Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự
Ngày 14-10, Thủ tướng Chính phủ đã ký ban hành Nghị định số 125/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 7 năm 2009 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự.
Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 4 về nhận đơn yêu cầu thi hành án; Điều 5 ra quyết định thi hành án; Điều 6 xác minh điều kiện thi hành án; Điều 8 a về chuyển giao quyền, nghĩa vụ thi hành án; Điều 8b thực hiện ủy thác thi hành án; Điều 8c thi hành án khi có thay đổi giá tài sản tại thời điểm thi hành án. Nghị định sửa đổi, bổ sung Điều 14 quy định về thu tiền, tài sản của người phải thi hành án đang do người thứ ba giữ; Điều 15 xác định giá đối với tài sản kê biên; Điều 15a định giá tài sản đã kê biên; Điều 15b về bảo đảm quyền ưu tiên mua tài sản thuộc sở hữu chung.
Nghị định bổ sung các Điều 17a; Điều 18; Điều 24a; Điều 24b; Khoản 1 Điều 26; Khoản 5,6,7 Điều 34; Điều 34a; Điều 34b.
Nghị định này có hiệu lực thi hành từ ngày 1-12-2013. Thủ trưởng cơ quan thi hành án, Chấp hành viên, cán bộ thi hành án, cá nhân và tổ chức khác không thi hành đúng bản án, quyết định, trì hoãn việc thi hành án, áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án trái luật, vi phạm các quy định về thủ tục thi hành án dân sự thì bị xử lý hành chính, kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nếu gây ra thiệt hại thì phải bồi thường. Trường hợp người được thi hành án là cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp được thi hành khoản tiền, tài sản thuộc sở hữu nhà nước mà không yêu cầu thi hành án trong thời hạn 1 năm kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật thì cơ quan quản lý trực tiếp có trách nhiệm chỉ đạo cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp này yêu cầu thi hành án.
(Theo TTXVN)