Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu

Thứ Tư, 16/10/2013, 16:18 [GMT+7]

Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 120/2013/NĐ-CP, ngày 09-10-2013 quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu. Nghị định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 22-11-2013, đồng thời thay thế Nghị định số 151/2003/NĐ-CP, ngày 09-12-2003 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng. Theo đó, Nghị định quy định về hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền xử phạt và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu.

Các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng bao gồm: vi phạm quy định về thực hiện nghĩa vụ quân sự; vi phạm quy định về lực lượng dự bị động viên; vi phạm quy định về động viên công nghiệp; vi phạm quy định về hoạt động công nghiệp quốc phòng; vi phạm quy định về dân quân tự vệ; vi phạm quy định về bảo vệ công trình quốc phòng và khu quân sự; lấn chiếm đất quốc phòng, đất ở, nhà ở do Quân đội quản lý; vi phạm quy định về sử dụng giấy phép lái xe quân sự, biển số mô tô, biển số ô tô, biển số phương tiện vận tải quân sự; vi phạm quy định về sử dụng, mua, bán, sản xuất quân trang và biển công tác, cờ hiệu.

Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quốc phòng, cơ yếu là 1 năm. Riêng thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính về quản lý đất quốc phòng, đất ở, nhà ở do Quân đội quản lý; công trình quốc phòng và khu quân sự là 2 năm.

Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực quốc phòng đối với cá nhân là 75 triệu đồng, đối với tổ chức là 150 triệu đồng. Mức phạt tiền tối đa trong lĩnh vực cơ yếu đối với cá nhân là 50 triệu đồng đối với tổ chức là 100 triệu đồng.

Cụ thể, đối với vi phạm các quy định về đăng ký nghĩa vụ quân sự, phạt cảnh cáo đối với hành vi không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu đối với công dân nam đủ 17 tuổi trong năm thuộc diện phải đăng ký nghĩa vụ quân sự. Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 600.000 đồng đối với một trong những hành vi: không đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu; không đăng ký bổ sung khi có sự thay đổi về họ tên, địa chỉ nơi ở, nơi làm việc theo quy định; không thực hiện đăng ký di chuyển trước khi di chuyển nơi cư trú theo quy định; không thực hiện đăng ký vào ngạch dự bị theo quy định…

Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 4 triệu đồng đối với hành vi: Người khám sức khỏe và cán bộ, nhân viên y tế cố ý làm sai lệch các yếu tố về sức khỏe, kết quả phân loại sức khỏe của người khám sức khỏe thực hiện nghĩa vụ quân sự nhằm trốn tránh nghĩa vụ quân sự.

Đối với quy định về nhập ngũ, phạt tiền từ 1,5 triệu đồng đến 2,5 triệu đồng đối với hành vi không có mặt đúng thời gian hoặc địa điểm tập trung ghi trong lệnh gọi nhập ngũ mà không có lý do chính đáng.

Phạt tiền từ 3 triệu đồng đến 5 triệu đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau: Đào ngũ khi đang làm nghĩa vụ quân sự phục vụ tại ngũ trong thời bình nhưng chưa gây hậu quả nghiệm trọng; chứa chấp bao che quân nhân đào ngũ…

Ngoài ra, Nghị định cũng quy định cụ thể mức phạt khi vi phạm quy định về bảo vệ bí mật Nhà nước khi truyền thông tin mật bằng phương tiện thông tin, viễn thông hoặc lưu giữ thông tin mật bằng thiết bị điện tử, tin học mà không mã hóa bằng mật mã cơ yếu, mức phạt như sau: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 15 triệu đồng đối với các hành vi không thực hiện mã hóa bằng mật mã của cơ yếu những thông tin bí mật Nhà nước khi truyền đi bằng các phương tiện thông tin, viễn thông; không thực hiện mã hóa bằng mật mã của cơ yếu khi lưu giữ thông tin bí mật Nhà nước trong các phương tiện thiết bị điện tử, tin học và trên mạng viễn thông…

 

P.V

;
.