Kỳ họp thứ 6, Quốc hội Khoá XIII: Thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992
Tiếp tục Chương trình làm việc, sáng 5-11, các đại biểu Quốc hội làm việc tại Hội trường thảo luận Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 và Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013). Nội dung phiên làm việc quan trọng này được phát thanh và truyền hình trực tiếp để cử tri cả nước theo dõi.
* Dự thảo phản ánh ý chí, nguyện vọng của nhân dân
Mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Uỷ ban pháp luật của Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, Trưởng ban biên tập Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 Phan Trung Lý trình bày Báo cáo tổng hợp ý kiến thảo luận tại Tổ và giải trình về những vấn đề có ý kiến khác nhau trong quá trình thảo luận tại Tổ.
Đại biểu Quốc hội phát biểu ý kiến |
Báo cáo nêu rõ: về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam (Điều 4) tuyệt đại đa số ý kiến đều tán thành quy định về vị trí, vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam tại Điều 4 của Dự thảo. Có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “duy nhất” vào sau cụm từ “lực lượng lãnh đạo” tại khoản 1; quy định rõ cơ chế để thực hiện “Đảng chịu sự giám sát của nhân dân”, “chịu trách nhiệm trước nhân dân” và bổ sung quy định về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ vào Điều 4.
Vấn đề này Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp cho biết, Điều 4 của Hiến pháp năm 1992 đã quy định “Đảng là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Cương lĩnh (bổ sung, phát triển năm 2011) cũng tiếp tục ghi nhận: “Đảng Cộng sản Việt Nam là Đảng cầm quyền, lãnh đạo Nhà nước và xã hội”. Trong toàn bộ Hiến pháp năm 1992 cũng như Dự thảo sửa đổi Hiến pháp lần này chỉ có duy nhất Điều 4 quy định Đảng Cộng sản Việt Nam là lực lượng lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Do đó, ngoài Đảng Cộng sản Việt Nam thì không còn lực lượng nào khác được giao trọng trách này. Điều đó cũng hoàn toàn phù hợp với thực tiễn một đảng lãnh đạo ở Việt Nam. Vì vậy, Ban soạn thảo không bổ sung từ “duy nhất” vào Điều này.
Qua thảo luận, đa số ý kiến các đại biểu Quốc hội đồng tình với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 của Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; đánh giá Dự thảo được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, có chất lượng, phản ánh được ý chí, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân.
* Tán thành có quy định riêng về Công đoàn
Thảo luận về nội dung Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội (Điều 9), có ý kiến đề nghị bổ sung vai trò của các tổ chức xã hội, các tổ chức chính trị - xã hội khác vào Điều này. Theo đại biểu Vũ Tiến Lộc (Thái Bình) cùng với quy định về công đoàn tại Điều 10 thì cần thiết có quy định về các tổ chức khác như Hội cựu chiến binh, Đoàn thanh niên hay Hội phụ nữ… Đánh giá các tổ chức này được thành lập trên cơ sở tự nguyện, có chức năng bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của thành phần xã hội mà họ làm đại diện, đại biểu cho rằng các vị trí, vai trò của các tổ chức này cũng cần được hiến định, không nêu chung chung như Dự thảo.
Cũng cùng quan điểm này, đại biểu Đặng Công Lý (Bình Định) cho rằng cùng với Công đoàn, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam còn có nhiều tổ chức thành viên khác. Đây là một bộ phận của hệ thống chính trị, đại diện cho các tầng lớp nhân dân, vì vậy đề nghị Dự thảo Hiến pháp cần ghi nhận vai trò, vị trí của các tổ chức này để phát huy truyền thống đại đoàn kết toàn dân tộc…
Qua thảo luận nhiều ý kiến tán thành với việc giữ Điều 10 quy định về Công đoàn như trong Dự thảo. Các ý kiến tán thành với việc quy định Công đoàn tham gia kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Việc dự thảo quy định nội dung này là sự kế thừa các Hiến pháp trước đây. Luật Công đoàn năm 2012 cũng quy định Công đoàn “tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp”. Điều lệ Công đoàn Việt Nam (sửa đổi, bổ sung tại Đại hội lần thứ XI vừa qua) đã cụ thể hóa việc tham gia thanh tra, kiểm tra, giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp trong nhiệm vụ của tổ chức công đoàn các cấp….
* Đề nghị giữ một số điều của Chương V như Hiến pháp 1992
Liên quan đến quy định về Chương V: Quốc hội, đại biểu Phùng Văn Hùng (Cao Bằng) cho rằng cơ quan dân cử là nơi phát huy tính đại diện, chủ động, là nơi tiếng nói được thể hiện, được lắng nghe để đi đến sự thống nhất cao trong mỗi chính sách mà Quốc hội ban hành. Đại biểu cho rằng việc giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội thẩm quyền lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội đã hành chính hóa bộ máy của Quốc hội, hạn chế tính đại diện, chủ động, độc lập của các cơ quan Quốc hội. Trên cơ sở đó, đại biểu Phùng Văn Hùng đề nghị không nên quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội mà giữ nguyên như Hiến pháp hiện hành đó là Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ đạo, điều hành, phối hợp hoạt động Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội.
Về bầu, phê chuẩn thành viên Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội tại Khoản 1 Điều 75 và Khoản 1 Điều 76 Dự thảo sửa đổi Hiến pháp quy định: Chủ tịch Hội đồng dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban do Quốc hội bầu; các Phó Chủ tịch và các Ủy viên Hội đồng dân tộc, các Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên Ủy ban do Ủy ban thường vụ Quốc hội phê chuẩn. Đại biểu Phùng Văn Hùng, Trần Đình Thu (Gia Lai) cho rằng quy định này là không bình đẳng giữa các đại biểu Quốc hội và đề nghị nội dung này cần giữ như Điều 94, 95 của Hiến pháp hiện hành đó là Quốc hội bầu Hội đồng Dân tộc gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch và các uỷ viên; Quốc hội bầu các Uỷ ban của Quốc hội. Cùng quan điểm này, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị giao Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm các Ủy ban trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội phê chuẩn danh sách Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Phó Chủ nhiệm và các Ủy viên của các cơ quan Quốc hội.
Đại biểu Trần Đình Thu cho rằng cần cân nhắc kỹ quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội lãnh đạo công tác của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban Quốc hội. Theo đại biểu cần giữ nguyên Khoản 7 Điều 91 của Hiến pháp hiện hành quy định Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ điều hòa, phối hợp hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội. Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cần được đảm bảo vị thế độc lập trong việc thực hiện thẩm tra các dự án Luật.
* Quy định rõ đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt
Thảo luận về Chương IX: Chính quyền địa phương, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) đề nghị cần quy định rõ đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt này được thành lập ở cấp nào? Đại biểu nêu quan điểm: đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt thì phải là số ít, thậm chí là số 1, là duy nhất. Tình trạng nhiều đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt sẽ làm hệ thống pháp luật thiếu thống nhất. Đại biểu đề nghị Quốc hội cân nhắc kỹ và quy định cụ thể trong Hiến pháp nội dung này.
Thảo luận về Điều 114 quy định Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân bầu hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn. Đại biểu Phạm Xuân Thường cho rằng chúng ta đã thí điểm bỏ Hội đồng nhân dân nhưng đến nay chưa đủ thời gian để quyết định có nên bỏ hay không và đang tiếp tục thí điểm. Theo đại biểu, trước mắt nên giữ nguyên tổ chức Hội đồng nhân dân như Hiến pháp hiện hành. Đại biểu Nguyễn Viết Nhiên (Hải Phòng) cho rằng trong khi đang thực hiện thí điểm không tổ chức Hội đồng nhân dân thì quy định như dự thảo là hợp lý, có tính khái quát cao và tạo cơ sở lý luận cho việc đổi mới chính quyền địa phương…
Đại biểu Trần Đình Thu (Gia Lai) đề nghị quy định rõ trong Hiến pháp chính quyền địa phương gồm Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân nhằm khẳng định cụ thể nội hàm của chính quyền địa phương. Đại biểu đồng tình với quy định Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân được thành lập ở các các cấp đơn vị hành chính như Hiến pháp hiện hành, song cần có cơ chế không có Hội đồng nhân dân ở đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt và hải đảo nhằm đảm bảo tính khả thi trong quá trình thực hiện Hiến pháp.
Tại phiên thảo luận sáng, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận, cho ý kiến cụ thể về các nội dung quan trọng khác: quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân; về kinh tế, xã hội, văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và môi trường; về bảo vệ Tổ quốc; Quốc hội; Hội đồng bầu cử quốc gia, Kiểm toán Nhà nước…
Tiếp tục thảo luận về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, chiều 5-11, trong buổi làm việc được truyền hình, truyền thanh trực tiếp tại hội trường, các đại biểu Quốc hội đồng tình cao với Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 trên cơ sở ý kiến của nhân dân và của các vị đại biểu Quốc hội do Ủy ban Dự thảo sửa đổi Hiến pháp trình. Nhìn chung các ý kiến của đại biểu Quốc hội đều bày tỏ sự tán thành với bố cục, nội dung của Dự thảo và cho rằng, Dự thảo đã thể hiện được mục tiêu, quan điểm, định hướng lớn, những vấn đề có tính nguyên tắc về bản chất của Nhà nước và chế độ ta đã được nêu trong Nghị quyết của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội. Bên cạnh đó, Dự thảo Hiến pháp đã phản ánh được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các tầng lớp nhân dân và phù hợp với tình hình của đất nước. Buổi làm việc cũng nhận được nhiều ý kiến góp ý về toàn diện các nội dung trong dự thảo, đặc biệt là nhóm quy định về chế độ kinh tế, thu hồi đất và chính quyền địa phương.
Nhiều ý kiến đánh giá, Dự thảo sửa đổi Hiến pháp đã xác lập cơ chế bảo đảm phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, thể hiện sự đổi mới về tổ chức hoạt động của chính quyền địa phương theo hướng đảm bảo quyền tự chủ và tự chịu; xây dựng mô hình chính quyền địa phương có sự phân biệt về tổ chức, thẩm quyền của chính quyền nông thôn, đô thị và hải đảo.
* Tiếp tục hiến định vai trò chủ đạo của của thành phần kinh tế Nhà nước
Các ý kiến phát biểu tại buổi thảo luận hầu hết đều tán thành với việc quy định khái quát vai trò của các thành phần kinh tế nhưng cần khẳng định vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước (KTNN). Các đại biểu cho rằng, trong nền kinh tế thị trường ở nước ta thì vai trò định hướng, điều tiết nền kinh tế của Nhà nước và KTNN là rất quan trọng. Việc quy định như vậy để thể hiện hạ tầng kinh tế của chế độ xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Do đó, Hiến pháp cần hiến định vai trò chủ đạo của thành phần này.
Khẳng định, trong những giai đoạn phát triển vừa qua, thành phần KTNN luôn có vai trò chủ đạo, trụ đỡ của nền kinh tế, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế thế giới, đại biểu Trần Minh Diệu (Quảng Bình) phân tích: KTNN có vai trò đảm bảo cho sự tồn tại của hạ tầng kinh tế, tạo điều kiện để nền kinh tế phát triển. Mặc dù còn những khiếm khuyết trong hoạt động quản lý, điều hành và sản xuất kinh doanh nhưng không thể coi nhẹ loại hình này và cần tiếp tục tăng cường vai trò của nó trong Dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Góp ý vào nhóm quy định về chế độ kinh tế, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) cho rằng, dự thảo cần viết cụ thể để làm rõ bản chất của nền kinh tế quốc gia: Nền kinh tế Việt Nam là nền kinh tế thị trường, có định hướng và điều tiết của Nhà nước. Tán thành quy định như trong dự thảo về vai trò chủ đạo của thành phần KTNN, đại biểu Sơn đề nghị ghi rõ thêm nội dung của KTNN gồm: Ngân sách Nhà nước; dự trữ quốc gia, tài sản quốc gia, tài nguyên quốc gia. Quy định như vậy để dễ hiểu đối với người dân và các nhà đầu tư nước ngoài, đại biểu Sơn nói.
Tán thành việc hiến định thành phần kinh tế, trong đó, KTNN giữ vai trò chủ đạo, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, có như vậy, mới đảm bảo thực hiện được nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa như cương lĩnh, chiến lược đã đề ra.
Về vấn đề này, đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) phân tích, việc tồn tại một số doanh nghiệp Nhà nước yếu kém là do năng lực quản lý, điều hành của một số cá nhân, tổ chức chứ không thể do sự yếu kém của toàn hệ thống KTNN.
* Tăng cường vai trò của Công đoàn trong đảm bảo quyền và lợi ích của người lao động
Liên quan đến quy định về Công đoàn tại Điều 10 của Dự thảo, một số ý kiến tán thành việc quy định rõ tổ chức này trong Hiến pháp nhằm đề cao vai trò tiên phong của giai cấp công nhân Việt Nam và khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; khẳng định vị trí, vai trò to lớn của giai cấp công nhân và tổ chức Công đoàn trong lịch sử cũng như trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Các đại biểu Đặng Ngọc Tùng (Đồng Nai); Mã Điền Cư (Quảng Ngãi); Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, việc tiếp tục hiến định về tổ chức Công đoàn là hoàn toàn phù hợp là thể hiện đúng chủ trương của Đảng, Nhà nước nhất là trong kinh tế thị trường nhiều thành phần, vai trò vị trí của tổ chức Công đoàn là hết sức quan trọng để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động.
* Thu hồi đất phải đảm bảo công bằng và dựa trên lợi ích nhân dân
Góp ý về vấn đề thu hồi đất, các ý kiến cho rằng, trong điều kiện phát triển của nước ta hiện nay, vẫn cần thiết phải thu hồi đất vì lý do quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc thu hồi đất để thực hiện các dự án phát triển kinh tế - xã hội gắn trực tiếp với lợi ích của người sử dụng đất và doanh nghiệp nên cần phải quy định chặt chẽ, bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch và có bồi thường.
Đồng tình về quan điểm thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện nước ta hiện nay, song đại biểu Mã Điền Cư (Quảng Ngãi) cho rằng, quy định như trong dự thảo là chưa rõ ràng; chưa quy định cụ thể việc thu hồi đất phục vụ kinh tế - xã hội nhằm phục vụ mục đích gì và lợi ích của ai. Đại biểu Cư đề nghị quy định rõ trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 quan điểm về chuyển dịch đất đai theo hai hướng: Chuyển dịch đất đai bắt buộc và chuyển dịch tự nguyện. Không nên quy định trường hợp Nhà nước thu hồi đất phục vụ phát triển kinh tế - xã hội mà nên giao cho Luật Đất đai quy định. Về nguyên tắc thu hồi đất, cần bổ sung thêm bảo đảm công bằng và dựa trên lợi ích của nhân dân, đại biểu Cư nhấn mạnh.
Theo đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ), Dự thảo nên quy định việc thu hồi đất phải đảm bảo công khai minh bạch, theo quy định của luật thay vì “pháp luật” vì cho rằng, trong tương lai, việc thu hồi đất có thể sẽ không còn dễ dàng nữa vì đất là nguồn tài nguyên hữu hạn. Do đó, trong tương lai, có thể phải xây dựng một bộ luật riêng về đền bù, thu hồi đất đai như một số quốc gia trên thế giới để đảm bảo tính nghiêm minh và tính chính xác của thu hồi đất đai, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tập thể là chủ sở hữu đất đai.
Tán thành hiến định thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh, vì mục đích quốc gia, công cộng, phát triển kinh tế - xã hội, song đại biểu Danh Út (Kiên Giang) đề nghị, đối với việc thu hồi đất thuộc diện này phải đảm bảo nguyên tắc công khai, minh bạch, có bồi thường, đảm bảo lợi ích của người sử dụng đất.
* Tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo
Đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội): Mô hình chính quyền địa phương, qua báo cáo của Chính phủ về tổng kết thí điểm không tổ chức mô hình HĐND, đề nghị sửa theo hướng: Chính quyền địa phương được tổ chức ở các đơn vị hành chính địa phương của nước CHXHCN Việt Nam phù hợp với đặc điểm đô thị, nông thôn và hải đảo. HĐND và UBND được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, huyện quận, thành phố, thị xã, thị trấn, xã thuộc huyện đơn vị hành chính kinh tế đặc biệt. UBND được thành lập ở phường thuộc quận, phường, xã thuộc thành phố và thị xã.
Cùng quan điểm này, tuy nhiên không tán thành quy định tại Điều 114 của dự thảo, Ủy ban nhân dân do Hội đồng nhân dân cùng cấp bầu hoặc do Hội đồng nhân dân cấp trên trực tiếp phê chuẩn theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp, đại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp với thể chế chính trị, vì đã là một cấp chính quyền thì phải hoàn chỉnh, tổ chức đầy đủ với HĐND do nhân dân bầu trực tiếp và UBND do HĐND cùng cấp bầu. Như vậy mới đúng với bản chất Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và phù hợp với nguyên tắc nhân dân thực hiện quyền lực Nhà nước bằng dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện thông qua Quốc hội và HĐND các cấp và các tổ chức cơ quan khác.
Sáng 6-11, các đại biểu Quốc hội sẽ thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai (sửa đổi) - Dự án luật liên quan đến tất cả các lĩnh vực của đời sống, xã hội, được đặc biệt quan tâm tại Kỳ họp lần này.
(Theo TTXVN)