Ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự
Sáng 9-10, tại Hà Nội, Bộ trưởng Bộ Công an, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Bộ trưởng Bộ Tư pháp và Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao đã ký kết Quy chế phối hợp liên ngành trong công tác thi hành án dân sự (THADS).
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các Ban, Bộ, ngành chứng kiến Lễ ký kết Quy chế phối hợp giữa các cơ quan. |
Chứng kiến lễ ký kết các đồng chí: Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng Chính phủ; Lê Thị Thu Ba, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chánh Văn phòng Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương; Phạm Anh Tuấn, Phó Trưởng Ban Nội chính Trung ương; Vũ Văn Phòng, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội và đại diện Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội, các Ban, Bộ, ngành có liên quan.
Mục tiêu của Quy chế này quy định về nguyên tắc, phương thức, nội dung phối hợp liên ngành giữa 4 cơ quan trên trong công tác THADS nhằm tăng cường trách nhiệm, năng lực tổ chức thực hiện và phối hợp liên ngành giữa các cơ quan và bảo đảm nguyên tắc chỉ đạo thống nhất từ Trung ương đến địa phương để nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác THADS hiện nay.
Theo đó, các cơ quan trên phối hợp trong việc ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về thi hành án dân sự; hướng dẫn quyền yêu cầu THADS, cấp và chuyển giao bản án, quyết định của Tòa án; phối hợp trong giải thích, sửa chữa, bổ sung bản án, quyết định, trả lời kiến nghị, thụ lý và giải quyết yêu cầu của cơ quan THADS; phối hợp trong quản lý, chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn nghiệp vụ về THADS; phối hợp trong giải quyết khiếu nại, tố cáo về THADS; kiểm tra về THADS; công tác thu tiền, tài sản, đặc xá, xuất nhập cảnh; cưỡng chế THADS; tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật; trao đổi thông tin và thống kê đánh giá, chỉ đạo các bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, khó thi hành; kiểm sát hoạt động THADS; xây dựng Báo cáo của Chính phủ về công tác THADS trước Quốc hội và việc thi hành các vụ án lớn, phức tạp.
Quy chế này cũng nêu rõ Bộ Tư pháp là cơ quan đầu mối trong việc tổ chức thực hiện nội dung này. Đồng thời, chủ động xây dựng dự thảo chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác THADS, phối hợp với các cơ quan có liên quan hoàn thiện và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch phối hợp trong công tác THADS, cung cấp thông tin theo đề nghị của cơ quan phối hợp. Đặc biệt, chủ trì phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức họp liên ngành vào tháng 10 hàng năm nhằm tổng kết, đánh giá việc thực hiện Quy chế, giải quyết các vướng mắc để nâng cao hiệu quả của công tác này.
Đăng Linh