Kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII: Chú trọng khen thưởng cho người lao động trực tiếp
Chiều 22-10, thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng, các đại biểu đề nghị cần quy định rõ hơn các tiêu chí khen thưởng.
Đa số các ý kiến nhìn nhận việc sửa đổi, bổ sung một số điều về các tiêu chuẩn khen thưởng, không lấy các danh hiệu thi đua làm căn cứ để xét khen thưởng đã hạn chế được việc cộng dồn thành tích và khen thưởng chủ yếu cho các cấp lãnh đạo quản lý. Với việc sửa đổi này, công nhân, nông dân, những người lao động trực tiếp có cơ hội hơn. Nhiều đại biểu thống nhất với việc thay đổi thời gian từ hằng năm lên 5 năm xét một lần đối với chiến sỹ thi đua toàn quốc, Anh hùng lao động, Anh hùng lực lượng vũ trang; nâng thời gian xét khen thưởng đối với một số danh hiệu vinh dự nhà nước; quy định nâng thời gian xét tặng từ 05 năm lên 10 năm giữa các hạng Huân chương Độc lập, Huân chương Quân công, Huân chương Lao động, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc. Có ý kiến đề nghị, đối với hạng ba của các loại Huân chương nói trên không nên quy định về thời gian xây dựng và phát triển.
Đại biểu Quốc hội thảo luận tại Hội trường |
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng các tiêu chuẩn khen thưởng còn định tính, chung chung, trùng lặp về tiêu chuẩn, một số quy định chưa hợp lý, rất khó thực hiện. Đại biểu Thích Thanh Quyết (Quảng Ninh) cho rằng các quy định cần định lượng hơn, cụ thể các tiêu chuẩn khen thưởng, về điều kiện, tiêu chuẩn phù hợp với từng nhóm đối tượng, lĩnh vực, để Luật dễ đi vào cuộc sống, thuận lợi cho việc thi hành; Quyết định khen thưởng phải gắn với chế độ tiền thưởng nhằm tránh việc khen thưởng tràn lan. Nhiều nơi không có kinh phí nhưng vẫn khen thưởng rất nhiều. Tình trạng tặng kỷ niệm chương và huy hiệu được sử dụng khá tràn lan ở các tổ chức xã hội và na ná như như huân chương, huy chương của Nhà nước, không biết đâu là giá trị thực, giá trị ảo, về lâu dài, cần xem xét việc này.
Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) chỉ rõ: các Điều 41, 43, 44, 46, 47 sử dụng quá nhiều cụm từ “thành tích xuất sắc”, cụm từ này rất chung chung, cần quy định lượng hóa cụ thể để xét khen thưởng bằng khen, huân chương cho phù hợp. Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đề cập: Luật quy định tiêu chuẩn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tuy nhiên, nhiều nông dân, linh mục, nhà sư đã lao động sáng tạo, có nhiều đóng góp cống hiến với xã hội nhưng không có cơ quan, tổ chức nào giao nhiệm vụ mà phải hoàn thành, do đó cần xem lại quy định này phù hợp với từng đối tượng, từng lĩnh vực.
Điều 6 quy định còn chung chung, mang tính hô hào, cần sửa theo hướng cụ thể, khen sao thưởng vậy để tránh khen tràn lan, không có tác dụng động viên.
Nhìn nhận Luật còn thể hiện cơ chế xin cho, đến hẹn lại lên, Trần Thị Diệu Thúy (thành phố Hồ Chí Minh) đề nghị thực hiện việc cấp trên chủ động xem xét, đánh giá thành tích cấp dưới thay vì việc cấp dưới tự đánh giá để cấp trên xét, khắc phục tình trạng nơi nào đề nghị nhiều được khen nhiều, nơi nào đề nghị ít được khen ít.
Tán thành với quan điểm thành tích đến đâu khen thưởng đến đó, khen theo mức độ cống hiến, đóng góp, phạm vi ảnh hưởng của thành tích, đại biểu Khúc Thị Duyên (Thái Bình) cho rằng không thể các cấp khác nhau cùng xét một thành tích, cùng một tập thể cùng một thành tích nhưng được khen thưởng nhiều lần, cần xem xét quy định "không tặng thưởng nhiều hình thức cho một thành tích đạt được" để vừa đảm bảo được việc tránh khen thưởng tràn lan, lãng phí, nhưng phải vừa đảm bảo được tính khuyến khích, biểu dương điển hình trong cộng đồng, xã hội nhằm khuyến khích mỗi cá nhân, tập thể phấn đấu trong công tác thi đua.
Việc dự thảo Luật bổ sung Cờ thi đua, Bằng khen cấp tổng cục, quân khu, quân chủng, quân đoàn, binh chủng và tương đương thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, nhiều đại biểu tán thành và cho rằng quy định như vậy là cần thiết đối với những đối tượng đặc thù nhằm động viên kịp thời cán bộ chiến sỹ. Các đại biểu Ngô Văn Hùng (Lào Cai), Nguyễn Văn Minh (Bắc Kạn) đề nghị quy định rõ thẩm quyền, tiêu chí khen thưởng đối với lực lượng vũ trang bởi đặc thù tổ chức biên chế nhiều cấp, việc phân cấp cũng khác nhau, quân đội có hàng trăm ngàn đơn vị từ Bộ đến cấp tiểu đội, nên phải quy định cụ thể để phù hợp với cơ cấu tổ chức, chức năng nhiệm vụ và các nhiệm vụ đột xuất khác. Mặc dù Nghị định 42/2010/NĐ-CP đã quy định tặng Huân chương quân công cho dân quân tự vệ nhưng trên thực tế việc này rất khó thực hiện, đại biểu Nguyễn Văn Minh kiến nghị bổ sung vào các Điều 45, 46, 47 quy định này vì lực lượng dân quân tự vệ là một bộ phận cấu thành của quân đội, có nhiệm vụ giữ gìn an ninh trật tự xã hội ở địa phương, cũng là lực lượng tham gia bảo vệ Tổ quốc.
Về khen thưởng đối với cơ quan Đảng, cơ quan dân cử, nhiều đại biểu đề nghị quy định hình thức khen thưởng đại biểu Quốc hội chuyên trách ở địa phương theo nhiệm kỳ hoạt động; quy định cụ thể về thẩm quyền khen thưởng, hình thức khen thưởng, thời hạn xem xét khen thưởng đối với cơ quan dân cử, đại biểu dân cử trong luật; làm rõ cơ quan nào xét danh hiệu thi đua khen thưởng với đại biểu Quốc hội không chuyên trách, nghiên cứu bổ sung thẩm quyền khen thưởng người đứng đầu với cơ quan lập pháp, tư pháp. Có ý kiến đề nghị bổ sung tiêu chí và hình thức khen thưởng đối với hộ gia đình bởi trên thực tế, nhiều hộ có công lao đóng góp lớn, ủng hộ hàng trăm triệu đồng xây dựng đường làng ngõ xóm, hiến đất làm đường, xây trường, nếu chỉ xét khen gia đình văn hóa là chưa đủ. Các đại biểu cũng đồng tình với việc Luật đã quy định một điều khoản về nguyên tắc bình đẳng giới trong thi đua, khen thưởng, tạo điều kiện cho nữ giới được khen thưởng và tạo động lực khuyến khích phụ nữ tham gia cống hiến. Có ý kiến đề nghị Huân chương Hồ Chí Minh là danh hiệu cao quý của Đảng, Nhà nước nên chỉ nên tặng một lần duy nhất để khẳng định sự cao quý đó.
(Theo TTXVN)