùi Đức Thụ (Lai Châu), Huỳnh Thành (Gia Lai) đề nghị việc sử dụng TPCP không được để lặp lại tình trạng lãng phí, thất thoát như thời gian qua; ưu tiên giải ngân cho các dự án quan trọng, dở dang như dự án Quốc lộ 1A và đường 14, các dự án có tác dụng lớn cho cả vùng và địa phương. Ngoài ra, cần rà soát triệt để nhằm tiết kiệm chi; đặc biệt phải đẩy mạnh CCHC và xử lý nghiêm bộ phận không nhỏ cán bộ, công chức thiếu trách nhiệm trong công tác.
Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) đề nghị, cần mở một đợt tổng kiểm tra “sức khỏe” doanh nghiệp để “kê thuốc” đặc trị, xử lý cụ thể từng loại “bệnh” . Cần ưu tiên hỗ trợ tiếp cận vốn đối với các doanh nghiệp có triển vọng phát triển để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải phóng hàng tồn.
* Nhanh chóng chặn đà suy giảm của sản xuất nông nghiệp
Bày tỏ lo lắng trước việc chỉ số tăng trưởng của ngành nông nghiệp tiếp tục suy giảm và suy giảm nặng trong những năm gần đây, việc xuất hiện tình trạng một bộ phận nông dân bỏ ruộng, bỏ nghề nông, đại biểu Nguyễn Quốc Cường (Bắc Giang) cho rằng, đây là vấn đề “rất không bình thường, cần đặc biệt quan tâm”.
Chỉ rõ một số nguyên nhân của tình trạng này như: Thu nhập của nông dân thấp (hơn 4 triệu đồng/năm); tình trạng phân bón, thuốc trừ sâu giả tràn lan… việc giải quyết, tháo gỡ chậm và kết quả đạt thấp, đại biểu Cường lo ngại: Nếu tình trạng trên tiếp tục xảy ra, thì trong tương lai kinh tế nông nghiệp còn giữ được vai trò trụ đỡ của nền kinh tế? Đại biểu Cường mạnh mẽ đề nghị Quốc hội, Chính phủ có biện pháp tích cực để nhanh chóng chặn đứng đà suy giảm của sản xuất nông nghiệp; tăng mạnh đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và nông dân; nhất là phải đảm bảo các chính sách hỗ trợ nông dân phải đến được với nông dân.
Cũng liên quan đến nội dung này, theo đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ), thời gian qua, việc quy hoạch, tổ chức sản xuất, thu mua và thị trường tiêu thụ các sản phẩm nông sản chưa thực sự gắn kết với nhau, dẫn đến hiệu quả của kinh tế nông nghiệp chưa đạt như mong muốn. Đại biểu đề nghị Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp đẩy mạnh việc thực hiện tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp; đồng thời chỉ đạo các doanh nghiệp ký kết bao tiêu sản phẩm nông nghiệp cho nông dân, nhân rộng trên cả nước mô hình chuỗi giá trị như tại Công ty bảo vệ thực vật An Giang đang được triển khai có hiệu quả.
Báo cáo và giải thích thêm về vấn đề này, theo Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát, nguyên nhân chính là do nguồn lực quan trọng của nông nghiệp trong những năm gần đây có xu hướng giảm, trong đó quan trọng nhất là diện tích đất nông nghiệp, đất lúa giảm; đầu tư của Nhà nước và xã hội vào nông nghiệp tăng chậm. Tăng trưởng của nông nghiệp chủ yếu là tăng năng suất, nhưng lại giảm trừ cho phần mất đi do giảm diện tích, đặc biệt là do hậu quả từ thiên tai.
Cũng theo Bộ trưởng Cao Đức Phát, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng đề án tái cơ cấu ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và đang cùng với các địa phương, các bộ, ngành liên quan để triển khai. Trong đó, nhiệm vụ chính là rà soát lại quy hoạch, xem xét lại cơ cấu ngành nghề, tập trung nhiều hơn phát triển các loại cây, con có khả năng tăng nhanh giá trị gia tăng. Mặt khác, phải điều chỉnh lại cơ cấu đầu tư, điều chỉnh chính sách, kế hoạch và tổ chức nghiên cứu lại công tác khuyến nông cũng như cơ cấu sản xuất, đẩy mạnh việc phát triển các hình thức liên kết và chấn chỉnh hiệu quả quản lý nhà nước.
Ngoài đề án chung thì Bộ cũng đã có kế hoạch phát triển cụ thể cho từng lĩnh vực cũng như từng địa phương. Bộ cũng đã tập trung vào xây dựng Thông tư để hướng dẫn các địa phương cũng như bà con nông dân theo tinh thần giữ đất lúa, nhưng có thể chuyển đổi cơ cấu cây trồng đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn. Bộ cũng cũng đang tích cực điều chỉnh lại việc quản lý kinh doanh và xuất khẩu để tránh tình trạng cạnh tranh, phá giá, làm mất uy tín và ảnh hưởng đến việc tiêu thụ cá tra của nước ta.
Giải trình thêm về việc tiêu thụ lúa, gạo cho nông dân, nhất là khu vực đồng bằng sông Cửu Long, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng cho biết: Chính phủ đã có chỉ đạo rà soát lại quy hoạch khâu tiêu thụ nông sản trên tinh thần tạo điều kiện cho các doanh nghiệp và cả người nông dân tham gia. Với tinh thần đó, mọi thành phần kinh tế trong cả nước đều được tham gia xuất khẩu gạo, nếu đáp ứng các nhu cầu năng lực về tài chính và các quy định khác của Nhà nước.
* Đổi mới đầu tư cho các dịch vụ y tế
Nhiều ý kiến đề nghị Chính phủ triển khai các biện pháp mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Đề cập đến tình trạng quá tải ở bệnh viện công, sự xuống cấp nghiêm trọng về y đức, gây bức xúc xã hội, đại biểu Nguyễn Cao Phúc (Quảng Ngãi) đề nghị Chính phủ xem xét lại cơ chế tài chính đầu tư trong lĩnh vực y tế theo hướng lấy người dân làm trung tâm; đồng thời có chính sách đa dạng hóa dịch vụ y tế để đáp ứng nhu cầu của các tầng lớp trong xã hội, thu hút các nhà đầu tư tích cực đầu tư vào lĩnh vực chăm sóc sức khỏe nhân dân; tạo điều kiện cho người dân có nhiều cơ hội lựa chọn cơ sở chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe.
Liên quan đến mức độ tin cậy của các chỉ số thống kê, theo đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc), nguyên nhân có thể ảnh hưởng đến tính xác thực của các chỉ số này chính là “bệnh thành tích”. Hậu quả của việc công bố số liệu sai thực tế sẽ ảnh hưởng lớn đến việc hoạch định chính sách phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Đại biểu Thủy kiến nghị cơ quan chức năng cần đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra cơ quan, tổ chức cung cấp số liệu không chính xác và có chế tài xử lý, ngăn chặn.
Sáng 1-11, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại hội trường về nội dung quan trọng này.
(Theo TTXVN)