Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII: Trình Quốc hội 4 dự án Luật
Chiều 6-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường nghe Chính phủ trình 4 dự án Luật bao gồm: Luật Xây dựng (sửa đổi); Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi); Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.
* Huy động nguồn lực các thành phần kinh tế cho hoạt động đầu tư xây dựng
Tờ trình về dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) do Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng trình bày nêu rõ việc sửa đổi Luật Xây dựng là yêu cầu cấp thiết có tính khách quan trong quá trình hoàn thiện hệ thống pháp luật về đầu tư xây dựng ở nước ta hiện nay.
Luật Xây dựng và hệ thống các quy định pháp luật về xây dựng đã tạo lập hành lang pháp lý cần thiết và môi trường thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động đầu tư xây dựng. Tuy nhiên quá trình thực hiện, Luật Xây dựng (2003) đã bộc lộ những mặt hạn chế, chưa đáp ứng kịp với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội và chuyển đổi mô hình tăng trưởng của nước ta trong giai đoạn hiện nay; hiệu lực, hiệu quả của quản lý Nhà nước trong đầu tư xây dựng còn bất cập, yếu kém...
Bộ trưởng cho biết Luật Xây dựng (sửa đổi) được xây dựng trên cơ sở thể chế hóa đường lối, quan điểm của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường định hướng XHCN có sự quản lý của Nhà nước, trong đó vừa bảo đảm môi trường pháp lý bình đẳng, ổn định để huy động nguồn lực của các thành phần kinh tế cho hoạt động đầu tư xây dựng đồng thời tạo điều kiện thuận lợi cho tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia các hoạt động này. Mặt khác, phải có phương thức và nội dung quản lý phù hợp với từng loại nguồn vốn, đặc biệt là trong quản lý sử dụng vốn Nhà nước; phân định rõ giữa chức năng quản lý Nhà nước đối với các hoạt động đầu tư xây dựng với nhiệm vụ, trách nhiệm quản lý vốn của đại diện chủ sở hữu vốn Nhà nước.
Dự thảo Luật Xây dựng (sửa đổi) gồm 10 chương, 150 điều; tăng thêm 1 chương, 27 điều so với Luật Xây dựng (2003). Luật điều chỉnh đối với các hoạt động đầu tư xây dựng của tổ chức, cá nhân và các quyền, nghĩa vụ của tổ chức cá nhân khi tham gia hoạt động đầu tư xây dựng. Luật Xây dựng (sửa đổi) áp dụng đối với tổ chức, cá nhân trong nước; tổ chức, cá nhân nước ngoài hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam.
Báo cáo thẩm tra dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) của Ủy ban Khoa học, công nghệ và môi trường của Quốc hội đánh giá bộ hồ sơ dự án Luật Xây dựng (sửa đổi) của Chính phủ trình Quốc hội đã được chuẩn bị công phu, đúng với quy định của Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Ban soạn thảo đã đánh giá, tổng kết gần 10 năm việc thực hiện Luật Xây dựng; tham khảo chính sách, pháp luật của một số quốc gia trong hoạt động đầu tư xây dựng; đánh giá tác động của việc ban hành Luật; đã có dự thảo các nghị định hướng dẫn thực hiện Luật.
Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường cũng nhất trí cho rằng việc ban hành Luật phải góp phần hoàn thiện môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng; tăng hiệu quả đầu tư, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí đặc biệt là đối với các hoạt động đầu tư xây dựng có sử dụng vốn Nhà nước. Qua đó tăng cường vai trò, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, phân định rõ và đề cao trách nhiệm của các chủ thể tham gia vào quá trình đầu tư xây dựng; bảo đảm yêu cầu cải cách thủ tục hành chính, không làm chậm tiến độ thực hiện và gia tăng chi phí của các dự án đầu tư xây dựng...
Cơ quan thẩm tra đã có ý kiến cụ thể về các vấn đề lớn trong dự án Luật bao gồm: phạm vi điều chỉnh của Luật (Điều 1); quy hoạch xây dựng (Chương II); dự án đầu tư xây dựng (Chương III); giấy phép xây dựng (Chương V); xây dựng công trình (Chương VI); chi phí đầu tư xây dựng và hợp đồng xây dựng (Chương VII) ; đ iều kiện năng lực hoạt động xây dựng (Chương VIII)...
* Tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường
Tờ trình về dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) đánh giá một số quy định trong pháp luật về bảo vệ môi trường còn chưa phù hợp, chưa sát thực tế, thiếu cụ thể dẫn đến chậm đi vào cuộc sống, không theo kịp yêu cầu phát triển của thực tiễn và hội nhập quốc tế; còn những chồng chéo trong các quy định của pháp luật. Bên cạnh đó, đã nảy sinh sự thiếu đồng bộ trong các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường với pháp luật khác có liên quan đến bảo vệ môi trường. Những nguyên nhân nêu trên đã làm giảm hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý nước về bảo vệ môi trường.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang nêu rõ những tồn tại, bất cập này trong quá trình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường, đòi hỏi cần sớm được khắc phục. Bên cạnh đó nhiều vấn đề mới nảy sinh như tác động của biến đổi khí hậu, an ninh môi trường, an ninh sinh thái đòi hỏi pháp luật về bảo vệ môi trường phải được cập nhật, bổ sung với các giải pháp đồng bộ, đủ mạnh, có tính đột phá. Đặc biệt một số quan điểm, chủ trương, chính sách mới, quan trọng của Đảng đối với công tác bảo vệ môi trường mới được ban hành, thể hiện tại Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, đặc biệt là Nghị quyết số 24 Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường đòi hỏi pháp luật bảo vệ môi trường phải sớm được cập nhật, sửa đổi, bổ sung.
Bộ trưởng đánh giá việc xây dựng dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) phải khắc phục những tồn tại, bất cập trong các quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường hiện nay nhằm xây dựng một hệ thống pháp luật đồng bộ, tăng cường hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; đáp ứng những yêu cầu mới của quá trình chuyển đổi mô hình tăng trưởng, tái cấu trúc nền kinh tế hài hòa với thiên nhiên, thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Dự án Luật Bảo vệ môi trường (sửa đổi) bao gồm 19 chương và 160 điều, tăng thêm 4 chương và 24 điều so với Luật Bảo vệ môi trường năm 2005; có sự thay đổi thứ tự theo tính ưu tiên và bổ sung các chương mới.
Thẩm tra dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường nhất trí với những căn cứ về sự cần thiết sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường nhằm khắc phục những tồn tại, bất cập trong quá trình thi hành pháp luật về bảo vệ môi trường; đáp ứng yêu cầu của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế từ chiều rộng sang chiều sâu bảo đảm cho sự phát triển bền vững đất nước…
Trên cơ sở nhất trí cơ bản với phạm vi sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục rà soát, bổ sung những quy định nhằm khắc phục được những tồn tại qua tổng kết 8 năm thi hành Luật, trong việc phòng ngừa, kiểm soát, khắc phục ô nhiễm môi trường; thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường; bồi thường thiệt hại về môi trường; trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ môi trường; những quy định mới về ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng trưởng xanh, an ninh môi trường.
* Bảo đảm tính khả thi của Luật Hôn nhân và gia đình
Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho biết v iệc xây dựng Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi) là nhằm đáp ứng các yêu cầu khách quan của đời sống hôn nhân và gia đình nước ta trong tình hình mới; bám sát thực tiễn cuộc sống, đồng thời có dự báo tình hình trong thời gian tới, tạo điều kiện tốt hơn cho người dân tự giác chấp hành pháp luật...
Việc xây dựng dự án Luật cần bảo đảm phù hợp với các quy định của sửa đổi Hiến pháp năm 1992, đồng bộ với các luật hiện hành khác có liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình, đặc biệt là Bộ luật Dân sự năm 2005; sửa đổi các quy định đã có nhiều bất cập, hạn chế trong thực tiễn thi hành, đồng thời bổ sung các quy định để giải quyết các vấn đề thực tiễn phát sinh phù hợp với quá trình thay đổi của gia đình hiện đại và đời sống xã hội; bảo đảm tính khả thi của Luật Hôn nhân và gia đình...
Dự thảo Luật gồm 135 điều, được bố cục thành 9 Chương. So sánh với Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 (98 điều sau khi Luật nuôi con nuôi bãi bỏ Chương Nuôi con nuôi từ Điều 67 đến Điều 78), dự thảo Luật đã sửa đổi 62 điều, bổ sung mới 54 điều, bãi bỏ chương Giám hộ giữa các thành viên trong gia đình (đã được quy định trong Bộ luật Dân sự) và chương Xử lý vi phạm (đã được quy định trong Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự và Luật Xử lý vi phạm hành chính); bãi bỏ Lời nói đầu và 9 điều (Điều 7, 10, 12, 13, 14, 89, 98, 105 và 106).
Thẩm tra dự án Luật, Uỷ ban về các vấn đề xã hội thống nhất với tên gọi của dự án Luật là “Luật Hôn nhân và gia đình (sửa đổi)” vì phạm vi và nội dung sửa đổi được mở rộng. Về nội dung có những điểm mới được bổ sung như: nguyên tắc cơ bản của chế độ hôn nhân và gia đình, trách nhiệm trong lĩnh vực hôn nhân và gia đình; đại diện cho nhau giữa vợ và chồng; chế độ tài sản của vợ, chồng; nghĩa vụ và quyền giữa cha mẹ, con và giữa các thành viên khác của gia đình; xác định cha, mẹ, con; ly hôn, ly thân; giải quyết hậu quả pháp lý của việc nam nữ chung sống với nhau như vợ, chồng mà không đăng ký kết hôn… Ủy ban cũng tán thành với quan điểm tiếp tục áp dụng tập quán về hôn nhân và gia đình. Quy định này vừa thể hiện quan điểm của Nhà nước tôn trọng, bảo tồn và phát huy các phong tục, tập quán tốt đẹp, tiến bộ của các dân tộc, vừa giải quyết được các vấn đề phát sinh trong thực tiễn liên quan đến quan hệ hôn nhân và gia đình trong cộng đồng các dân tộc thiểu số….
* Bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế
Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế đánh giá sau 3 năm triển khai thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế đã đi vào cuộc sống, khẳng định tính đúng đắn, tính phù hợp trong lựa chọn chính sách tài chính y tế thông qua bảo hiểm y tế - một trong những chính sách an sinh xã hội, nhân đạo, ưu việt của Đảng và Nhà nước ta và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng. Công tác quản lý Nhà nước về bảo hiểm y tế ngày càng được tăng cường, công tác tuyên truyền về bảo hiểm y tế đã đi vào chiều sâu, đổi mới về hình thức và đã huy động được sự tham gia của cả hệ thống chính trị. Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn một số khó khăn, vướng mắc cần phải được nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung cụ thể về đối tượng, hình thức tham gia bảo hiểm y tế; phạm vi quyền lợi và mức hưởng bảo hiểm y tế; tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế; quản lý nhà nước và tổ chức thực hiện bảo hiểm y tế…
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, về phạm vi điều chỉnh, bố cục vẫn giữ nguyên như Luật Bảo hiểm y tế hiện hành. Dự thảo Luật lần này sửa đổi, bổ sung 20/52 điều từ Chương I đến Chương IX, trong đó tập trung sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhóm đối tượng; hình thức tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình; thẻ bảo hiểm y tế ; mức hưởng bảo hiểm y tế ; tạm ứng, thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế; quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế , trách nhiệm của các bên liên quan đến bảo hiểm y tế .
Ủy ban về các vấn đề xã hội nhất trí với sự cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế để tiếp tục góp phần hoàn thiện chính sách an sinh xã hội nói chung, chính sách bảo hiểm y tế nói riêng và đáp ứng tốt hơn nhu cầu chăm sóc sức khỏe của người dân. Dự thảo Luật cần bổ sung các quy định để kịp thời khắc phục những tồn tại, vướng mắc trong quá trình thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, tạo cơ chế để huy động mạnh mẽ hơn sự tham gia của cả hệ thống chính trị cùng với người dân trong việc mở rộng diện bao phủ tiến tới bảo hiểm y tế toàn dân...
(Theo TTXVN)