Hội thảo "Tăng cường tiếng nói của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong quản lý ngân sách Nhà nước"

Thứ Ba, 01/10/2013, 10:00 [GMT+7]

Ngày 30-9, tại Hà Nội, Nhóm Hợp tác thúc đẩy quản trị và cải cách hành chính công (GPAR), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm Phát triển và hội nhập (CDI), Trung tâm Hỗ trợ giáo dục và nâng cao năng lực cho phụ nữ (CEPEW), Trung tâm Hành động phát triển cộng đồng (ACDC) đã tổ chức Hội thảo "Tăng cường tiếng nói của cộng đồng và các tổ chức xã hội trong quản lý ngân sách Nhà nước".

Ngân sách là một công cụ chính sách quan trọng nhằm hiện thực hóa các mục tiêu quốc gia, đặc biệt là đảm bảo phát triển bình đẳng và toàn diện. Quá trình thực thi Luật ngân sách Nhà nước đã góp phần ổn định và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, đối ngoại. Tuy nhiên, cơ chế quản lý ngân sách hiện nay còn bộc lộ nhiều bất cập: Thẩm quyền giữa các cấp còn chồng chéo; thiếu tính minh bạch trong phân định trách nhiệm và thẩm quyền giữa các cấp quản lý; thiếu các quy định về trách nhiệm giải trình của Nhà nước trước các cơ quan dân cử và người dân; thiếu sự tham gia và vai trò giám sát của người dân và các tổ chức chính trị - xã hội, xã hội nghề nghiệp trong quản lý ngân sách; việc giám sát ngân sách nhà nước của các cơ quan dân cử chưa hiệu quả. Trước những bất cập kể trên, Chính phủ đang nghiên cứu sửa đổi Luật và dự kiến trình Quốc hội thông qua vào năm 2014.

Tại Hội thảo, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề: Tổng quan Luật ngân sách Nhà nước, những thành tựu và tồn tại trong quá trình thực hiện và sự cần thiết sửa đổi Luật; thúc đẩy vai trò của người dân và các tổ chức xã hội dân sự nhằm tăng cường tính minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quản lý ngân sách Nhà nước; giới thiệu dự án “Tăng cường tiếng nói của cộng đồng và các tổ chức xã hội dân sự trong quản lý ngân sách” và cam kết của các bên liên quan trong quá trình thực hiện.

Các đại biểu cũng cho rằng, quá trình sửa đổi và thông qua Luật ngân sách Nhà nước cũng cần tham vấn công chúng, qua đó sẽ giúp các cơ quan soạn thảo và Quốc hội có cơ hội hiểu tâm tư, nguyện vọng của người dân trong việc xây dựng Luật ngân sách Nhà nước gắn với thực tiễn, nâng cao tính minh bạch, trách nhiệm giải trình, sự tham gia và giám sát trong quản lý ngân sách, nâng cao hiệu quả quản lý tài chính cũng nhằm thực hiện thành công các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, đảm bảo an ninh, quốc phòng của đất nước.

                                                                                   Thùy Linh

;
.