Kế hoạch thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm, trợ cấp với người có công
Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Quyết định số 1987/QĐ-TTg, ngày 31-10-2013 phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Kết luận số 63-KL/TW, ngày 27-5-2013 Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khoá XI) về “một số vấn đề về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội, trợ cấp ưu đãi người có công và định hướng cải cách đến năm 2020”.
Chi trả tiền lương |
Theo đó, căn cứ vào Kết luận số 63, Thủ tướng Chính phủ phân công các bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo Trung ương về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công thực hiện các nhiệm vụ như sau:
Trong quý I/2014, Bộ Nội vụ trình Chính phủ ban hành Nghị định về chính sách tinh giảm biên chế. Năm 2014 và các năm tiếp theo, Bộ Nội vụ trình Chính phủ xem xét mức lương cơ sở đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang trên cơ sở khả năng ngân sách Nhà nước, chỉ số giá tiêu dùng và tốc độ tăng trưởng kinh tế.
Về chính sách tiền lương đối với khu vực doanh nghiệp: Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quý IV/2013 và các năm tiếp theo, trình Chính phủ Nghị định điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng đối với người lao động làm việc ở doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, trang trại, hộ gia đình, cá nhân và các cơ quan, tổ chức có thuê mướn lao động. Ngoài ra, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ để trình Quốc hội ban hành Luật tiền lương tối thiểu vào năm 2015. Sau khi Luật tiền lương tối thiểu được Quốc hội thông qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành.
Đối với chính sách bảo hiểm xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong quý IV/2013 trình Chính phủ Quyết định triển khai thực hiện thí điểm bảo hiểm hưu trí bổ sung ở Việt Nam. Năm 2014 và các năm tiếp theo trình Chính phủ Nghị định điều chỉnh lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội và trợ cấp hàng tháng đối với cán bộ xã đã nghỉ việc; Nghị định điều chỉnh trợ cấp, phụ cấp ưu đãi đối với người có công với cách mạng.
Trong tháng 12-2013, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ để trình Quốc hội Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi. Sau khi Luật bảo hiểm xã hội sửa đổi được Quốc hội thông qua, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trình Chính phủ Nghị định hướng dẫn thi hành.
Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính trình Chính phủ Nghị định về đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập. Trong quý II/2014, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành kế hoạch triển khai thực hiện đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập và thực hiện các giải pháp tạo nguồn cải cách tiền lương thuộc phạm vi quản lý.
Thủ tướng Chính phủ giao các bộ, ngành, cơ quan xây dựng 4 Đề án về cải cách chính sách tiền lương, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công với cách mạng đến năm 2020 trình Hội nghị Trung ương gồm: 1) Đề án cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong các doanh nghiệp đến năm 2020; 2) Đề án đổi mới cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương gắn với kết quả hoạt động của đơn vị sự nghiệp công lập; 3) Đề án cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đến năm 2020; 4) Đề án cải cách chính sách ưu đãi người có công với cách mạng đến năm 2020.
Thủ tướng yêu cầu các bộ, cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo chủ trì thực hiện các nhiệm vụ chủ động phối hợp với các cơ quan liên quan và các địa phương triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ theo phân công, bảo đảm thời gian hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra.
P.V