Năm 2013, đã tiết kiệm 3.080 tỷ đồng chi thường xuyên
Theo báo cáo của Chính phủ năm 2013 đã tiết kiệm tối thiểu 20% chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm, xăng dầu. Hạn chế tối đa việc tổ chức hội nghị, hội thảo quốc gia, lễ khởi công, khánh thành, công bố quyết định, các đoàn đi công tác, học tập, khảo sát, tham khảo kinh nghiệm trong nước và nước ngoài, phấn đấu thực hiện tiết kiệm tối thiểu 30% dự toán kinh phí đã bố trí cho những nhiệm vụ chi này.
Cũng trong năm qua, các bộ, ngành, địa phương đã thực hiện tiết kiệm thêm 10% dự toán chi thường xuyên còn lại của 7 tháng cuối năm 2013, với số tiền khoảng 3.080 tỷ đồng (Các bộ, cơ quan Trung ương tiết kiệm thêm khoảng 770 tỷ đồng, các địa phương tiết kiệm thêm khoảng 2.310 tỷ đồng). Khoản tiết kiệm thêm 10% này được giữ lại tại hệ thống Kho bạc Nhà nước, cuối năm 2013, căn cứ vào tình hình thu chi ngân sách nhà nước (NSNN) Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét, quyết định sử dụng cho những nhiệm vụ thực sự cần thiết và bảo đảm hiệu quả.
Trong 7 tháng đầu năm 2013, hệ thống Kho bạc nhà nước đã thực hiện kiểm soát chi ước đạt khoảng 383 nghìn tỷ đồng, bằng khoảng 57% dự toán chi thường xuyên của NSNN năm 2013, qua đó đã phát hiện 36.450 khoản chi chưa chấp hành đúng thủ tục, chế độ quy định, của 16.200 lượt đơn vị, từ chối chưa thanh toán các khoản chi chưa đủ điều kiện chi theo quy định khoảng 663 tỷ đồng.
Trong quản lý chi NSNN cho đầu tư phát triển, Chính phủ tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công, thực hiện các dự án đầu tư và tiến độ giải ngân, nhất là đối với nguồn vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu chính phủ, vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, vốn ODA. Hạn chế việc kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư từ NSNN, vốn trái phiếu chính phủ thuộc kế hoạch năm 2013 sang năm 2014. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp, rà soát lại nhu cầu ứng vốn của các Bộ, ngành, địa phương trên cơ sở các nguyên tắc, tiêu chí cụ thể, bảo đảm việc ứng vốn đúng đối tượng, nâng cao hiệu quả đầu tư.
Công tác thanh tra việc quản lý, sử dụng NSNN đã được các cấp, các ngành, các địa phương tăng cường triển khai thực hiện, góp phần thực hiện mục tiêu chống lãng phí trong chi tiêu ngân sách, tăng cường kỷ luật, kỷ cương tài khóa mà Chính phủ đã đề ra. Trong 6 tháng đầu năm 2013, các cấp, các ngành trong cả nước đã triển khai 1.353 cuộc thanh tra trong lĩnh vực quản lý tài chính, NSNN, qua đó phát hiện và kiến nghị xử lý về tài chính 1.290 tỷ đồng, kiến nghị xử lý hành chính đối với 94 tập thể, 376 cá nhân có vi phạm.
Về quản lý mua sắm tài sản bằng NSNN, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành không bổ sung nguồn kinh phí ngoài dự toán, kể cả nguồn tăng thu ngân sách để mua xe ô tô, phương tiện vận tải. Trường hợp kinh phí mua xe ô tô đã bố trí trong dự toán chi NSNN năm 2013, Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ở Trung ương, Chủ tịch UBND cấp tỉnh xem xét, quyết định cắt giảm hoặc lùi thời gian mua sắm đối với những trường hợp chưa thực sự cấp thiết. Đối với những trường hợp thực sự cấp thiết phải mua sắm thì chỉ sử dụng dự toán chi NSNN năm 2013 còn lại, sau khi đã tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 7 tháng cuối năm 2013. Trong 6 tháng đầu năm 2013, các bộ, ngành, địa phương trong cả nước chỉ mua mới 168 xe ô tô, với nguyên giá 219,3 tỷ đồng (Khối bộ, ngành 45 xe, nguyên giá 66,2 tỷ đồng; khối địa phương 123 xe, nguyên giá 153,1 tỷ đồng).
Trong năm 2013, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã và đang tiến hành kiểm tra, rà soát toàn bộ hồ sơ cấp phép hoạt động khoáng sản trong giai đoạn từ tháng 7-2011 đến tháng 12-2012, theo đó đã xử lý nghiêm các các trường hợp vi phạm đã phát hiện được, bao gồm các tỉnh: Bình Định, Đồng Nai, Hòa Bình, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Quảng Ngãi, Vĩnh Long thực hiện thu hồi 04 Giấy phép thăm dò khoáng sản, 88 Giấy phép khai thác khoáng sản đã cấp không đúng thẩm quyền;
Kiểm điểm và có hình thức xử lý đối với các tổ chức, cá nhân để xảy ra vi phạm trong cấp phép hoạt động khoáng sản; giải quyết các thiệt hại cho các chủ đầu tư theo quy định của pháp luật do việc thu hồi giấy phép. Các tỉnh Bắc Ninh, Bình Định, Bình Phước, Đăk Nông, Điện Biên, Đồng Nai, thành phố Hải Phòng, Khánh Hòa, KonTum, Lai Châu, Lâm Đồng, Lạng Sơn, Lào Cai, Ninh Thuận, Phú Yên, Quảng Bình, Quảng Ngãi, Tây Ninh có văn bản đình chỉ khai thác đối với 110 giấy phép đã cấp tại các khu vực chưa có kết quả thăm dò, phê duyệt trữ lượng khoáng sản; yêu cầu các đơn vị đã được cấp phép tiến hành thăm dò, trình phê duyệt trữ lượng theo quy định của Luật khoáng sản năm 2010 để điều chỉnh Giấy phép khai thác khoáng sản. Các tỉnh Bình Định, Bình Phước, Đăk Nông, Khánh Hòa, Lạng Sơn, Nam Định, Ninh Thuận, Tây Ninh, Trà Vinh và thành phố Hải Phòng xem xét bổ sung, điều chỉnh quy hoạch 16 khu vực hoạt động khoáng sản đã cấp phép.
Trong 6 tháng đầu năm 2013, ngành Thuế thu hồi được khoảng 32,4% nợ thuế tại thời điểm cuối năm 2012; tiến hành thanh tra, kiểm tra tại 25.004 doanh nghiệp, số tiền thuế tăng thêm phát hiện qua thanh tra, kiểm tra khoảng 4.488 tỷ đồng, giảm khấu trừ thuế 497 tỷ đồng, số đã nộp NSNN là 3.497 tỷ đồng, bằng 76% số tiền thuế truy thu, phạt và truy hoàn. Tổng cục Hải quan đã thu hồi được 843 tỷ đồng nợ thuế quá hạn, đạt 33% kế hoạch; thanh tra chuyên ngành Hải quan đã kiến nghị truy thu khoảng 347 tỷ đồng tiền thuế; toàn ngành Hải quan đã phát hiện, bắt giữ được 8.682 vụ việc vi phạm, trị giá hàng hoá vi phạm ước tính trên 185 tỷ đồng, số tiền đã xử lý, thu nộp NSNN khoảng 89 tỷ đồng...
Tuy nhiên, Chính phủ cũng thừa nhận tình trạng lãng phí vẫn còn xảy ra. Một số hạn chế trong việc thi hành Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí chưa được khắc phục triệt để, như: trong sử dụng ngân sách, tài sản của nhà nước vẫn còn tình trạng vi phạm tiêu chuẩn, định mức; bố trí vốn đầu tư các công trình, dự án sử dụng tiền, tài sản của nhà nước dàn trải, thực hiện chậm tiến độ. Việc tổ chức triển khai một số cơ chế, chính sách còn chậm; còn có một số trường hợp xây dựng văn bản pháp quy chưa phù hợp thực tiễn. Hiệu quả quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa cao. Công tác quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường còn nhiều bất cập, chưa hiệu quả...
P.V